Ông nông dân “pro”
Câu chuyện về một "cao thủ" trong làng chè Tân Cương, Thái Nguyên với những sản phẩm chè độc đáo
Chưa dám khẳng định thương hiệu chè "Thượng Ty" của gia đình anh chị Thắng - Hường ở xã Tân Cương, thành phố Thái Nguyên là thương hiệu nổi tiếng.
Nhưng có thể chắc chắn rằng, ngay cả những khách hàng khó tính và sành chè nhất cũng sẽ hài lòng về chất lượng sản phẩm và phong cách phục vụ chuyên nghiệp của gia đình nông dân này.
Dù bán với giá cả "trên trời", nhưng muốn mua sản phẩm của gia đình anh Thắng không dễ. Từ đầu tháng chạp, xưởng chè của gia đình anh đã hết hàng. Ngay cả khách quen cũng phải đặt hàng trước tết một vài tháng mới có.
Bình thường, đời sống một gia đình nông dân 6 người có nguồn sống từ 8.000 m2 đất vườn đồi tại vùng trung du khá chật vật. Gia đình anh Thắng cũng chỉ có bằng ấy đất chè, nhưng lại có cuộc sống khá sung túc nhờ cây chè. Nếu nói anh Thắng đang làm giàu bằng danh tiếng chè Tân Cương-Thái Nguyên cũng đúng, nhưng cho rằng anh đang làm giàu thêm danh thơm chè Tân Cương thì càng không sai. Và trong thực tế, những người nông dân biết nương vào sản vật của quê hương để làm giàu như anh Thắng không nhiều.
Hơn 10 năm trước, sớm nhận thấy nguy cơ danh tiếng chè Tân Cương bị mai một dần vì tình trạng lạm dụng phân bón và thuốc bảo vệ thực vật, anh Thắng chuyển sang áp dụng quy trình sản xuất an toàn. Nhờ vậy, giá chè móc câu của gia đình anh luôn cao gấp đôi chè cùng loại.
5 năm trở lại đây, anh bắt tay sản xuất chè nõn (Thượng Ty), giá bán 350-600 nghìn đồng/kg, tùy thời điểm. Gần đây nhất, sản phẩm "chè đinh" do anh sản xuất có giá bán tới 2,5 triệu đồng/kg. Trong khi nhiều người làm chè phải chịu cảnh được mùa mất giá, anh Thắng lại có thể tự định giá sản phẩm của mình, sản xuất đến đâu hết đến đó.
Tỉnh Thái Nguyên hiện nay có 17.000 ha chè, năng suất bình quân đạt 80 tạ búp tươi/ha, trong đó 70% sản phẩm tiêu thụ tại thị trường trong nước. Ngoài ra, còn rất nhiều sản phẩm của các vùng chè khác ăn theo danh tiếng chè Thái trôi nổi trên thị trường... Bởi vậy, để khách hàng chấp nhận mua chè giá cao hơn giá thị trường nhiều lần là một kỳ công của gia đình anh Thắng.
Trước hết phải kể đến khâu chọn giống. Trong khi nhiều nông dân phá chè trung du để trồng các loại chè giống mới, anh Thắng lại trung thành với cây chè trung du. Theo anh, chè trung du có ưu thế vượt trội: rễ cọc, lá dày, đủ sức chống chọi với giá rét để ra búp vào vụ đông, là vụ cây chè thường "ngủ" nhưng nếu biết để chè "thức" thì người sản xuất lại đạt lợi nhuận cao nhất trong năm.
Anh Thắng cho biết, tất cả công đoạn làm chè đều liên quan chặt chẽ với nhau, ảnh hưởng trực tiếp đến chất lượng sản phẩm. Việc tưới tiêu, bón phân, trừ sâu phải được tính toán hợp lý để cây chè không bị khai thác quá sức và cho những sản phẩm tốt nhất.
Thu hái chè cũng cần áp dụng một số tiêu chuẩn nghiêm ngặt, tuyệt đối không để dập nát. Chè móc câu hái một tôm hai lá, chè nõn tôm chỉ hái phần búp nõn, còn chè đinh chỉ chọn những búp nõn còn đang ngậm chặt nhọn như chiếc đinh và tuyệt đối không để giập nát.
Để thu hái đủ búp tươi làm nguyên liệu chế biến 1 kg chè nõn cần 2 thợ giỏi hái trong vòng một ngày. Riêng 1 kg chè đinh thì phải cần tới 20 thợ. Chưa nói đến công đoạn khác, chỉ riêng việc tuân thủ các quy trình thu hái cầu kỳ như vậy cũng khiến nhiều người làm chè nản lòng, trở về với sản phẩm chè bình dân.
