08:09 27/08/2009

Pháp siết thưởng ngành ngân hàng

Mai Phương

Tổng thống Pháp Nicolas Sarkozy công bố kiểm soát tình trạng bổng lộc quá nhiều trong ngành ngân hàng của nước này

Tổng thống Pháp Nicolas Sarkozy và Bộ trưởng Bộ Tài chính nước này Christine Lagarde, công bố các biện pháp siết thưởng hôm 25/8 - Ảnh: NYTimes.
Tổng thống Pháp Nicolas Sarkozy và Bộ trưởng Bộ Tài chính nước này Christine Lagarde, công bố các biện pháp siết thưởng hôm 25/8 - Ảnh: NYTimes.
Tổng thống Pháp Nicolas Sarkozy ngày 25/8 công bố các bước đi cụ thể nhằm kiểm soát tình trạng bổng lộc quá nhiều trong ngành ngân hàng của nước này. Giới lãnh đạo ngân hàng Pháp cũng đã nhất trí đối với quyết định của Tổng thống.

Ông Sarkozy đồng thời cam kết sẽ thúc đẩy việc đưa ra các quy tắc giám sát quốc tế chặt chẽ hơn đối với ngành tài chính trong cuộc họp thượng đỉnh G-20 diễn ra tại Pittsburgh, Mỹ, vào tháng 9 tới.

Sau một cuộc họp với các quan chức Chính phủ, đại diện các nhà băng hàng đầu của Pháp đã nhất trí lãnh đạo và nhân viên của họ sẽ trả lại một phần tiền thưởng nếu kết quả hoạt động của bộ phận mà họ lãnh đạo hoặc làm việc xấu đi. Cũng theo thỏa thuận trên, một tỷ lệ lên tới 2/3 trong các khoản thưởng sẽ được trả dần, và 1/3 còn lại sẽ được trả bằng cổ phiếu của ngân hàng.

Một ủy ban mới được Tổng thống Sarkozy thành lập và chỉ định ông Michel Camdessus, nguyên Tổng giám đốc Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF), lãnh đạo nhằm nghiên cứu vấn đề tiền thưởng tại các ngân hàng được Chính phủ Pháp cứu trợ. Trong cuộc khủng hoảng này, các ngân hàng Pháp đã nhận 20 tỷ Euro, tương đương 29 tỷ USD, tiền cứu trợ từ Chính phủ.

“Từ giờ trở đi, lãnh đạo và nhân viên ngân hàng sẽ phải đợi 3 năm để lấy được toàn bộ số tiền thưởng một năm của họ. Nếu trong 2 năm cuối của thời gian chờ đợi này mà hoạt động của họ thua lỗ, họ sẽ mất thưởng của năm đầu tiên”, ông Sarkozy tuyên bố.

Động thái này của ông Sarkozy đưa ông vào hàng tiên phong trong cuộc chiến chống hoạt động vung tay trả thưởng của các ngân hàng trước thềm cuộc họp thượng đỉnh G-20. Tại cuộc họp này, ông Sarkozy kỳ vọng các nước sẽ đặt ra một giới hạn toàn cầu cho chuyện thưởng phạt trong ngành ngân hàng.

“Thật dễ dàng để nói rằng, chúng tôi sẽ chẳng làm gì vì người khác cũng thế. Nước Pháp phải đi đầu và cố gắng thuyết phục các nước khác”, ông Sarkozy nói.

Ngoài ra, việc siết thưởng cũng làm gia tăng ảnh hưởng chính trị cho ông Sarkozy. Tỷ lệ thất nghiệp tại Pháp hiện đang tiến sát mức 10%, nên dư luận tỏ ra không hài lòng với việc các ngân hàng vẫn trả thưởng cao bất chấp việc phải tồn tại nhờ tiền thuế của dân trong thời gian khủng hoảng tài chính căng thẳng.

Ngày 24/8 vừa qua, ngân hàng lớn nhất nước Pháp đã quyết định chỉ chi 500 triệu Euro (tương đương 716 triệu USD) để trả thưởng trong năm nay, thay vì số tiền gấp đôi mức này như dự kiến hồi đầu tháng.

Trước khi Pháp tuyên bố các biện pháp kiểm soát vấn đề tiền thưởng, đã có một số nước gồm Mỹ, Anh, và Đức áp dụng chính sách này, mỗi nước một biện pháp cụ thể khác nhau. Tuy nhiên, Pháp và Đức đang lo Mỹ và Anh vận dụng những biện pháp nhẹ tay, dẫn tới nguy cơ chảy máu chất xám tài chính của họ sang hai nước này.

Tại Mỹ, một số ngân hàng mạnh như Goldman Sachs, JPMorgan Chase và Morgan Stanley đã trả lại tiền cứu trợ của Chính phủ và không còn thuộc diện chịu các giới hạn lương thưởng mà các nhà chức trách đặt ra đối với các nhà băng được giải cứu.

(Theo New York Times)