22:49 05/06/2017

Phó thủ tướng: Tuyên truyền về thực phẩm phải dựa trên bằng chứng

Nguyên Vũ

Theo Phó thủ tướng, điều quan trọng là dần hình thành một thói quen là khi nói đều dựa trên bằng chứng, không mang tính suy luận

Phó thủ tướng Vũ Đức Đam phát biểu cuối ngày thảo luận về kết quả giám sát việc thực hiện chính sách, pháp luật về an toàn thực phẩm giai đoạn 2011 - 2016 của Quốc hội.
Phó thủ tướng Vũ Đức Đam phát biểu cuối ngày thảo luận về kết quả giám sát việc thực hiện chính sách, pháp luật về an toàn thực phẩm giai đoạn 2011 - 2016 của Quốc hội.
Trong điều kiện cả xã hội quan tâm đến an toàn thực phẩm như Việt Nam, nếu không tăng cường các khả năng để người dân và các cơ quan nói dựa trên bằng chứng thì rất dễ ảnh hưởng tiêu cực tới phát triển du lịch và tới xuất khẩu. 

Phó thủ tướng Vũ Đức Đam đã nhấn mạnh điều này khi phát biểu sau hai phiên thảo luận về kết quả giám sát việc thực hiện chính sách, pháp luật về an toàn thực phẩm giai đoạn 2011 - 2016 của Quốc hội, ngày 5/6.

Cơ bản rất giống nhau

Trước khi Phó thủ tướng phát biểu, trong cả ngày thảo luận các đại biểu đều hết sức sốt ruột trước thực trạng an toàn thực phẩm đã đến mức báo động, nhiều nơi đã đến giới hạn đỏ, như nhận xét được nêu tại báo cáo giám sát.

Theo Phó thủ tướng thì trước khi Quốc hội quyết định có đoàn giám sát, cũng ý thức được vấn đề nghiêm trọng của việc phải đảm bảo an toàn thực phẩm Chính phủ, Thủ tướng đã làm việc với các tổ chức quốc tế từ đầu năm 2016 và đề nghị các tổ chức quốc tế như Ngân hàng Thế giới, Tổ chức Lương thực thế giới và một số Chính phủ cùng làm một nghiên cứu độc lập về vệ sinh an toàn thực phẩm ở Việt Nam. 

Rất trùng hợp là khi đoàn giám sát đang thực hiện và hoàn thành báo cáo thì Ngân hàng Thế giới và các tổ chức quốc tế cũng hoàn thiện báo cáo của mình. 

"Điều đáng mừng là cách thể hiện khác nhau nhưng nội dung đánh giá từ thực trạng, từ nguy cơ, nguyên nhân tồn tại, yếu kém và đề xuất các giải pháp cơ bản rất giống nhau" - Phó thủ tướng cho biết.

Ông Vũ Đức Đam cũng nhấn mạnh điều đáng mừng là báo cáo của Ngân hàng Thế giới và các tổ chức quốc tế đánh giá rằng hệ thống pháp luật về an toàn thực phẩm của Việt Nam đi đầu trong khu vực về độ hiện đại và tiếp cận đúng xu thế của thế giới, chỉ có vấn đề là năng lực thực hiện chưa theo kịp. 

Liên quan đến vấn đề được bàn thảo sôi nổi là bộ máy, Phó thủ tướng cho rằng rất khó có thể tổ chức được một cơ quan thuộc Chính phủ hay một bộ. Bởi Bộ Nông nghiệp lo về nuôi trồng thì làm sao quản được về thực phẩm chức năng của Bộ Y tế. Vì vậy cho nên ở các nước đều phải có một cơ chế, cơ bản phải giao nhiệm vụ cho từng việc chính một, cho từng bộ, ngành và có một có chế điều phối chung.

Nhưng, Phó thủ tướng cũng nêu thực trạng là cơ chế điều phối chung dưới dạng Ban chỉ đạo ở cấp Chính phủ, ở cấp tỉnh, thậm chí cấp huyện thì nhiều nơi, nhiều lúc chưa thực hiệu quả. Mà điều này không chỉ riêng đối với vấn đề an toàn thực phẩm bởi vì theo cơ chế hiện tại thì các bộ, ngành khi cử người tham gia vào các ban ngành, cán bộ đó phụ trách rất nhiều việc và phần lớn tất cả các ban chỉ đạo, các ủy ban quốc gia thì việc hoạt động chủ yếu nằm ở một số cơ quan thường trực. 

