Ông Trump dùng quyền phủ quyết chống lại Quốc hội Mỹ
Dự luật của Quốc hội Mỹ nhằm chấm dứt tình trạng khẩn cấp biên giới mà ông Trump công bố đã bị ông phủ quyết
Tổng thống Mỹ Donald Trump ngày 15/3 đã sử dụng quyền phủ quyết để bác bỏ một dự luật mà Quốc hội nước này thông qua trước đó. Đây là dự luật nhằm chấm dứt tình trạng khẩn cấp ở biên giới phía Nam mà ông Trump công bố cách đây ít lâu để có tiền xây bức tường ngăn Mỹ với Mexico.
Theo hãng tin CNBC, lệnh phủ quyết đã được ông Trump đặt bút ký tại Phòng Bầu dục của Nhà Trắng, trước sự chứng kiến của giới truyền thông. Đây là lần đầu tiên ông Trump dùng quyền phủ quyết kể từ khi ông trở thành Tổng thống Mỹ.
Hạ viện Mỹ do Đảng Dân chủ kiểm soát sẽ tìm cách vô hiệu hóa sự phủ quyết này của ông Trump. Tuy nhiên, khó có khả năng họ tập hợp được sự ủng hộ của 2/3 số nghị sỹ trong cả Hạ viện và Thượng viện - con số cần thiết để bác bỏ lệnh phủ quyết của Tổng thống.
Hôm thứ Năm, Thượng viện do Đảng Cộng hòa kiểm soát đã khiến ông Trump "choáng váng" khi thông qua dự luật bác bỏ tình trạng khẩn cấp biên giới mà ông công bố hồi tháng 2. Dự luật này được thông qua ở Thượng viện là nhờ 12 nghị sỹ Cộng hòa về phe với các nghị sỹ Dân chủ.
Trước đó, dự luật trên đã được Hạ viện do Đảng Dân chủ kiểm soát thông qua vào tháng 2.
"Quốc hội có quyền tự do để thông qua nghị quyết này. Và tôi có nghĩa vụ phải phủ quyết nó", ông Trump nói, đồng thời gọi đây là một "nghị quyết đầy bất cẩn".
Ông Trump cũng nói rằng, ngay từ đầu, ông "chẳng ép bất kỳ ai" phải chống lại dự luật trên, "vì tất cả chúng ta đều biết sẽ có sự phủ quyết của tôi".
Sau khi gạt bỏ sự chống đối của Quốc hội trong vấn đề xây tường biên giới, ông Trump giờ đây vẫn phải đối mặt với những thách thức ở tòa án. Hơn một chục bang Mỹ đã đâm đơn kiện ông vì tình trạng khẩn cấp mà ông ban bố đối với khu vực biên giới Mỹ-Mexico.
Ông Trump đã đề nghị Quốc hội Mỹ phê chuẩn khoản ngân sách 5,7 tỷ USD cho xây tường biên giới trong 2019, nhưng không được đồng ý. Bởi vậy, vào hôm 15/2, ông đã ban bố tình trạng khẩn cấp để có thể dịch chuyển ngân sách từ các nguồn khác sang cho việc xây tường.
Bằng cách công bố tình trạng khẩn cấp, ông Trump hy vọng sẽ điều động được 8 tỷ USD cho việc xây tường biên giới trong 2019, trong đó có cả khoản 1,3 tỷ USD mà Quốc hội cấp để xây hàng rào biên giới. Ông dự kiến sẽ chuyển 3,6 tỷ USD từ ngân sách xây dựng của quân đội, và phần còn lại từ ngân sách của Bộ Quốc phòng và Bộ Ngoại giao.
Dù bị Quốc hội phản đối dữ dội, ông Trump tiếp tục mở ra một cuộc chiến tiếp theo với phe Dân chủ khi ông đề nghị cấp thêm 8,6 tỷ USD cho kế hoạch xây tường trong kế hoạch ngân sách tài khóa 2020 được công bố mới đây.
Đảng Dân chủ hiện đang dự kiến sẽ tổ chức một cuộc bỏ phiếu nhằm vô hiệu hóa lệnh phủ quyết của ông Trump vào ngày 26/3 - Chủ tịch Hạ viện Nancy Pelosi, nhân vật cấp cao nhất của đảng này, nói trong một tuyên bố hôm thứ Sáu.
Tuần này, Đảng Cộng hòa của ông Trump đã hai lần chống lại ông. Hôm thứ Tư, Thượng viện thông qua một nghị quyết nhằm chấm dứt sự ủng hộ của Mỹ đối với liên minh do Saudi Arabia đứng đầu trong cuộc nội chiến ở Yemen, theo đó bác bỏ chính sách của ông Trump đối với Riyadh.
Nếu nghị quyết này được Hạ viện thông qua như dự báo, ông Trump nhiều khả năng sẽ dùng quyền phủ quyết lần thứ hai.
Hai người tiền nhiệm của ông Trump là Tổng thống Barack Obama và Tổng thống George W. Bush mỗi người đều dùng quyền phủ quyết 12 lần trong hai khóa cầm quyền.