10:14 10/03/2008

“Phải “chịu đau” để chống lạm phát!”

Nguyễn Hoài

Hỏi chuyện ông Vũ Văn Ninh, Bộ trưởng Bộ Tài chính về các giải pháp chống lạm phát của Chính phủ

"Nói gì thì nói, có tăng trưởng thì mới giải quyết được các vấn đề khác".
"Nói gì thì nói, có tăng trưởng thì mới giải quyết được các vấn đề khác".
Hỏi chuyện ông Vũ Văn Ninh, Bộ trưởng Bộ Tài chính về các giải pháp chống lạm phát của Chính phủ.

Thưa ông, trong bối cảnh hiện nay, giữa tăng trưởng và lạm phát, Chính phủ sẽ ưu tiên cho mục tiêu nào hơn?

Vấn đề này thì hiện nay Chính phủ đang bàn nhưng vẫn đặt mục tiêu tăng trưởng lên hàng đầu. Nói gì thì nói, có tăng trưởng thì mới giải quyết được các vấn đề khác.

Tuy nhiên, vẫn phải chú trọng đặc biệt với việc kiểm soát tăng giá. Nếu không, việc tăng trưởng không có ý nghĩa vì suy cho cùng, mục tiêu cuối cùng vẫn phải đảm bảo đời sống người dân được tốt hơn.

Trong “gói giải pháp” kiềm chế lạm phát tại Công văn 319/TTg-KTTH, có đề cập tới việc dừng những dự án không hiệu quả, ông có thể chỉ ra những dự án nào không?

Hiện tại Chính phủ đã giao cho Bộ Kế hoạch và Đầu tư chủ trì thành lập tổ chuyên trách theo dõi vấn đề này, có sự tham gia của các Bộ Tài chính, Bộ Xây dựng... do Phó thủ tướng Hoàng Trung Hải trực tiếp chỉ đạo. Việc dừng những công trình nào thì chưa thể nói được nhưng chắc chắn phải có sự đồng tình của các bộ, ngành và địa phương.

Tất nhiên, để làm được điều này là không dễ vì vừa phải “chịu đau” để tập trung cho những công trình có hiệu quả và bớt đi những những dự án thiếu hiệu quả.

Còn vấn đề chi tiêu công thì hạn chế như thế nào?

Bộ Tài chính đã có chỉ đạo hệ thống tài chính xiết chặt và kiểm soát chi thông qua hệ thống kho bạc nhà nước. Đồng thời, tiết kiệm chi xăng dầu, chi tiêu, tiết kiệm 10% chi ngân sách ngoài lương.

Ông đánh giá như thế nào về hiệu quả việc thực hiện “gói giải pháp” nói trên của Chính phủ?

Chúng ta đưa ra giải pháp nhằm vừa đạt mục tiêu tăng trưởng vừa ổn định lạm phát nhưng trong một thời điểm để làm được điều này là rất khó. Tuy nhiên, Chính phủ sẽ lựa chọn một phương án tốt nhất để điều hành.

Chẳng hạn, về vấn đề hạn chế nhập siêu. Hiện nay, thống kê chưa đầy đủ cho thấy, tỷ lệ hàng hóa nhập khẩu cho sản xuất (nguyên, nhiên vật liệu) chiếm tới 70% trong cơ cấu hàng hóa nhập khẩu. Nếu hạn chế nhập siêu, rõ ràng sẽ hạn chế tăng trưởng.

Ngay cả với hàng tiêu dùng cũng vậy. Sau khi cân đối cung cầu hàng hóa trong nước thấy thiếu mà không cho phép nhập khẩu thì sẽ căng thẳng và tác động lên lạm phát, còn nếu cho nhập thì lại tác động lên nhập siêu.

Đây là bài toán cực kỳ khó khăn mà Chính phủ phải chọn một phép tính trong rất nhiều phép tính. Với “gói” giải pháp vừa qua, chúng tôi thấy đang có chiều hướng tác động tốt lên thị trường.

Nhiều ý kiến cho rằng, để điều hành thị trường tài chính tiền tệ một cách hiệu quả, Chính phủ nên thành lập một ủy ban độc lập. Ông có thể giải thích rõ hơn vấn đề này?

Rất nhiều nước thành lập ủy ban quốc gia giám sát về tài chính, bảo hiểm, ngân hàng, chứng khoán nhưng mỗi nước có một mô hình khác nhau. Có nước để phân tán, có nước để tập trung, nhiều nước đã chuyển từ phân tán sang tập trung để giải quyết các mối quan hệ và sự tác động nhạy cảm một cách thống nhất. Chính vì thế, họ ra các quyết định một cách nhanh và chính xác.

Hiện tại, Việt Nam chưa thành lập được một ủy ban mang tính đầy đủ và toàn diện như vậy. Gần đây, Chính phủ có ra một quyết định thành lập một ủy ban mang tính tư vấn cho Chính phủ là chính và điều phối hoạt động giữa các cơ quan trong lĩnh vực tài chính, tiền tệ, chứng khoán.

Chính phủ đang giao cho Bộ Tài chính và các bộ nghiên cứu để hình thành một cơ chế giám sát. Hiện nay, chúng tôi đang xây dựng đề án và lấy ý kiến đóng góp.

Thị trường chứng khoán gần đây rất bất ổn mà một nguyên nhân chính là do thực thi chính sách tiền tệ thắt chặt để chống lạm phát. Để ổn định thị trường này, theo ông có nên thành lập quỹ bình ổn không?

Tôi chưa khẳng định có thành lập quỹ này hay không nhưng có thể khẳng định một điều, Chính phủ rất quan tâm đến thị trường và nếu cần thiết, sẽ có giải pháp can thiệp nhưng không phải dùng đến ngân sách.

Tuy nhiên, Chính phủ sẽ sử dụng nguồn vốn của Nhà nước mà nguồn vốn này có khả thi để thực hiện. Chẳng hạn, vừa rồi Chính phủ đưa ra giải pháp Tổng công ty Đầu tư và Kinh doanh vốn Nhà nước (SCIC) tham gia thị trường chính là để thực hiện nhiệm vụ này.

Việc SCIC tham gia thị trường không nhằm mục đích kinh doanh chứng khoán mà sự can thiệp của SCIC chỉ giúp cho thị trường hoạt động lành mạnh hơn. Còn làm như thế nào để SCIC bình đẳng với các nhà đầu tư khác và không gây ra tác động phụ đối với thị trường là điều quan trọng nhất.