Không dừng lại ở sự nghiêm ngặt, cầu kỳ, mà anh Thắng đã đạt tới sự tinh tế trong công đoạn sao chè. Anh chia sẻ: để sao được mẻ chè ngon thì cảm giác của bàn tay quan trọng nhất, đó chính là bí quyết riêng của người làm chè. Chính bàn tay là “nhiệt kế” để điều chỉnh nhiệt lượng cả lò cho vừa phải. Riêng anh Thắng, chỉ cần nghe tiếng chè rơi trong tôn quay cũng biết được độ nóng của lò quay.
Đổi lại, anh Thắng có niềm tự hào là sản phẩm của gia đình có thể chinh phục được những khách hàng khó tính nhất. Đặc biệt, nếu gặp những ẩm khách thực sự sành chè, anh rất trân trọng, coi đó là cơ hội để tìm được những lời góp ý quý báu cho sản phẩm của gia đình.
Có lần, một khách hàng sành chè có tiếng ở Hà Thành đặt mua 1 kg chè đinh loại thượng hạng, anh và vợ tự đi xe máy gần trăm cây số về đưa hàng. Mục đích chủ yếu là để nghe đánh giá của khách hàng về chất lượng chè. Nhâm nhi xong một tuần trà, ông khách này chỉ buông một từ "được" và vui vẻ trả 2.500.000 đồng cho 1 kg chè.
Điều đáng nể phục ở người nông dân này còn thể hiện ở cách phục vụ khách hàng rất tận tình và chuyên nghiệp. Sản phẩm chè Thắng-Hường đến tay khách hàng đều được bảo đảm đúng chất lượng. Mọi yêu cầu về thời gian, chủng loại, kích cỡ đóng gói cũng đáp ứng theo nhu cầu của khách hàng. Nếu khách hàng đã đặt trước, dù có khan hàng và thị trường tăng giá đến đâu, anh vẫn bán đúng hợp đồng (dù là hợp đồng miệng). Bây giờ khách quen của anh Thắng có từ Nam ra Bắc, thậm chí còn có rất nhiều Việt Kiều mê trà Tân Cương cũng là khách hàng lâu năm của gia đình.
Từ năm 2008, anh Thắng đã đầu tư hơn 170 triệu đồng xây dựng xưởng chế biến chè. Vụ Tết năm nay, anh thầu thêm hơn 24.000 m2 đất chè của hàng xóm để sản xuất, đủ hàng bán cho khách quen. Nhiều người tôn vinh anh Thắng là nghệ nhân làng chè Tân Cương. Nhưng anh chỉ nhận mình là một nông dân chuyên nghiệp. Sự chuyên nghiệp rất đáng nể của một người nông dân thời hội nhập.
Nhưng có thể chắc chắn rằng, ngay cả những khách hàng khó tính và sành chè nhất cũng sẽ hài lòng về chất lượng sản phẩm và phong cách phục vụ chuyên nghiệp của gia đình nông dân này.
Dù bán với giá cả "trên trời", nhưng muốn mua sản phẩm của gia đình anh Thắng không dễ. Từ đầu tháng chạp, xưởng chè của gia đình anh đã hết hàng. Ngay cả khách quen cũng phải đặt hàng trước tết một vài tháng mới có.
Bình thường, đời sống một gia đình nông dân 6 người có nguồn sống từ 8.000 m2 đất vườn đồi tại vùng trung du khá chật vật. Gia đình anh Thắng cũng chỉ có bằng ấy đất chè, nhưng lại có cuộc sống khá sung túc nhờ cây chè. Nếu nói anh Thắng đang làm giàu bằng danh tiếng chè Tân Cương-Thái Nguyên cũng đúng, nhưng cho rằng anh đang làm giàu thêm danh thơm chè Tân Cương thì càng không sai. Và trong thực tế, những người nông dân biết nương vào sản vật của quê hương để làm giàu như anh Thắng không nhiều.
Hơn 10 năm trước, sớm nhận thấy nguy cơ danh tiếng chè Tân Cương bị mai một dần vì tình trạng lạm dụng phân bón và thuốc bảo vệ thực vật, anh Thắng chuyển sang áp dụng quy trình sản xuất an toàn. Nhờ vậy, giá chè móc câu của gia đình anh luôn cao gấp đôi chè cùng loại.
5 năm trở lại đây, anh bắt tay sản xuất chè nõn (Thượng Ty), giá bán 350-600 nghìn đồng/kg, tùy thời điểm. Gần đây nhất, sản phẩm "chè đinh" do anh sản xuất có giá bán tới 2,5 triệu đồng/kg. Trong khi nhiều người làm chè phải chịu cảnh được mùa mất giá, anh Thắng lại có thể tự định giá sản phẩm của mình, sản xuất đến đâu hết đến đó.
