Phân bổ ngân sách: Đã ưu tiên cao hơn cho hai “đầu tàu”
Với đa số phiếu thuận, sáng 14/11 Quốc hội đã thông qua nghị quyết về phân bổ ngân sách Trung ương năm 2017
Với đa số phiếu thuận, sáng 14/11, Quốc hội đã thông qua nghị quyết về phân bổ ngân sách Trung ương năm 2017.
Báo cáo giải trình trước khi đại biểu bấm nút, Chủ nhiệm Uỷ ban Tài chính - Ngân sách Nguyễn Đức Hải cho biết nhiều ý kiến đề nghị cân nhắc việc giảm tỷ lệ điều tiết để lại cho ngân sách địa phương như: Tp.HCM (giảm 5%); Đà Nẵng (giảm 17%)…
Theo đại biểu, việc giảm tỷ lệ điều tiết để lại cho các địa phương sẽ không có động lực để địa phương phát triển, đề nghị giữ mức hợp lý ở một số địa phương vùng động lực kinh tế.
Ủy ban Thường vụ Quốc hội giải thích, trong bối cảnh khó khăn chung của ngân sách nhà nước, trong những năm gần đây vai trò của ngân sách Trung ương giảm sút, không giữ được vai trò chủ đạo theo tinh thần của Hiến pháp năm 2013.
Đồng thời, theo quy định của Luật Ngân sách Nhà nước năm 2015 thì sau mỗi thời kỳ ổn định ngân sách, các địa phương phải tăng khả năng tự cân đối…, tăng tỷ lệ phần trăm điều tiết số thu nộp về ngân sách cấp trên.
Do vậy, việc Chính phủ trình tăng tỷ lệ điều tiết thu nộp của một số tỉnh trọng điểm thu về ngân sách Trung ương là phù hợp với quy định của luật và Hiến pháp nhằm đảm bảo vai trò chủ đạo của ngân sách Trung ương, tăng nguồn lực để chia sẻ với các địa phương còn nhiều khó khăn.
Báo cáo giải trình cũng nêu rõ, các định mức phân bổ đã có hệ số và mức ưu tiên cho các địa phương điều tiết về ngân sách Trung ương. Đã ưu tiên phân bổ thêm số chi tính theo dân số từ 30% đến 70%.
Riêng Hà Nội và Tp.HCM là đô thị đặc biệt còn được tăng cao hơn để xử lý các vấn đề về môi trường, thị chính, đảm bảo an ninh trật tự cho dân số tại chỗ và dân số vãng lai..., Chủ nhiệm Nguyễn Đức Hải nhấn mạnh.
Theo Uỷ ban Thường vụ Quốc hội, hàng năm ngân sách Trung ương còn hỗ trợ các địa phương này thông qua các dự án vốn ODA, vốn trái phiếu Chính phủ và bổ sung có mục tiêu. Mức hỗ trợ này căn cứ vào từng công trình, dự án trên địa bàn.
Riêng Tp.HCM, nếu tính cả khoản bổ sung có mục tiêu từ ngân sách Trung ương cho ngân sách thành phố năm 2017 là 7.316 tỷ đồng (gồm: vốn ngoài nước: 4.034 tỷ đồng, vốn trong nước 3.282 tỷ đồng) để thực hiện các dự án công trình quan trọng, thì tỷ lệ điều tiết của Tp.HCM khoảng 22%.
Đồng thời, nếu tính cả 10.000 tỷ đồng trong kế hoạch đầu tư công trung hạn cho dự án chống ngập và 8.800 tỷ đồng cho 2 bệnh viện tuyến cuối thì tổng mức hỗ trợ từ ngân sách Trung uơng khoảng 18.800 tỷ đồng cho Tp.HCM.
Trong bối cảnh ngân sách còn khó khăn, phải bảo đảm cân đối giữa phát triển kinh tế và giải quyết các vấn đề xã hội, hỗ trợ các địa phương còn khó khăn, thì cần có sự chia sẻ đồng thuận của các địa phương có tiềm lực kinh tế lớn, Ủy ban Thường vụ Quốc hội khẳng định quan điểm.
Nghị quyết nêu rõ, tỷ lệ phần trăm phân chia các khoản thu giữa ngân sách trung ương và ngân sách từng tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương năm 2017 được giữ ổn định trong suốt thời kỳ ổn định ngân sách 2017-2020. Trường hợp đặc biệt phát sinh nguồn thu từ dự án mới đi vào hoạt động trong thời kỳ ổn định ngân sách tác động tăng thu ngân sách địa phương lớn, Chính phủ trình Quốc hội xem xét, quyết định.
Sau khi nghe giải trình, Quốc hội quyết định thông qua tổng số thu cân đối ngân sách trung ương là 729.730 tỷ đồng. Tổng số thu cân đối ngân sách địa phương là 482.450 tỷ đồng.
Tổng số chi cân đối ngân sách trung ương là 902.030 tỷ đồng, trong đó dự toán 254.630 tỷ đồng để bổ sung cân đối ngân sách, bổ sung có mục tiêu cho ngân sách địa phương.
Quốc hội giao Chính phủ giao nhiệm vụ thu, chi ngân sách nhà nước và mức phân bổ ngân sách trung ương cho từng bộ, ngành, cơ quan khác ở Trung ương và từng tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương theo đúng quy định của Luật ngân sách nhà nước, nghị quyết của Quốc hội và thông báo bằng văn bản đến từng đoàn đại biểu Quốc hội.
Yêu cầu tiếp theo với Chính phủ là chỉ đạo và hướng dẫn các bộ, ngành, cơ quan khác ở Trung ương và địa phương phân bổ vốn đầu tư phát triển ưu tiên tập trung đẩy nhanh tiến độ, hoàn thành các chương trình, dự án quan trọng quốc gia, các công trình cấp thiết đang đầu tư dở dang; hỗ trợ nhà ở cho hộ gia đình người có công với cách mạng; ưu tiên vốn đối ứng cho các dự án ODA, dự án hợp tác công tư , xử lý nợ đọng xây dựng cơ bản.
Quốc hội cũng yêu cầu Chính phủ trong quá trình điều hành, bổ sung vốn đầu tư và các nguồn tài chính khác để hỗ trợ các địa phương trọng điểm thu có tỷ lệ điều tiết giảm trong giai đoạn 2017-2020, tạo điều kiện cho các địa phương này phát huy vai trò động lực kinh tế cho cả nước.