Ông Đinh La Thăng và các đồng phạm kháng cáo
Hầu hết các bị cáo trong vụ án kinh tế xảy ra tại Petro Vietnam và PVC đều có đơn kháng cáo đối với mức án của mình được tòa tuyên hôm 22/1
Nguyên Chủ tịch và Tổng giám đốc Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (Petro Vietnam) vừa có đơn kháng cáo sau khi bị tòa tuyên án sơ thẩm trong vụ án "Tham ô và Cố ý làm trái quy định của Nhà nước gây hậu quả nghiêm trọng" xảy ra tại tập đoàn này và Tổng công ty PVC.
Theo Tòa án Nhân dân thành phố Hà Nội, tính đến ngày 2/2, cơ quan này đã nhận được đơn kháng cáo của 12 trong số 22 bị cáo tại vụ án nói trên, trong đó có bị cáo Đinh La Thăng – Nguyên Chủ tịch Petro Vietnam; Phùng Đình Thực – Nguyên Tổng giám đốc tập đoàn và Trịnh Xuân Thanh – Chủ tịch PVC.
Trong đơn kháng cáo của mình, bị cáo Đinh La Thăng cho rằng mức phạt 13 năm tù về tội Cố ý làm trái quy định về quản lý kinh tế (điều 165 Bộ luật Hình sự 1999) với mình là "quá nghiêm khắc".
Cụ thể là bản án sơ thẩm chưa xem xét đầy đủ, công bằng, khách quan và giới hạn phạm vi trách nhiệm của ông. Suốt quá trình điều tra và tại phiên tòa, ông nhận thấy đã thành tâm nhìn nhận trách nhiệm với tư cách Chủ tịch Hội đồng thành viên của Petro Vietnam song chưa được hội đồng xét xử đánh giá thỏa đáng. Kết quả giám định thiệt hại của vụ án chưa đảm bảo căn cứ pháp lý....
Do đó, bị cáo Đinh La Thăng đề nghị Tòa án Cấp cao tại Hà Nội xem xét lại tội danh, hình phạt và mức liên đới bồi thường sao cho phù hợp với bản chất vụ án cũng như đánh giá đúng vai trò trách nhiệm của ông.
Tương tự bị cáo Đinh La Thăng, bị cáo Phùng Đình Thực cũng đã gửi đơn kháng cáo toàn bộ bản án sơ thẩm của Tòa án Nhân dân thành phố Hà Nội vì cho rằng mình bị oan sau khi bị tuyên 9 năm tù về tội Cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng.
Ông Thực cho rằng không chỉ đạo PVPower và PVC ký hợp đồng số 33 sai quy định. Ông cũng phủ nhận cáo buộc tòa sơ thẩm xác định ông chỉ đạo, thúc ép ký hợp đồng này tại các biên bản giao ban của Petro Vietnam.
"Tôi không chỉ đạo ấn định thời gian khởi công vì đã được Hội đồng thành viên xác định trước đó, và Phó tổng giám đốc phụ trách điện ấn định cụ thể là quý 1/2011 tại văn bản số 11370 ngày 14/12/2010 kết luận cuộc họp ngày 10/12/2010", đơn kháng cáo của ông Thực nêu.
Ông Thực cho rằng, việc Hội đồng xét xử sơ thẩm kết luận trước ngày 16/6/2011 ông có biết hợp đồng số 33 không có căn cứ pháp lý, không có hiệu lực thi hành, là không đúng với thực tế và hàm oan cho mình. Ông không được cấp dưới báo cáo về hợp đồng số 33 không có giá trị pháp lý.
Đối với Trịnh Xuân Thanh, bị cáo này cho rằng không phạm hai tội như phán quyết của toà Hà Nội là tội tham ô và cố ý làm trái. Cùng với đó bản án chung thân dành cho bị cáo này. Ông Thanh đề nghị được cấp phúc thẩm xem xét lại toàn bộ trách nhiệm hình sự, dân sự.
Theo bản án sơ thẩm xét xử ngày 8-22/1 vừa qua, Petro Vietnam được giao làm đầu mối đầu tư dự án Nhà máy nhiệt điện Thái Bình 2, tổng mức đầu tư sau thuế hơn 31.505 tỷ đồng, tương đương gần 1,7 tỷ USD.
Dù chưa có đánh giá về năng lực, kinh nghiệm của PVC, chưa làm thủ tục chọn nhà thầu, nhưng ngày 18/6/2010, ông Đinh La Thăng đã ký Nghị quyết giao PVC thực hiện gói thầu EPC dự án Nhiệt điện Thái Bình 2 theo hình thức chỉ định thầu.
Ngày 11/10/2011, PVC mới chính thức là Nhà thầu có tư cách pháp lý để thực hiện Hợp đồng tổng thầu EPC dự án Nhà máy Nhiệt điện Thái Bình 2, nhưng từ ngày 28/4/2011 đến ngày 12/7/2011, PVN đã làm các thủ tục chi tạm ứng cho PVC hơn 6,6 triệu USD và hơn 1.300 tỷ đồng.
Sau khi nhận tiền tạm ứng, PVC đã sử dụng hơn 1.115 tỷ đồng vào mục đích khác, không đưa vào dự án. Đến ngày 22/11/2017, nhà chức trách mới thu hồi được gần 1.100 tỷ đồng. Số tiền còn lại (hơn 119 tỷ đồng) bị xác định là thiệt hại...
Bị cáo Phùng Đình Thực được cho là đã cố ký vào các quyết định cấp vốn tạm ứng, phiếu chi tạm ứng cho Ban quản lý dự án nhà máy Nhiệt điện Thái Bình 2 trái quy định.