11:34 11/03/2013

Phút yếu lòng của Warren Buffett

Ngô Ngọc Châu

Một lần nữa câu hỏi lại được đặt ra: vậy tại sao Buffett vẫn cứ đầu tư vào ngành báo?

(*) Tổng tài sản của Berkshire tính đến cuối năm 2012. (**) Số tiền Warren Buffet bỏ ra mua lại các tờ báo trong 15 tháng qua.<br>
(*) Tổng tài sản của Berkshire tính đến cuối năm 2012. (**) Số tiền Warren Buffet bỏ ra mua lại các tờ báo trong 15 tháng qua.<br>
Mảng báo chỉ chiếm một phần cực kỳ nhỏ trong tổng tài sản của Berkshire Hathaway, nhưng đó là mảng mà Warren Buffett rất yêu thích.

Năm 2009, Warren Buffett, ông chủ tập đoàn Berkshire Hathaway, đã công khai cạch mặt các tờ báo nhỏ và gọi các khoản đầu tư vào chúng “chỉ tổ tốn tiền”. Tuy nhiên, năm ngoái tại hội nghị hằng năm của tập đoàn, ông đã khiến nhiều cổ đông ngạc nhiên khi cho biết ông rất thích mua lại các tờ báo nhỏ.

Điều này có vẻ không hợp lý đối với một người luôn cho rằng nguyên tắc đầu tư là không được để mất tiền. Sự mâu thuẫn này là lý do trong năm vừa qua, Buffett đã nhiều lần phải phân bua, giải thích với cổ đông.

Trong thư gửi cho cổ đông ngày 1/3 cùng bản báo cáo kết quả kinh doanh hằng năm của tập đoàn, Buffett lại cố gắng giải thích lần nữa việc đầu tư vào mảng báo chí. Ông đã dành ra tới 3 trang dài trong số 18 trang giấy (không tính các trang Buffett mô tả cuộc họp cổ đông sắp tới của Berkshire), chỉ để nói về mảng báo của Berkshire.

Trong khi đó, mảng báo chỉ là một phần cực kỳ nhỏ trong tổng tài sản của tập đoàn. Giá trị tài sản của Berkshire tính đến cuối năm 2012 lên tới 427,4 tỉ USD, so với giá trị các thương vụ mua lại các tờ báo chỉ vài trăm triệu USD.

Cũng trong lá thư này, đây là lần đầu tiên Buffett công bố danh sách gần như tất cả các tờ nhật báo Berskhire đang sở hữu (tờ Tulsa World Berskhire cho biết sẽ mua hồi cuối tháng 2 không có tên trong danh sách này).

Tính tổng cộng, Berkshire đã mua lại 28 tờ nhật báo trong 15 tháng qua với tổng chi phí 344 triệu USD.

Một điểm đáng chú ý khác là hầu hết các tờ báo Buffett thâu tóm trong hơn 1 năm qua đều có quy mô nhỏ. Như tờ York News-Times, chẳng hạn, là tờ báo địa phương ở York, bang Nebraska, chỉ có 3.253 độc giả đăng ký.

Quả là có quá nhiều thắc mắc. “Tôi không thấy một chút nguyên tắc đầu tư kiểu Buffett nào trong lĩnh vực này… Tôi không thấy được tính khả thi trong dài hạn của việc đầu tư vào báo”, chuyên gia phân tích Meyer Shields của công ty tài chính Mỹ Stifel Nicolaus, nhận xét.

Có lẽ cũng cảm thấy ngại ngần khi đi ngược lại các nguyên tắc đầu tư của mình, nên Buffett đã “thòng” một câu: “Các bạn có thể cảm thấy bối rối khi từ lâu tôi đã cảnh báo các bạn rằng lượng phát hành, doanh thu quảng cáo và lợi nhuận của ngành báo dự kiến sẽ giảm xuống”.

Nếu doanh thu ngành báo đang đi xuống, tại sao Buffett lại đầu tư vào chúng? Ông nói rằng mặc dù sự bùng nổ của Internet đang gây sóng gió cho ngành báo in nhưng các tờ báo ông mua vẫn có lợi thế về tin tức địa phương. Ông nghĩ rằng vì lý do này, “có một lượng dân số đáng kể” sẽ tiếp tục muốn đọc những tờ báo đó. Và như thế cũng đã đủ để đưa chúng trở thành lĩnh vực kinh doanh khả thi.

