18:36 17/07/2013

Phó thống đốc kiêm nhiệm ghế Chủ tịch VAMC

Nhật Nam

Ngân hàng Nhà nước chính thức công bố cơ cấu nhân sự cao cấp của công ty xử lý nợ xấu

<span style="FONT-FAMILY: Tahoma; FONT-SIZE: 10pt">Phó thống đốc Đặng Thanh Bình (người đứng) tại một phiên giải trình của Chính phủ về việc ban hành các văn bản hướng dẫn thi hành luật, pháp lệnh, diễn ra ngày 24/12/2012.<br></span>
<span style="FONT-FAMILY: Tahoma; FONT-SIZE: 10pt">Phó thống đốc Đặng Thanh Bình (người đứng) tại một phiên giải trình của Chính phủ về việc ban hành các văn bản hướng dẫn thi hành luật, pháp lệnh, diễn ra ngày 24/12/2012.<br></span>
Ngày 16/7, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Văn Bình đã ban hành Quyết định số 1567/QĐ-NHNN về việc giao kiêm nhiệm Chủ tịch Hội đồng Thành viên Công ty Quản lý tài sản của các tổ chức tín dụng Việt Nam (VAMC) cho ông Đặng Thanh Bình, Phó thống đốc Ngân hàng Nhà nước.

Quyết định này có hiệu lực ngay từ ngày ký.

Cùng ngày, Thống đốc đã ban hành các quyết định về việc điều động, tiếp nhận và bổ nhiệm cán bộ tại VAMC.

Cụ thể, điều động và bổ nhiệm ông Nguyễn Quốc Hùng, Phó tổng giám đốc Ngân hàng Nông nghiệp và Nông thôn Việt Nam (Agribank) giữ chức Phó chủ tịch thường trực VAMC.

Điều động và bổ nhiệm ông Nguyễn Hữu Thủy, Phó vụ trưởng Vụ Thanh tra các tổ chức tín dụng nước ngoài thuộc Cơ quan Thanh tra, giám sát ngân hàng - Ngân hàng Nhà nước, giữ chức thành viên Hội đồng Thành viên kiêm Tổng giám đốc VAMC.

Tiếp nhận và bổ nhiệm ông Lê Quang Châu, Giám đốc Ban Quản lý tín dụng thuộc Ngân hàng Thương mại Cổ phần Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV); ông Đoàn Văn Thắng, Phó tổng giám đốc Ngân hàng Thương mại Cổ phần Bưu điện Liên Việt (LienVietPostBank); ông Bùi Tín Nghị, Phó tổng giám đốc Ngân hàng Thương mại Cổ phần Sài Gòn - Hà Nội (SHB), giữ chức Phó tổng giám đốc VAMC.

Điều động và bổ nhiệm bà Lê Thị Mai Hương, Trưởng phòng Xây dựng chương trình và thẩm định báo cáo kiểm toán thuộc Vụ Kiểm toán nội bộ - Ngân hàng Nhà nước, giữ chức Trưởng ban Kiểm soát VAMC.

Theo quy định tại Nghị định 53, khi vận hành, các tổ chức tín dụng có tỷ lệ nợ xấu trên 3% sẽ được yêu cầu bán nợ xấu cho VAMC. Trong dư thảo thông tư liên quan, công ty này sẽ được hưởng 2% trên số tiền thu hồi nợ.

Bản giải trình dự thảo nêu rõ rằng: dự kiến VAMC sẽ xử lý được khoảng 80 - 100 nghìn tỷ đồng nợ xấu với tỷ lệ thu hồi dự kiến là 20% - 40%. Theo đó, với quy định tỷ lệ công ty được hưởng là 2% tương ứng với mức thu là 320 - 800 tỷ đồng. Với thời gian xử lý dự kiến là 5 năm thì mức thu hàng năm của VAMC là khoảng 60 - 160 tỷ đồng, dự kiến sẽ đủ bù đắp các chi phí liên quan hàng năm.