Với Ban chỉ đạo vệ sinh an toàn thực phẩm ở cấp trung ương Phó thủ tướng "xin báo cáo rất thật sinh hoạt định kỳ 1 năm 2 lần, còn chủ yếu công việc là làm việc ở bộ phận thường trực và khi có việc gì liên quan đến bộ nào thì thường phải trực tiếp. 

Về "người tiêu dùng thông thái - vấn đề được tranh luận rất sôi nổi - theo Phó thủ tướng thì cần phải làm mạnh việc thiết lập được một hệ thống đo, kiểm dựa trên các quy chuẩn, tiêu chuẩn để làm sao phân biệt được thực phẩm nào là an toàn, thực phẩm nào không an toàn. 

Đồng thời phải tăng cường đầu tư để có các trang thiết bị kiểm định, kiểm chuẩn dù rằng chưa mang tính chính xác hoàn toàn về định lượng, nhưng mới định tính ở các chợ đầu mối, thậm chí ở các chợ, các siêu thị để người dân khi nhìn thực phẩm bằng mắt thường không phân biệt được người ta có điều kiện để xác minh là thực phẩm đó có an toàn hay không. 

Đặt vấn đề đẩy mạnh tuyên truyền và vận động, Phó thủ tướng lưu ý điều quan trọng là kết hợp chặt chẽ với hệ thống máy kiểm tra để dần hình thành một thói quen là khi nói đều dựa trên bằng chứng, không mang tính suy luận. Vì nếu không tăng cường các khả năng để người dân và các cơ quan nói dựa trên bằng chứng thì rất dễ ảnh hưởng tiêu cực tới phát triển du lịch và tới xuất khẩu. 

Không nên quá hoang mang

Trước khi Quốc hội giải lao phiên thảo luận chiều, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến đã làm rõ thêm một số vấn đề được đại biểu quan tâm.

Hiện nay mà nói quốc tế đánh giá hành lang các văn bản quy phạm pháp luật về an toàn thực phẩm của Việt Nam khá đầy đủ và đồng bộ, vấn đề cơ bản là thực thi và kiểm tra, xử phạt - Bộ trưởng nói.

Còn tại sao văn bản quy phạm pháp luật khá đồng bộ mà các vụ ngộ độc và vi phạm xảy ra ngày càng nhiều, theo Bộ trưởng thì đương nhiên là do sản xuất, do hội nhập, do ý thức người dân... và do thanh tra, kiểm tra nhiều hơn nên mới phát hiện nhiều hơn. 

"Chúng ta nói rất nhiều quản lý nhà nước đúng, trách nhiệm quản lý nhà nước các cấp nhưng mảng nữa là doanh nghiệp và nhà sản xuất coi thường sức khỏe của người dân, chưa tôn trọng sức khỏe của người dân và thực hiện chưa nghiêm các văn bản quy phạm pháp luật về an toàn thực phẩm. Cho nên chúng ta mới thấy có hai luống rau, hai chuồng lợn, hai chuồng gà và tại sao có bơm các chất vào tôm, tại sao rượu methanol độc như thế nhưng pha vào để một loạt người chết" - Bộ trưởng phân tích.

Vấn đề tiếp theo được Bộ trưởng nhấn mạnh là truyền thông.

"Một dân tộc khỏe là mỗi người dân phải khỏe, mỗi người dân yếu ớt là một dân tộc yếu ớt, đó là trách nhiệm của toàn xã hội. Nhưng chúng ta cũng không nên quá hoang mang" - Bộ trưởng nói.

Khẳng định rất cầu thị để tiếp thu, Bộ trưởng nhìn nhận: xã hội luôn mâu thuẫn và phát triển, chắc chắn các văn bản lạc hậu thì lại phải ban hàn cập nhật cho tốt hơn.