08:56 07/05/2008

“Phải áp dụng các biện pháp không bình thường”

Nguyên Linh

Phó chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Kiên trao đổi với báo giới xung quanh vấn đề tăng trưởng kinh tế của Việt Nam

"Tình hình không bình thường nên phải áp dụng các biện pháp không bình thường".
"Tình hình không bình thường nên phải áp dụng các biện pháp không bình thường".
Phó chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Kiên trao đổi với báo giới xung quanh vấn đề tăng trưởng kinh tế của Việt Nam.

Thưa Phó chủ tịch, trong bối cảnh nhiều nền kinh tế có biến động thời gian qua, có ý kiến cho rằng, chu kỳ phát triển kinh tế với tốc độ cao của Việt Nam đang có xu hướng chậm lại, sau năm 2010 có thể chỉ còn 5-6%?

Cần phải nhìn nhận rằng, khi qui mô kinh tế còn bé thì việc đạt được tốc độ tăng trưởng kinh tế cao đơn giản hơn. Khi qui mô đã lớn lên rồi thì nhích lên 1% là cũng khó khăn.

Thứ hai, trong thời đại toàn cầu hóa này, những nước phát triển, nước giàu và các nước còn chậm phát triển luôn lệ thuộc lẫn nhau. Khi kinh tế thế giới có xu hướng giảm sút thì Việt Nam cũng không tránh khỏi những tác động.

Chính vì thế, qua công tác dự báo, chúng ta phải nắm tình hình kinh tế thế giới chủ động hơn để hạn chế thấp nhất những tác động xấu từ những biến động của nền kinh tế toàn cầu và khai thác những thế mạnh của đất nước để đưa nền kinh tế tiếp tục phát triển.

Đây là lần đầu tiên Quốc hội sẽ xem xét điều chỉnh chỉ tiêu tăng trưởng kinh tế. Liệu đó có phải là một tiền lệ không tốt mà mỗi khi điều hành kinh tế có khó khăn, có khả năng không đạt mục tiêu thì Chính phủ lại xin điều chỉnh, thưa ông?

Về vấn đề này thì phải vẫn phải chờ xin ý kiến của Quốc hội. Quốc hội thấy phương án nào hợp lý thì sẽ quyết định.

Trong phần phát biểu khai mạc của Chủ tịch Quốc hội cũng nói rõ là điều chỉnh chỉ tiêu tăng trưởng thì cũng phải nêu rõ là dựa trên căn cứ khoa học nào, thực tế thế nào để đưa ra con số đó. Trên cơ sở đó Quốc hội mới thảo luận, xem xét điều chỉnh hay không.

Qua báo cáo của Chính phủ, việc nhận trách nhiệm của Chính phủ một cách khái quát như vậy cũng là hợp lý. Còn mổ xẻ chi tiết trách nhiệm từng ngành, từng khâu, từng cấp thì để đại biểu Quốc hội phân tích, đánh giá sâu thêm, để rút kinh nghiệm điều hành cho năm 2008 và những năm sau tốt hơn.

Chính phủ đã nhìn nhận có lúc năng lực điều hành của bộ máy chưa sẵn sàng trong việc ứng phó với những cú sốc từ bên ngoài ví dụ năng lực về điều hành chính sách tiền tệ, tài khóa, khả năng dự báo. ý kiến của ông về vấn đề này?

Bộ Chính trị cũng đã có kết luận về vấn đề này. Báo cáo của Thủ tướng cũng nhận ra vấn đề này. Chính phủ đã tự kiểm điểm là còn nhiều mặt hạn chế, lúng túng. Hạn chế do cách tiếp cận, lúng túng do chưa làm tốt công tác dự báo cho nên, trong báo cáo của Chính phủ trước Quốc hội cũng nêu Chính phủ rút kinh nghiệm trong các khâu đánh giá tình hình, điều hành.

Sắp tới, tôi tin là Chính phủ, cũng như cả hệ thống chính trị của chúng ta sẽ tiếp tục rà lại từng khâu, từng tổ chức cụ thể, từng con người cụ thể để nâng cao năng lực điều hành đất nước.

Trong vấn đề rà soát nhân sự, có ý kiến cho rằng phải chăng công tác xem xét, quyết định về nhân sự của Chính phủ vừa qua chưa được làm thật kỹ cho nên cũng có vị trí chưa thể hiện được năng lực?

Sự đời thì không có cái gì hoàn hảo hết. Không thể có mười phân vẹn mười được. Cho nên trong quá trình đó, mọi người, mọi tổ chức cũng phải tự đánh giá mình để phát huy những mặt tốt và hạn chế mặt chưa tốt.

Phó chủ tịch nhận định ra sao về tình hình thị trường từ nay đến cuối năm khi các giải pháp không cho tăng giá các mặt hàng trọng yếu của Chính phủ được dỡ bỏ?

Tình hình không bình thường nên phải áp dụng các biện pháp không bình thường. Tuy nhiên phải theo dõi, cập nhật thường xuyên để xem những khâu nào đang bị nghẽn, không đảm bảo mục tiêu tổng quát đã điều chỉnh thì lúc nào sẽ tháo, mở ở những khâu, những nút đó để thực hiện cho được những mục tiêu đã điều chỉnh. Vì những biện pháp đó không cố định và cứng nhắc.

Một bất cập trong báo cáo của Chính phủ là tình trạng bội chi đã kéo dài nhiều năm, ý kiến riêng của ông về vấn đề này?

Có lẽ trên thế giới ít có nước nào không bội chi ngân sách, kể các các nước phát triển như Mỹ. Vấn đề là chúng ta lựa chọn tỷ lệ và mức bội chi thế nào để nó phục vụ mục tiêu phát triển nhanh, bền vững, đưa nước ta ra khỏi danh sách các nước chậm phát triển nhưng cũng không để gánh nặng cho các thế hệ sau.

Còn trong các giải pháp đảm bảo đời sống dân sinh, những đối tượng như nông dân, công nhân, công chức nhà nước... gặp nhiều khó khăn do lạm phát tăng cao, thiên tai, dịch bệnh nhiều. Liệu những giải pháp ổn định đời sống, hỗ trợ cho những đối tượng này đã thực sự đầy đủ, thưa ông?

Trong các giải pháp để đảm bảo mục tiêu tổng quát đã được điều chỉnh, yêu cầu về đảm bảo an sinh xã hội là một giải pháp căn bản. Cho nên từ nay đến cuối năm, Nhà nước sẽ dồn các nguồn lực của mình, kể cả dự phòng, các nguồn tăng thu của năm 2007, khả năng tăng thu của năm 2008... để hỗ trợ cho những người ở những lĩnh vực, địa bàn còn có nhiều khó khăn do tác động của giá cả, lạm phát tăng cao.