Tỉnh Thái Nguyên hiện nay có 17.000 ha chè, năng suất bình quân đạt 80 tạ búp tươi/ha, trong đó 70% sản phẩm tiêu thụ tại thị trường trong nước. Ngoài ra, còn rất nhiều sản phẩm của các vùng chè khác ăn theo danh tiếng chè Thái trôi nổi trên thị trường... Bởi vậy, để khách hàng chấp nhận mua chè giá cao hơn giá thị trường nhiều lần là một kỳ công của gia đình anh Thắng.
Trước hết phải kể đến khâu chọn giống. Trong khi nhiều nông dân phá chè trung du để trồng các loại chè giống mới, anh Thắng lại trung thành với cây chè trung du. Theo anh, chè trung du có ưu thế vượt trội: rễ cọc, lá dày, đủ sức chống chọi với giá rét để ra búp vào vụ đông, là vụ cây chè thường "ngủ" nhưng nếu biết để chè "thức" thì người sản xuất lại đạt lợi nhuận cao nhất trong năm.
Anh Thắng cho biết, tất cả công đoạn làm chè đều liên quan chặt chẽ với nhau, ảnh hưởng trực tiếp đến chất lượng sản phẩm. Việc tưới tiêu, bón phân, trừ sâu phải được tính toán hợp lý để cây chè không bị khai thác quá sức và cho những sản phẩm tốt nhất.
Thu hái chè cũng cần áp dụng một số tiêu chuẩn nghiêm ngặt, tuyệt đối không để dập nát. Chè móc câu hái một tôm hai lá, chè nõn tôm chỉ hái phần búp nõn, còn chè đinh chỉ chọn những búp nõn còn đang ngậm chặt nhọn như chiếc đinh và tuyệt đối không để giập nát.
Để thu hái đủ búp tươi làm nguyên liệu chế biến 1 kg chè nõn cần 2 thợ giỏi hái trong vòng một ngày. Riêng 1 kg chè đinh thì phải cần tới 20 thợ. Chưa nói đến công đoạn khác, chỉ riêng việc tuân thủ các quy trình thu hái cầu kỳ như vậy cũng khiến nhiều người làm chè nản lòng, trở về với sản phẩm chè bình dân.
Không dừng lại ở sự nghiêm ngặt, cầu kỳ, mà anh Thắng đã đạt tới sự tinh tế trong công đoạn sao chè. Anh chia sẻ: để sao được mẻ chè ngon thì cảm giác của bàn tay quan trọng nhất, đó chính là bí quyết riêng của người làm chè. Chính bàn tay là “nhiệt kế” để điều chỉnh nhiệt lượng cả lò cho vừa phải. Riêng anh Thắng, chỉ cần nghe tiếng chè rơi trong tôn quay cũng biết được độ nóng của lò quay.
Đổi lại, anh Thắng có niềm tự hào là sản phẩm của gia đình có thể chinh phục được những khách hàng khó tính nhất. Đặc biệt, nếu gặp những ẩm khách thực sự sành chè, anh rất trân trọng, coi đó là cơ hội để tìm được những lời góp ý quý báu cho sản phẩm của gia đình.
Có lần, một khách hàng sành chè có tiếng ở Hà Thành đặt mua 1 kg chè đinh loại thượng hạng, anh và vợ tự đi xe máy gần trăm cây số về đưa hàng. Mục đích chủ yếu là để nghe đánh giá của khách hàng về chất lượng chè. Nhâm nhi xong một tuần trà, ông khách này chỉ buông một từ "được" và vui vẻ trả 2.500.000 đồng cho 1 kg chè.
Điều đáng nể phục ở người nông dân này còn thể hiện ở cách phục vụ khách hàng rất tận tình và chuyên nghiệp. Sản phẩm chè Thắng-Hường đến tay khách hàng đều được bảo đảm đúng chất lượng. Mọi yêu cầu về thời gian, chủng loại, kích cỡ đóng gói cũng đáp ứng theo nhu cầu của khách hàng. Nếu khách hàng đã đặt trước, dù có khan hàng và thị trường tăng giá đến đâu, anh vẫn bán đúng hợp đồng (dù là hợp đồng miệng). Bây giờ khách quen của anh Thắng có từ Nam ra Bắc, thậm chí còn có rất nhiều Việt Kiều mê trà Tân Cương cũng là khách hàng lâu năm của gia đình.
Từ năm 2008, anh Thắng đã đầu tư hơn 170 triệu đồng xây dựng xưởng chế biến chè. Vụ Tết năm nay, anh thầu thêm hơn 24.000 m2 đất chè của hàng xóm để sản xuất, đủ hàng bán cho khách quen. Nhiều người tôn vinh anh Thắng là nghệ nhân làng chè Tân Cương. Nhưng anh chỉ nhận mình là một nông dân chuyên nghiệp. Sự chuyên nghiệp rất đáng nể của một người nông dân thời hội nhập.