15:32 28/05/2025

Gấp rút sửa 3 vấn đề lớn trong Luật Quy hoạch để phù hợp với mô hình bộ máy mới

Đỗ Phong

Theo Bộ trưởng Bộ Tài chính, nếu không sửa Luật quy hoạch thì từ 1/7 các địa phương hoạt động theo mô hình mới, việc triển khai các dự án sẽ vướng. Do đó cần phải gấp rút sửa luật và sẽ tập trung vào ba vấn đề lớn...

Ảnh minh họa
Ảnh minh họa

Thảo luận về dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Quy hoạch ngày 28/5, các đại biểu Quốc hội nhấn mạnh: Quy hoạch có vai trò hết sức đặc biệt trong việc điều phối, phân bổ nguồn lực và kiến tạo không gian phát triển. Dự thảo luật lần này bên cạnh việc đáp ứng yêu cầu cho công cuộc sáp nhập, tổ chức bộ máy điều chỉnh và mở rộng địa giới hành chính cũng đáp ứng yêu cầu sửa đổi những bất cập và điểm nghẽn từ thực tiễn trong quá trình thực hiện Luật Quy hoạch trong thời gian qua.

TÌM ĐÚNG NGUYÊN NHÂN VÌ SAO SỬA MÃI MÀ VẪN VƯỚNG

Góp ý dự thảo luật, đại biểu Nguyễn Duy Thanh, đoàn Cà Mau nêu rõ, quy hoạch là ngành tác động toàn diện phát triển quốc gia, vùng kinh tế, các tỉnh thành và việc sáp nhập, tinh giản, gọn bộ máy đòi hỏi yêu cầu quy hoạch phải có yếu tố mới, có tầm chiến lược cao hơn. Quy hoạch đang tồn tại hạn chế về tổ chức đô thị nông thôn, về kết cấu hạ tầng đường giao thông, bến cảng, sân bay.

Theo đại biểu, nội dung quy hoạch quá nhiều, có tới 40 quy hoạch trên một địa phương, thậm chí làm đầy đủ thì khoảng 100 quy hoạch trên mỗi địa phương. Điều này làm đứt gãy vùng kinh tế, tạo ra mỗi tỉnh thành một đơn vị kinh tế, nhưng thiếu chuỗi cung ứng hàng hóa quốc gia, sản xuất không theo chuỗi cung ứng, các ngành không hỗ trợ cho nhau.

Đại biểu Nguyễn Duy Thanh, đoàn Cà Mau, phát biểu thảo luận.
Đại biểu Nguyễn Duy Thanh, đoàn Cà Mau, phát biểu thảo luận.

Đặc biệt hiện nay, các hoạt động kinh tế đụng đâu cũng vướng quy hoạch, không vướng quy hoạch này thì cũng vướng quy hoạch kia. Nếu dùng phương pháp chồng ghép bản đồ lên nhau thì không còn không gian nào để phát triển sáng tạo, phát triển kinh tế.

Bên cạnh đó, quy hoạch chưa phản ánh thời kỳ chuyển đổi và mô hình mới về vấn đề quốc gia, vùng miền, nhất là tỉnh thành. Luật Quy hoạch còn thiếu điều cấm trong quy hoạch tác động xấu tới các di tích lịch sử, khu bảo tồn thiên nhiên quốc gia, quốc tế.

Do đó, đại biểu cho rằng sửa đổi, bổ sung luật cần khắc phục những tồn tại trên đây nhằm đưa chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước trong bộ tứ chiến lược về khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số quốc gia, hội nhập quốc tế và phát triển kinh tế tư nhân vào luật này.

Đại biểu Thanh cũng đề nghị bổ sung quy hoạch trên một địa phương còn tối đa 6 loại quy hoạch gồm: quy hoạch tổng thể quốc gia cho 34 tỉnh thành, quy hoạch gắn với chuỗi cung ứng hàng hóa quốc gia phát triển kinh tế theo chuỗi sản xuất, quy hoạch tỉnh mới. Riêng quy hoạch ngành kỹ thuật chỉ quy hoạch ngành có tính chất cứng, đảm bảo lợi ích quốc gia, lâu dài gồm: quy hoạch về an ninh quốc phòng, quy hoạch ba loại rừng, quy hoạch về giao thông đường bộ, đường sắt, bến cảng và sân bay…

