"Nông sản Việt như cô gái danh giá, chờ người đến mua"
"Trên thế giới Trung Quốc được coi là chợ quy mô lớn, nhu cầu đa dạng nhưng doanh nghiệp nông sản Việt lại không hề có một gian hàng nào mà chỉ ngồi ở nhà bán"
Kinh nghiệm của một thương lái xuất khẩu nông sản sang Trung Quốc hơn 20 năm nay cho thấy, vấn đề chủ động tìm kiếm thị trường là một trong nhiều yếu kém của nông nghiệp Việt hiện nay.
Không phát biểu một cách chung chung, cũng không đề cập đến những vấn đề mang tính vĩ mô của ngành nông nghiệp Việt, bằng con mắt và kinh nghiệm tích lũy trong quá trình đưa nông sản Việt ra nước ngoài, bà Nguyễn Thị Thành Thực đưa ra ví dụ rất điển hình cho những tồn tại, hạn chế mà nông nghiệp Việt Nam đang gặp phải.
"Tôi là một thương lái, một thương lái nhỏ chứ không phải là doanh nghiệp lớn. Tôi là con nhà nông và trong suốt hơn 20 năm làm công việc xuất khẩu nông sản sang Trung Quốc tôi nhận thấy rằng, muốn bán hàng thì phải đi chợ. Tuy nhiên, nông sản Việt Nam đang giống như một cô gái danh giá, chờ người ta đến nhà mua đi", bà Thực ví von tại Diễn đàn Kinh tế Việt Nam chuyên đề nông nghiệp sáng ngày 5/6.
Thương lái này cho biết, hiện trên thế giới Trung Quốc được coi là chợ quy mô lớn, có nhu cầu đa dạng nhưng doanh nghiệp nông sản Việt, thương lái Việt lại không hề có một gian hàng nào mà chỉ ngồi ở nhà bán.
Trong khi đó, về phía Trung Quốc, họ không chỉ đi chợ mà còn hiểu rất rõ thị trường mà họ đang hướng đến, thậm chí còn hiểu hơn những gì mà người Việt Nam biết về sản phẩm của mình.
"Thương lái Trung Quốc biết ở Việt Nam có những gì ngon nhất, ở vùng nào, thời điểm nào thì thu hoạch. Họ đến tận những vùng sâu nhất, xa nhất, hay những ngõ ngách của Việt Nam để thu mua, điều mà thương lái Việt Nam chẳng mấy ai làm được. Chính vì thế trước đây, có những ngày tôi bán được 200 tấn vải thiều sang Trung Quốc, nhưng bây giờ thì không", bà nói.
Việc thương lái Trung Quốc đến tận nơi để thu mua không chỉ giúp họ chủ động được thị trường, chủ động nguồn cung mà còn mua được sản phẩm với giá rẻ, nhất là các sản phẩm xuất thô của Việt Nam, để từ đó, người Trung Quốc chế biến lại và xuất khẩu sang các thị trường khác với giá cao.
Thậm chí, theo bà Thực, các thương lái, doanh nghiệp Trung Quốc sẵn sàng bỏ vốn đầu tư để đặt nhà máy chế biến tại Việt Nam sau đó xuất đi các nước khác.
"Người dẫn dắt thị trường là vô cùng quan trọng. Nếu chúng ta dẫn dắt được khâu bán hàng thì chúng ta sẽ dẫn dắt được khâu sản xuất và tiêu thụ. Người Trung Quốc họ làm thương mại rất giỏi, họ là đối tác lớn nhất nhưng cũng là đối thủ lớn nhất của Việt Nam, cho nên họ mà được mùa thì dù chúng ta có được mùa, chúng ta cũng vẫn thua, vì chúng ta bị động về chiến lược và không làm giá được", bà Thực nhận định.
Không chỉ đề cập đến vấn đề chủ động tìm kiếm thị trường, thương lái này còn đưa ra một ví dụ khác làm minh chứng cho vấn đề chất lượng nông sản đang bị xem nhẹ.
Theo đó, bà Nguyễn Thị Thành Thực cho biết, khoai lang tím là mặt hàng rất tiềm năng, có thể trở thành ngành hàng tỷ USD của Việt Nam. Hiện nay, bà Thực đã thu mua và xuất khoai lang tím sang Trung Quốc, tuy nhiên lại không thể phát triển được ngành hàng này. Khó khăn chính nằm ở chất lượng sản phẩm.
"Ngày xưa, khoai lang có thể để vài tuần, cả tháng mà không mọc mầm, nhưng khoai lang hiện nay nếu không bảo quản lạnh thì chỉ để được một tuần là mọc mầm. Nguyên nhân là do nông dân của chúng ta sử dụng chất kích thích. Chúng ta có đủ khả năng cung cấp hàng nghìn tấn khoai lang mỗi ngày nhưng rất đáng tiếc...", vị thương lái này cho biết.
Bàn về giải pháp để thay đổi thực trạng này, chung quan điểm với các chuyên gia về việc tăng cường nhận thức cho người nông dân, bà Thực cho rằng còn cần phải đẩy mạnh việc "đi chợ", cụ thể là tăng cường giới thiệu sản phẩm Việt Nam tại các hội chợ quốc tế, mở các gian hàng để trưng bày, tiếp cận và nắm bắt nhu cầu thị trường các nước.
Bà Vũ Kim Hạnh, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp hàng Việt Nam chất lượng cao cũng cho rằng, việc tham gia các hội chợ uy tín có thể không giúp các doanh nghiệp có ngay đơn hàng, bởi khách hàng còn cần có thời gian trải nghiệm, nhưng họ có thể quay trở lại vào những ngày sau.
"Hôm nay có thể họ chưa nghĩ đến, nhưng sau khi về nhà thử sản phẩm thì hôm sau, hôm sau nữa họ sẽ tìm đến. Đừng để đến khi họ đến tìm rồi mà chúng ta lại đi mất.
Một lần nữa, tôi muốn nhấn mạnh chúng ta cần lập một nhóm nghiên cứu thị trường làm thiết thực và tổ chức những nhóm chuyên gia trẻ đi các hội trợ quốc tế uy tín, hai giải pháp này theo tôi nếu làm được sẽ rất có lợi cho người dân", bà Hạnh kết luận.