07:41 06/05/2025

Ngành công nghệ thông tin Việt Nam đang thiếu hụt 200.000 nhân lực so với nhu cầu

Bạch Dương

Theo Báo cáo Thị trường công nghệ thông tin Việt Nam, đến năm 2025, ngành công nghệ thông tin sẽ cần khoảng 700.000 nhân lực mới. Tuy nhiên, nguồn cung hiện tại từ các cơ sở đào tạo trong nước chỉ đáp ứng khoảng 500.000 người… 

Ngành công nghiệp công nghệ thông tin toàn cầu được dự báo sẽ đạt quy mô 2.000 tỷ USD vào năm 2028, với gần 100 triệu lao động tham gia - Ảnh minh hoạ.
Ngành công nghiệp công nghệ thông tin toàn cầu được dự báo sẽ đạt quy mô 2.000 tỷ USD vào năm 2028, với gần 100 triệu lao động tham gia - Ảnh minh hoạ.

Điều này có nghĩa Việt Nam đang thiếu khoảng 200.000 lao động có trình độ và tay nghề. Một con số không nhỏ nếu đặt trong tham vọng phát triển kinh tế số quốc gia.

Theo thống kê của Bộ Khoa học và Công nghệ, Việt Nam hiện có 74.000 doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực công nghệ thông tin với hơn 1,2 triệu lao động. Dự báo đến năm 2030, con số này sẽ tăng lên 3 triệu, trong bối cảnh nền kinh tế số Việt Nam có thể đạt giá trị 74 tỷ USD. Tuy nhiên, nguồn nhân lực vẫn là bài toán nan giải, dù ngành công nghệ thông tin được coi là một ngành được trả lương tương đối cao.

Việt Nam, những năm qua, luôn được xem là điểm đến hấp dẫn đối với các doanh nghiệp nước ngoài nhờ nguồn lao động dồi dào và chi phí nhân công thấp. Tuy nhiên, bước vào kỷ nguyên số, lợi thế này không còn đủ. Nhất là ngành công nghệ thông tin đang đòi hỏi nguồn nhân lực chất lượng cao hiểu biết chuyên môn và khả năng thích ứng với công nghệ mới.

Trong khi đó, mỗi năm, các trường đại học và cao đẳng dù đang đào tạo khoảng 50.000 sinh viên công nghệ thông tin, nhưng chỉ khoảng 30% có thể làm việc ngay. Phần lớn còn lại cần tiếp tục đào tạo để đáp ứng yêu cầu thực tiễn. Khoảng cách giữa chương trình đào tạo và nhu cầu doanh nghiệp đang tạo ra một “lỗ hổng” lớn trong chất lượng nhân lực.

Theo Phó Giáo sư, Tiến sĩ Phạm Mạnh Hà, Giám đốc Trung tâm Hợp tác Đào tạo và Phát triển, Đại học Sư phạm, Đại học Quốc gia Việt Nam, giữa kiến thức học được trong nhà trường và yêu cầu công việc thực tế có một khoảng cách rất lớn. Các chương trình đào tạo hiện nay chưa theo kịp với tốc độ phát triển công nghệ và đòi hỏi của doanh nghiệp.

Nguyễn Tiến Anh, cựu sinh viên công nghệ thông tin của Đại học Khoa học và Công nghệ Hà Nội là một ví dụ điển hình. Dù tốt nghiệp loại khá, Tiến Anh cho biết bản thân gặp khó khăn khi xin việc vì thiếu kinh nghiệm thực tế. 

“Các công ty yêu cầu ít nhất 1-2 năm kinh nghiệm. Trong khi đó, chương trình học chủ yếu là lý thuyết, kỹ năng thực hành còn yếu”, Tiến Anh cho biết. 

PGS.TS Phạm Mạnh Hà cho biết mọi người đều nghĩ rằng làm việc trong ngành công nghệ thông tin sẽ có mức lương và phúc lợi tốt vì ngành này có nhu cầu tuyển dụng cao. Tuy nhiên, trên thực tế, khi xin việc, các công ty thường yêu cầu 1-2 năm kinh nghiệm làm việc.

Ngoài ra, công nghệ thông tin là ngành đòi hỏi phải cập nhật kiến thức liên tục để theo kịp sự phát triển của công nghệ mới. Trong khi đó, thực tế, chương trình đào tạo tại Việt Nam còn nặng lý thuyết, thiếu cơ hội thực hành. Dễ hiểu vì sao sinh viên sau khi ra trường rất khó để đáp ứng các yêu cầu của công việc.

Bên cạnh đó, PGS.TS Phạm Mạnh Hà cũng cho rằng việc tư vấn và định hướng nghề nghiệp trong lĩnh vực công nghệ thông tin cần được triển khai từ sớm, nhằm giúp sinh viên có sự chuẩn bị toàn diện trước khi bước vào thị trường lao động ngày càng cạnh tranh. Thực tiễn này đặt ra yêu cầu phải rà soát lại chương trình đào tạo, bảo đảm nội dung học tập gắn liền với nhu cầu thực tế của doanh nghiệp.

Do đó, để hỗ trợ sinh viên thu hẹp khoảng cách giữa kiến thức hàn lâm và yêu cầu công việc, nhiều doanh nghiệp công nghệ đã chủ động áp dụng các mô hình tiếp cận mới. Nhiều công ty công nghệ đang chủ động đẩy mạnh tổ chức các buổi tư vấn nghề nghiệp, chương trình thực tập và trải nghiệm thực tế tại các trường đại học, giúp sinh viên làm quen với môi trường làm việc, rèn luyện kỹ năng và hiểu rõ vai trò của một kỹ sư phần mềm trong các dự án cụ thể.

Đối với sinh viên, đây là cơ hội để trau dồi năng lực. Về phía doanh nghiệp, đây cũng chính là cách để tìm kiếm và phát triển nguồn nhân lực phù hợp, đáp ứng hiệu quả yêu cầu ngày càng cao của thị trường công nghệ.

Ngành công nghiệp công nghệ thông tin toàn cầu được dự báo sẽ đạt quy mô 2.000 tỷ USD vào năm 2028, với gần 100 triệu lao động tham gia. Sự phát triển nhanh chóng của công nghệ và sự hội nhập sâu rộng của khoa học kỹ thuật đang tạo ra những thay đổi mạnh mẽ trong chuyển đổi số. Trong bối cảnh đó, nguồn nhân lực vừa là yếu tố thuận lợi, nhưng cũng có thể trở thành thách thức lớn đối với sự phát triển công nghệ của Việt Nam. 

Để nhân lực trẻ có thể đáp ứng yêu cầu ngày càng cao từ các doanh nghiệp trong và ngoài nước, các chuyên gia khẳng định rằng hệ thống đào tạo tại Việt Nam cần phải được đổi mới toàn diện, không chỉ về nội dung chuyên môn mà còn về các phương thức đào tạo thực hành công nghệ hiện đại, nhằm đảm bảo sinh viên có thể bắt kịp với xu thế và yêu cầu thực tế của ngành.