Phải cấm mang vũ khí đến công sở, bệnh viện
Luật đã quy định người sử dụng vũ khí phải “biết rõ” tính chất về hành vi của người vi phạm pháp luật để quyết định nổ súng
Chiều 20/6, Quốc hội đã thông qua Luật Quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ.
Như thường lệ, các đại biểu Quốc hội nghe báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo luật của Uỷ ban Thường vụ Quốc hội trước khi đưa ra quyết định cuối cùng.
Chủ nhiệm Uỷ ban Quốc phòng - An ninh Võ Trọng Việt cho biết, có ý kiến đề nghị bổ sung các quy định cấm mang theo vũ khí đến các khu vực như trường học, công sở, bệnh viện, đồng thời có biển cảnh báo cấm hoặc có nơi lưu giữ an toàn tuyệt đối ở những nơi này theo quy định.
Báo cáo giải trình nêu rõ, Uỷ ban Thường vụ Quốc hội nhận thấy, nội dung này đã được quy định tại khoản 3, điều 5 (các hành vi bị nghiêm cấm).
Theo đó, tại nơi cấm, khu vực cấm, khu vực và mục tiêu bảo vệ phải có quy chế, quy định cụ thể việc cấm mang theo vũ khí.
Vì vậy, đề nghị Quốc hội không quy định bổ sung cụ thể, chi tiết những khu vực cấm mang vũ khí trong dự thảo luật.
Về thẩm quyền thực hiện việc nghiên cứu, chế tạo, sản xuất, kinh doanh, sửa chữa, xuất khẩu, nhập khẩu vũ khí, báo cáo thống kê nhiều nhóm ý kiến khác nhau. Có ý kiến đề nghị quy định cho phép các doanh nghiệp dân sự tham gia lĩnh vực này. Một số ý kiến đề nghị bổ sung một số quy định cụ thể và tách bạch về vũ khí quân dụng với vũ khí thể thao…
Theo Uỷ ban Thường vụ Quốc hội, trong điều kiện hiện nay, để phù hợp với nhu cầu thực tiễn, có tính tới việc huy động các cơ sở công nghiệp dân sự vào hoạt động công nghiệp quốc phòng, an ninh khi cần thiết, tiếp thu ý kiến đại biểu Quốc hội, sau khi cân nhắc nhiều mặt, ban soạn thảo dự luật đã chỉnh lý nội dung quy định tại điều 17 này.
Cụ thể, điều luật được thiết kế lại theo hướng quy định nguyên tắc về chủ thể được thực hiện các hoạt động nghiên cứu, chế tạo, sản xuất, sửa chữa, kinh doanh, xuất khẩu, nhập khẩu vũ khí bên cạnh điều khoản ấn định tổ chức, doanh nghiệp thuộc Bộ Quốc phòng, Bộ Công an được tham gia lĩnh vực hoạt động này.
Về các trường hợp nổ súng quân dụng (điều 24), Chủ nhiệm Võ Trọng Việt nhấn mạnh, nội dung quy định chỉ áp dụng với việc nổ súng quân dụng, còn việc sử dụng vũ khí thể thao, vũ khí thô sơ được điều chỉnh với điều khoản khác.
Có ý kiến đề nghị nghiên cứu, cân nhắc quy định về xác định hành vi phạm tội nghiêm trọng, rất nghiêm trọng, đặc biệt nghiêm trọng hoặc tái phạm nguy hiểm làm căn cứ nổ súng để bảo đảm tính khả thi.
Chủ nhiệm Uỷ ban Quốc phòng Anh ninh phân tích, việc quy định tính chất nghiêm trọng của hành vi phạm tội làm căn cứ quyết định nổ súng tại điều 24 là yêu cầu đòi hỏi người sử dụng vũ khí phải nhận thức, đánh giá được hành vi của đối tượng đang thực hiện là hành vi tội phạm nghiêm trọng, rất nghiêm trọng, đặc biệt nghiêm trọng.
Do đó, điều luật đã quy định người sử dụng vũ khí phải “biết rõ” tính chất về hành vi của người vi phạm pháp luật để quyết định nổ súng.
Quy định như vậy được cơ quan giải trình khẳng định là chặt chẽ, đáp ứng yêu cầu đấu tranh phòng, chống tội phạm và phù hợp với quy định của Bộ luật Tố tụng hình sự.