Bên cạnh đó, đại biểu đề xuất bỏ 70 quy hoạch chuyên ngành kỹ thuật khác và chuyển thành các chiến lược phát triển ngành kỹ thuật được Thủ tướng phê duyệt và giao cho 34 địa phương thực hiện hoặc chuyển thành tiêu chuẩn kỹ thuật. Điều này sẽ giải phóng được nguồn lực đang vướng vì quy hoạch để các hoạt động kinh tế có không gian sáng tạo phát triển. Hỗ trợ cho các doanh nghiệp tiếp cận đất đai, nhà xưởng, tạo việc làm và thu nhập cho người dân. Giảm chi phí ngân sách cho các hoạt động quy hoạch hiện nay, đồng thời nâng cao chất lượng quy hoạch.

Tham gia phát biểu, đại biểu Tạ Văn Hạ, đoàn Quảng Nam, băn khoăn: "Tại sao Luật Quy hoạch sửa rất nhiều rồi nhưng vẫn rối?".

Ông Hạ chỉ rõ tinh thần của Luật Quy hoạch là chuyển đổi phương pháp lập quy hoạch, thay đổi căn bản việc lập quy hoạch truyền thống phân ngành cục bộ theo lĩnh vực sang quy hoạch mang tính tích hợp đa ngành, tổng thể có liên thông liên kết với nhau.

Đại biểu Tạ Văn Hạ, đoàn Quảng Nam, băn khoăn: "Tại sao Luật Quy hoạch sửa rất nhiều rồi nhưng vẫn rối?".
Đại biểu Tạ Văn Hạ, đoàn Quảng Nam, băn khoăn: "Tại sao Luật Quy hoạch sửa rất nhiều rồi nhưng vẫn rối?".

Song, hiện nay, đội ngũ trong khâu tổ chức thực hiện quy hoạch vẫn chưa nắm bắt được tinh thần mới, cách làm mới nên có phương pháp tiếp cận, phối hợp liên thông chưa quen. "Đây là vấn đề còn rất hạn chế khi đội ngũ nhân lực chưa nhận diện được mô hình mới, cách làm mới", ông Hạ nói.

Đại biểu Tạ Văn Hạ cho rằng khi triển khai quy hoạch theo tinh thần mới tích hợp đa ngành, liên thông thì rất cần "nhạc trưởng" mới, tuy nhiên hiện vẫn chưa có một nhạc trưởng giàu kinh nghiệm, lão luyện, có tầm nhìn để kết nối, tích hợp các quy hoạch với nhau nên khi làm thì rất vướng. Đại biểu cũng phân vân việc bổ sung quy hoạch có tính chất kỹ thuật và chuyên ngành vào hệ thống quy hoạch.

Bên cạnh đó, dự thảo Luật bổ sung thêm nguyên tắc cơ bản trong hoạt động quy hoạch về việc cho phép quy hoạch cấp quốc gia, quy hoạch vùng, quy hoạch tỉnh có thể lập đồng thời. Tuy nhiên, ông Hạ lo ngại chồng lấn xung đột giữa các quy hoạch khi triển khai song song các quy hoạch với nhau bởi sẽ thiếu thống nhất, xung đột về không gian, mục tiêu, chỉ tiêu…

"Chúng ta phải tìm cho đúng nguyên nhân vì sao sửa mãi mà vẫn vướng. Tôi cho rằng, chúng ta phải cân nhắc vấn đề này, nếu chưa nhận diện được hết, chưa quen với những thay đổi thì cần bình tĩnh xem xét lại và có chỉnh sửa căn bản thì mới giải quyết được bài toán về quy hoạch”, đại biểu Tạ Văn Hạ nhấn mạnh.

PHẢI SỬA ĐỔI LUẬT ĐỂ PHÙ HỢP VỚI MÔ HÌNH HOẠT ĐỘNG BỘ MÁY MỚI

Đồng quan điểm, đại biểu Nguyễn Quang Huân, đoàn Bình Dương, cho rằng Luật Quy hoạch được soạn thảo từ 2017 nhưng đến năm 2020 mới được triển khai thực hiện, và ngay từ khi thực hiện có rất nhiều vấn đề cần xem xét.

Đến năm 2022, Quốc hội ban hành Nghị quyết 61, trong đó nêu ra nhiều vấn đề về quy hoạch và yêu cầu Chính phủ đánh giá toàn diện, sửa đổi một cách tổng thể Luật Quy hoạch.

