18:26 12/01/2015

Phi công tính “nhảy việc”, Vietnam Airlines áp lương mới

Bảo Quyên

Theo thông báo của Vietnam Airlines, mức lương năm 2013 của đội ngũ phi công bình quân đạt 74,8 triệu đồng

Đến cuối năm 2014, Vietnam Airlines có 734 phi công, trong đó 535 người Việt Nam. Dù làm cùng hãng, song phi công người nước ngoài nhận lương cao gấp đôi đến ba lần so với phi công Việt Nam.<br>
Đến cuối năm 2014, Vietnam Airlines có 734 phi công, trong đó 535 người Việt Nam. Dù làm cùng hãng, song phi công người nước ngoài nhận lương cao gấp đôi đến ba lần so với phi công Việt Nam.<br>
Sau khi gần 100 phi công đột ngột xin “nghỉ ốm”, đại diện lãnh đạo Tổng công ty Hàng không Việt Nam (Vietnam Airlines) cho biết sẽ áp dụng mức lương mới cho phi công từ ngày 10/1/2015.

Sự việc bắt đầu từ dịp Tết Dương lịch vừa qua khi hàng loạt phi công, nhân viên điều hành khai thác bay và bộ phận bảo dưỡng kỹ thuật đồng loạt xin nghỉ ốm. Lý do được cho là do lực lượng này phản đối mức lương họ nhận được tại Vietnam Airlines thấp hơn nhiều so với hãng hàng không tư nhân trong nước.

Đáng chú ý, cùng với việc hàng loạt phi công thuộc đoàn bay 919 (thuộc Vietnam Airlines) báo ốm, số lượng phi công nộp đơn xin chấm dứt hợp đồng lao động với hãng cũng tăng gần gấp đôi so với cùng kỳ năm trước.

Trước thực tế này, Vietnam Airlines đã có văn bản kiến nghị Bộ Giao thông Vận tải không chấp thuận việc lôi kéo chuyển dịch lao động giữa các hãng hàng không Việt Nam từ nay đến năm 2020. Đồng thời, kiến nghị Cục Hàng không không cấp bằng, chứng chỉ với các phi công, kỹ sư máy bay của các hãng hàng không trong nước "tự ý nghỉ việc" để chuyển nơi khác.

Sau khi nhận được kiến nghị trên, Bộ trưởng Đinh La Thăng đã yêu cầu Vietnam Airlines điều chỉnh chế độ tiền lương cho lực lượng lao động kỹ thuật cao trong quý 1/2015, để không làm ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất kinh doanh và uy hiếp hoạt động bay của hãng. Ngoài ra, Vietnam Airlines cần thực hiện những giải pháp cấp bách về tư tưởng, giáo dục để ổn định tình hình; có kế hoạch đào tạo, tuyển dụng sử dụng nguồn nhân lực kỹ thuật cao.

Bộ trưởng Thăng cũng chỉ đạo Cục Hàng không tạm thời chưa xem xét chấp thuận việc chuyển đổi nhà khai thác với lực lượng phi công của Vietnam Airlines.

Trong khi đó, theo thông báo của Vietnam Airlines, mức lương năm 2013 của đội ngũ phi công bình quân đạt 74,8 triệu đồng. Mức thu nhập này đã giảm 4,5 triệu đồng so với năm 2012, và 6,7 triệu đồng so với năm 2011.

Các phi công này đã đưa ra mức so sánh tiền lương cơ bản của Vietnam Airlines với một hãng hàng không khác trong nước. Cụ thể, ở cùng vị trí cơ trưởng A321, phi công người Việt Nam ở hãng hàng không nội địa khác được trả khoảng 160 triệu đồng/tháng (sau thuế).

Tuy nhiên, Tổng giám đốc Vietnam Airlines Phạm Ngọc Minh nói rằng, việc các phi công cho rằng tiền lương của Vietnam Airlines thấp hơn nên xin nghỉ là không đúng.

Lý do được ông nêu ra khi trả lời báo chí, đó là thu nhập của các phi công ở Vietnam Airlines đã “cao hơn lương của giáo sư, tiến sĩ và lao động ở các lĩnh vực khác ở Việt Nam”.

Hơn nữa, theo ông, hãng hàng không Vietnam Airlines thuộc quốc gia, nên không thể đòi hỏi như vậy.

Sau khi có chỉ thị của Bộ trưởng Đinh La Thăng, lãnh đạo đoàn bay 919 cho biết trong tuần này sẽ tổ chức họp, phổ biến chế độ lương mới đối với phi công.

Theo đó, mức lương chuyên doanh của cơ trưởng người Việt Nam lái máy bay A321 có bậc cao nhất là 92 triệu đồng/tháng, cơ trưởng bậc cao nhất lái B777, B787, A330, A350 hưởng mức lương 102 triệu đồng/tháng. Các mức lương này đều là mức trước thuế.

Đối với phi công thuộc về chức danh giáo viên kiểm tra năng định (TRE), mức lương cao nhất được hưởng là 132 triệu đồng/tháng tương ứng với các loại máy bay B777, A330 và cả hai loại máy bay thế hệ mới chuẩn bị đưa vào khai thác là B787 và A350. Đối với máy bay A321 là 122 triệu đồng/tháng, và ATR72/F70 là 109 triệu đồng/tháng.

Đến cuối năm 2014, Vietnam Airlines có 734 phi công, trong đó 535 người Việt Nam. Dù làm cùng hãng, song phi công người nước ngoài nhận lương cao gấp đôi đến ba lần so với phi công Việt Nam.