Nước biển dâng có thể khiến Việt Nam tổn thất 10% GDP
Nếu mực nước biển dâng cao 1 mét, khoảng 10-12% dân số Việt Nam bị ảnh hưởng trực tiếp và tổn thất khoảng 10% GDP
Trong khuôn khổ Diễn đàn nghị viện Châu Á - Thái Bình Dương (APPF 26), sáng 20/1 đã diễn ra phiên toàn thể thứ về các vấn đề hợp tác và phát triển trong khu vực.
Trước đó, trong ngày 19/1, APPF đã có những ý kiến trao đổi quan trọng về chính trị và an ninh, kinh tế và thương mại.
Hơp tác phát triển và những vấn đề về biến đổi khí hậu, văn hoá du lịch và phát triển bền vững - nội dung của phiên thảo luận thứ ba - theo Phó thủ tướng Vũ Đức Đam cũng có ý nghĩa và tầm quan trọng không kém.
Không còn là nguy cơ
Trong phát biểu đề dẫn, ông Vũ Đức Đam nói biến đổi khí hậu, nước biển dâng không còn là nguy cơ tiềm ẩn mà thực sự đã hiện hữu.
Ngay tại Hà Nội, mùa hè năm 2017 nhiệt độ đạt mức cao kỷ lục trong vòng hơn 40 năm qua, Phó thủ tướng dẫn chứng.
Ảnh hưởng tiếp theo được ông Vũ Đức Đam nêu là nếu mực nước biển dâng cao 1 mét, sẽ có khoảng 40% diện tích Đồng bằng Sông Cửu Long, nơi hiện sản xuất 12 triệu tấn gạo/năm (xuất khẩu 6 triệu tấn), khoảng 10-12% dân số Việt Nam bị ảnh hưởng trực tiếp và tổn thất khoảng 10% GDP.
Và không riêng ở Việt Nam, rất nhiều nơi trên thế giới đã và đang chứng kiến những bất thường của thời tiết, thiên tai, thảm hoạ nhiều hơn.
Theo Phó thủ tướng, ảnh hưởng của những tác nhân gây ra biến đổi khí hậu lan truyền không biên giới. Chính vì vậy, nỗ lực hạn chế các tác nhân có hại cũng như khắc phục hậu quả và phòng ngừa phải được thực hiện ở quy mô toàn cầu là quyền lợi và trách nhiệm của mọi quốc gia, nền kinh tế.
Phát biểu của nhiều nghị sỹ tham dự diễn đàn đều nhấn mạnh biến đổi khí hậu đã tác động đến toàn nhân loại. Và nghị viện có vai trò quan trọng trong xây dựng pháp luật cũng như giám sát việc thực thi pháp luật về ứng phó với biến đổi khí hậu.
Văn hoá độc hại lan truyền với tốc độ chóng mặt
Giờ đây, Internet đã giúp một người ngồi ở bất kỳ đâu có thể tìm hiểu ngay về cách thức nấu phở của Việt Nam, Phó thủ tướng Vũ Đức Đam đề cập trong phần phát biểu về hợp tác văn hoá.
Nhấn mạnh văn hoá là yếu tố có tính nền tảng, ông Vũ Đức Đam cho rằng nói về hợp tác thì không thể thiếu hợp tác về văn hoá.
Với sự phát triển của khoa học công nghệ, tiếp thu tinh hoa văn hoá trở nên thuận lợi hơn bao giờ hết, song những yếu tố văn hoá độc hại cũng lan truyền nhanh hơn, theo Phó thủ tướng.
"Những nội dung bạo lực, phi văn hoá, cổ vũ cho lối sống vô cảm, gây chia rẽ đoàn kết... cũng được lan truyền với tốc độ chóng mặt. Điều này càng khiến cho bảo tồn, phát triển văn hoá không phải là vấn đề của riêng cộng đồng, quốc gia đó mà của chung nhân loại", Phó thủ tướng nói.
Vẫn theo ông Vũ Đức Đam, nói tới hợp tác giao lưu văn hoá, không thể không nói tới giao lưu con người, tới du lịch.
Kết nối di sản giữa các quốc gia, hình thành các tuyến, các tour du lịch xuyên quốc gia, thiết lập mạng lưới các điểm đến du lịch, tăng cường chia sẻ các mô hình tốt về du lịch cộng đồng, du lịch sinh thái, thiên nhiên, ứng dụng công nghệ thông tin trong phát triển du lịch... nhằm tạo điều kiện để du khách dịch chuyển thuận lợi, an toàn là hết sức quan trọng, vị lãnh đạo của Chính phủ Việt Nam nhấn mạnh.
Làm thế nào để du lịch thành chìa khoá để phát triển bền vững cũng là vấn đề được một nghị sỹ Australia đặt ra tại phiên thảo luận.
Vài kinh nghiệm được vị này chia sẻ là Australia đã tạo cho du khách sự thích thú với quá trình xin visa, đồng thời bảo vệ tài nguyên thiên nhiên, không chỉ cho thế hệ tương lai mà cho cả khách du lịch đến đất nước này.
Nhiều quốc gia khác cũng đang ưu tiên phát triển du lịch, theo ý kiến từ phiên thảo luận. Thông điệp chung được nhấn mạnh là cần hành động mạnh mẽ hơn để tăng cường hợp tác, kết nối, trước hết là trong lĩnh vực lập pháp để phát triển du lịch của mỗi nước và cả khu vực.