Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà: Tài nguyên số còn hơn cả “mỏ vàng”
Chuyển đổi số không thể một người, một tổ chức hay chỉ Chính phủ làm được, mà chuyển đổi số là tất cả mọi người, mọi thành phần đều phải tham gia, để từ đó mới có tài nguyên số. Tài nguyên số còn hơn cả một “mỏ vàng”, là một nguồn tài nguyên mới, tài nguyên xanh, giúp thúc đẩy kinh tế phát triển đột phá…
Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà nhấn mạnh tại Diễn đàn cấp cao Chuyển đổi số Việt Nam - châu Á 2023 với chủ đề: “Khai thác dữ liệu số và kết nối thông minh để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế”, do Hiệp hội Phần mềm và Dịch vụ công nghệ thông tin Việt Nam (VINASA) tổ chức ngày 24/5 tại Hà Nội.
DỮ LIỆU LÀ ĐẤT ĐAI TRÊN KHÔNG GIAN SỐ
Theo Báo cáo Chính phủ điện tử của Liên hợp quốc năm 2022, Việt Nam xếp vị trí thứ 86/193 quốc gia. Chỉ số Dịch vụ trực tuyến của Việt Nam xếp thứ 76/193 quốc gia. Việt Nam được xếp vào nhóm các nước có Chỉ số phát triển Chính phủ điện tử EGDI ở mức cao hơn trung bình của thế giới và khu vực châu Á, Đông Nam Á.
Kinh tế số của Việt Nam được Google đánh giá là nền kinh tế số có tốc độ phát triển nhanh nhất trong khu vực Đông Nam Á. Theo thống kê của Bộ Thông tin và Truyền thông đóng góp của kinh tế số chiếm khoảng 14,26% GDP.
Năm 2023 được khẳng định là "Năm Dữ liệu số quốc gia", là năm phát triển, kết nối, khai thác dữ liệu để tạo ra giá trị mới. Thủ tướng Chính phủ - Chủ tịch Ủy ban Quốc gia về Chuyển đổi số - đã ban hành kế hoạch hành động trọng tâm cho Năm Dữ liệu số. Bộ Thông tin và Truyền thông cũng đã phê duyệt kế hoạch triển khai “Năm dữ liệu số quốc gia”, với các hoạt động nhằm thúc đẩy quản trị dữ liệu trên môi trường số.
Phát biểu tại diễn đàn, Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà cho biết, từ đầu năm 2023 đến nay, chuyển đổi số và triển khai Đề án 06 tiếp tục ghi nhận những kết quả tích cực. Cụ thể, dịch vụ công trực tuyến tiếp tục được đẩy mạnh triển khai gắn với kết nối Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư (đã có trên 44,8 triệu hồ sơ xử lý trên Cổng dịch vụ công quốc gia). Các hệ thống cơ sở dữ liệu quốc gia, chuyên ngành tiếp tục được bổ sung, hoàn thiện, tăng tính kết nối liên thông, chia sẻ, đem lại lợi ích cho người dân, doanh nghiệp (cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư đã kết nối, chia sẻ dữ liệu với 13 bộ, ngành, 63/63 địa phương và 4 doanh nghiệp Nhà nước).
Các nền tảng ứng dụng về công dân số, kinh tế số, xã hội số, Chính phủ số tiếp tục được triển khai mạnh mẽ, có hiệu quả…
Ông Nguyễn Phú Tiến, Phó Cục trưởng phụ trách Cục Chuyển đổi số Quốc gia (Bộ Thông tin và Truyền thông), cho rằng việc phát triển Chính phủ số với toàn bộ hoạt động an toàn trên môi trường số, có mô hình hoạt động được thiết kế lại và vận hành dựa trên dữ liệu và công nghệ số. “Dữ liệu là tài nguyên mới, có thể coi là đất đai trên không gian số. Cơ quan nhà nước xây dựng và mở tài nguyên này nhằm phát triển Chính phủ số, kinh tế số, xã hội số”, ông Tiến nói và lưu ý cơ quan quản lý cần thiết kế mô hình tổ chức, cách thức vận hành dựa trên dữ liệu và công nghệ số.
Theo ông Nguyễn Văn Khoa, Chủ tịch VINASA, Việt Nam cần một chiến lược tổng thể dữ liệu số quốc gia. Chiến lược là phương pháp luận và kế hoạch tạo, kết nối và dùng dữ liệu để đạt mục tiêu thúc đẩy kinh tế xã hội với những sự chuẩn bị nhân lực, kiến trúc dữ liệu và mô hình quản trị dữ liệu. Đây sẽ là kim chỉ nam cho tạo lập và khai thác dữ liệu số mang lại những giá trị lớn cho kinh tế tại Việt Nam.