Theo đại biểu, sau đó đã có có một vài lần sửa, nhưng chủ yếu là sửa các chương, điều còn gây khúc mắc. Song, nếu chỉ sửa một vài chương, điều sẽ không giải quyết được vấn đề căn cơ.

Đại biểu Nguyễn Quang Huân, đoàn Bình Dương, phát biểu ý kiến.
Đại biểu Nguyễn Quang Huân, đoàn Bình Dương, phát biểu ý kiến.

Đại biểu cho rằng cần mạnh dạn xem xét toàn diện Luật Quy hoạch hiện nay đang thực hiện về tính khả thi, nhất là các quy hoạch tỉnh khi sắp tới triển khai sáp nhập các tỉnh với nhau. “Sắp tới chúng ta sáp nhập có nơi 2 tỉnh, 3 tỉnh vào một, mà quy hoạch không thể cộng với nhau được, 2 quy hoạch cộng với nhau thành 1 quy hoạch được”.

Ông lấy ví dụ Tp.HCM, Bà Rịa– Vũng Tàu và Bình Dương là 3 quy hoạch đã được phê duyệt, sắp tới sáp nhập 3 tỉnh thành này lại với nhau thì không thể áp dụng việc cộng dồn 3 quy hoạch thành một quy hoạch mới, sẽ không thể triển khai được.

Phát biểu giải trình, làm rõ những vấn đề đại biểu nêu, Bộ trưởng Bộ Tài chính Nguyễn Văn Thắng cho biết Luật Quy hoạch lần này phải gấp rút sửa và trong kế hoạch của Chính phủ, Luật này sẽ được sửa đồng bộ và tổng thể trong thời gian tới.

Bộ trưởng Nguyễn Văn Thắng nhấn mạnh việc sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Quy hoạch là do yêu cầu về thay đổi chiến lược, liên quan đến chủ trương định hướng lớn và chỉ đạo của Tổng Bí thư Tô Lâm, của Bộ Chính trị, của Đảng, Nhà nước; đặc biệt là Kết luận 121 và Kết luận 127 của Bộ Chính trị về sắp xếp lại đơn vị hành chính cấp tỉnh và xây dựng chính quyền địa phương 2 cấp.

Bộ trưởng Bộ Tài chính Nguyễn Văn Thắng.
Bộ trưởng Bộ Tài chính Nguyễn Văn Thắng.

"Nếu chúng ta không sửa đợt này thì từ 1/7 các địa phương hoạt động theo mô hình mới, tất cả việc triển khai các dự án ở địa phương sẽ vướng không làm được. Do đó, phải gấp rút sửa đổi Luật lần này và chỉ tập trung vào 3 vấn đề lớn”, ông Thắng nêu rõ.

Cụ thể, thứ nhất, đảm bảo điều chỉnh ngay được các quy hoạch ở tất cả các cấp. Theo đó, tất cả các địa phương sẽ thực hiện điều chỉnh quy hoạch ngay sau khi Nghị quyết về sáp nhập đơn vị hành chính cấp tỉnh có hiệu lực. Đồng thời đảm bảo nguyên tắc là các quy hoạch đang được triển khai thì tiếp tục được thực hiện cho đến khi quy hoạch điều chỉnh có hiệu lực.

Thứ hai, trong dự thảo luật lần này sẽ đẩy mạnh phân cấp phân quyền tối đa, tăng cường quyền tự chủ, tính chủ động sáng tạo, tự chịu trách nhiệm của các cấp ngành khi triển khai mô hình địa phương 2 cấp.

“Bởi nếu như quy định hiện hành của Luật Quy hoạch thì việc phân cấp rất khó khăn. Cái gì ở dưới địa phương thay đổi đều phải trình lên Chính phủ, Quốc hội. Do đó, sửa Luật lần này phải đẩy mạnh phân cấp, phân quyền rất rõ ràng”, Bộ trưởng chỉ rõ.

Thứ ba, tiếp tục tháo gỡ các vướng mắc phát sinh trên thực tiễn phải xử lý ngay để triển khai thực hiện các dự án, đáp ứng ngay yêu cầu tăng trưởng 8% trong năm 2025 và mục tiêu tăng trưởng 2 con số vào các năm tiếp theo.

“Đó là lý do chính tại sao gấp rút sửa Luật Quy hoạch lần này. Chính phủ sẽ trình Quốc hội để sửa tổng thể toàn diện luật”, ông Thắng nói.