Nhiều chuyên gia cũng cho rằng, muốn tạo lập được dữ liệu số thì phải có hạ tầng số, nền tảng số và hệ thống các dịch vụ số được kết nối, chia sẻ và liên thông với nhau. Qua đó, hình thành cơ sở dữ liệu quốc gia, bước đầu tạo nên bức tranh tổng thể về các địa phương, các vùng, các Bộ, ban, ngành. Đồng thời cùng với việc tạo lập dữ liệu, muốn khai thác dữ liệu số hiệu quả, tạo ra những giá trị mới, tạo đột phá trong phát triển kinh tế số - xã hội số, phải có những mô hình, kế hoạch hợp tác cụ thể để chia sẻ và cùng khai thác dữ liệu số, và điều này cần đến sự tăng cường hợp tác giữa các bên.
5 ĐỊNH HƯỚNG ƯU TIÊN VÀ MỤC TIÊU, GIẢI PHÁP
Để thúc đẩy mạnh mẽ, hiệu quả hơn nữa quá trình chuyển đổi số, phát triển kinh tế số, Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà cho biết một số định hướng ưu tiên, mục tiêu và nhiệm vụ giải pháp trọng tâm mà Chính phủ sẽ tập trung triển khai trong thời gian tới. Thứ nhất, Chính phủ tạo lập môi trường pháp lý đồng bộ, đi trước một bước để thúc đẩy doanh nghiệp và người dân đóng vai trò trung tâm, chủ thể trong chuyển đổi số, phát triển kinh tế số, xã hội.
Theo đó, trước mắt, sẽ sớm trình Quốc hội xem xét thông qua Luật Giao dịch điện tử (sửa đổi), đồng thời ban hành đồng bộ các văn bản quy định chi tiết thi hành; sửa đổi, bổ sung Nghị định số 73/2019/N Đ-CP về quản lý đầu tư ứng dụng công nghệ thông tin sử dụng nguồn vốn ngân sách nhà nước; sửa đổi các quy định về đấu thầu để lựa chọn dịch vụ, sản phẩm công nghệ thông tin có tính chất đặc thù (tài nguyên tri thức, sáng tạo, mới,…). Ban hành các chính sách, quy định cụ thể về thuế, phí để khuyến khích người dân, doanh nghiệp sử dụng, cung cấp các dịch vụ số.
Thứ hai, chuyển đổi số là khai thác, biến đổi dữ liệu, tạo ra các giá trị mới. Vì vậy, cơ sở dữ liệu là trái tim của chuyển đổi số, là “tài nguyên mới”, nguồn lực của quốc gia. Trong giai đoạn 2023-2025, Chính phủ tập trung chỉ đạo đẩy nhanh tiến độ xây dựng các cơ sở dữ liệu quốc gia, cơ sở dữ liệu chuyên ngành cùng các nền tảng tích hợp, chia sẻ, kết nối phục vụ yêu cầu quản lý nhà nước đối với các ngành, lĩnh vực và hỗ trợ doanh nghiệp phát triển. Ưu tiên triển khai trước các cơ sở dữ liệu về dân cư, đất đai, thông tin địa lý, y tế… Phát triển dữ liệu mở để người dùng khai thác, phát triển, làm giàu.
Thứ ba, chuyển đổi số chỉ có thể thành công nếu huy động được sự tham gia của toàn dân, cần thúc đẩy phát triển xã hội số, hệ sinh thái công dân số dựa trên hệ thống định danh, xác thực điện tử, dữ liệu cá nhân, quyền riêng tư và các chuẩn mực văn hóa trong môi trường số; phát triển hệ thống thanh toán điện tử phục vụ mọi giao dịch dân sự đơn giản, tiện lợi trên môi trường số.
Thứ tư, quy hoạch và phát triển hạ tầng số, sẵn sàng đáp ứng nhu cầu bùng nổ về kết nối và xử lý dữ liệu và bảo đảm an toàn, an ninh mạng được tích hợp sẵn ngay từ khi thiết kế, xây dựng. Mở rộng kết nối Internet khu vực và quốc tế, đặc biệt là phát triển các tuyến cáp quang biển, đưa Việt Nam trở thành một trong những trung tâm kết nối khu vực; phát triển hạ tầng kết nối mạng Internet vạn vật (IoT).
Thứ năm, theo Phó Thủ tướng, công nghệ đang thay đổi và phát triển với những bước tiến nhảy vọt, tuy nhiên sự thay đổi thực sự không chỉ nằm ở phần công nghệ, mà còn đến từ sự thay đổi của con người. Vì vậy, phát triên nhân lực số là yếu tố quyết định thành bại. Cần đào tạo nâng cao kỹ năng số cho lực lượng cán bộ trong cơ quan quản lý nhà nước, nhất là đào tạo ra sự thay đổi của người đứng đầu. Đồng thời triển khai thực hiện các chương trình phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao, gắn kết chặt chẽ giữa các viện nghiên cứu, trường đại học với các doanh nghiệp, xây dựng các vườn ươm starup để mang lại giá trị cho xã hội.