Vậy bao lâu chúng mới tạo ra lợi nhuận? Và kiếm lợi bằng cách nào với lượng độc giả quá ít ỏi? Buffett cho rằng các tờ báo địa phương mạnh có thể tồn tại qua thời gian bằng chiến lược hợp lý trong việc tính phí đọc báo mạng nhưng ông không chắc lắm về điều này.

Ông nói: “Lợi nhuận của Berkshire từ mảng báo của mình chắc chắn sẽ đi xuống”.

Trong báo cáo tài chính, Berkshire không nói gì nhiều về các con số tài chính liên quan đến mảng báo Buffett đã đầu tư. Berkshire đã đưa nhóm báo vào hạng mục phụ có tên là “các dịch vụ khác”. Trong báo cáo thuyết minh, tập đoàn cho biết các thương vụ thâu tóm trong lĩnh vực báo đã gia tăng được thêm khoảng 350 triệu USD doanh thu và các tờ báo “tính chung là có lời”. Nhưng có lẽ là không có lời lãi gì nhiều vì lợi nhuận của hạng mục “các dịch vụ khác” đã giảm so với cách đây một năm.

Chuyện lời lỗ tương lai như thế nào chưa rõ, nhưng trước mắt, Buffett đang phải chịu thiệt khi đầu tư vào báo.

Nếu tính chung tất cả các thương vụ do Buffett thực hiện, các tờ báo của ông (trừ tờ Tulsa) hiện có lượng phát hành tổng cộng gần 700.000 tờ mỗi ngày, nghĩa là trung bình Buffett đã trả 500 USD trên mỗi độc giả (xét theo chi phí thâu tóm 344 triệu USD). Con số này khá buồn nếu xét đến chuyện hầu hết các tờ báo của Buffett chỉ tính phí khoảng 150 USD cho mỗi độc giả đăng ký hằng năm. Mặc dù còn có doanh thu từ quảng cáo và các khoản thu Buffett có thể có được từ các tờ tuần báo nhưng các nguồn thu này có thể cũng không mấy khả quan.

Tuy nhiên, việc Buffett có trả cao hơn giá trị do các tờ báo mang lại có thể không phải là điều ông quan tâm. Ông từng nói mình không nghĩ rằng mảng báo của Berkshire sẽ đủ lớn để cung cấp lực đẩy tạo sức bật cho doanh thu hay lợi nhuận của tập đoàn. Một lần nữa câu hỏi lại được đặt ra: vậy tại sao Buffett vẫn cứ đầu tư vào ngành báo?

Buffett mua các tờ báo chỉ vì sở thích. Khi ông mua tờ Omaha World-Herald, tờ báo địa phương nơi quê hương ông, cách đây hơn một năm, có lẽ ông đang nhớ lại thời ông còn là cậu bé giao báo cho tờ này. “Có lẽ chỉ vì ông có niềm yêu thích đặc biệt đối với chúng”, chuyên gia phân tích Meyer Shields của Stifel Nicolaus, rút ra kết luận. Buffet từng nói ông và người bạn già Charlie Munger (Phó Chủ tịch Berkshire) “rất thích báo” đó hay sao?

Nếu đã là sở thích thì nói đến hai chữ “kiếm lời” đâu có ý nghĩa. Đối với những ai làm trong ngành báo, đó là một sự khích lệ lớn khi biết Buffett, nhà đầu tư huyền thoại của thế giới, tin rằng ngành báo vẫn còn tương lai. Nhưng với tư cách là một cổ đông, liệu đó có là điều tuyệt vời khi một vị tổng giám đốc (CEO) dành nhiều thời gian vào việc thâu tóm các tờ báo mà bản thân ông cũng thừa nhận là sẽ chẳng mảy may làm nên khác biệt nào cho lợi nhuận của tập đoàn?

Nhà đầu tư có thể sẽ không nói gì miễn là Buffett không làm mất tiền. Hơn nữa, cũng có không ít vị CEO dùng tiền của cổ đông để thực hiện những phi vụ “con cưng” của mình. Trong trường hợp của Buffett, là cổ đông lớn của Berkshire cũng có nghĩa một phần lớn số tiền được rót vào các thương vụ thâu tóm báo là tiền của ông.

Nhưng sắp tới, có thể cổ đông sẽ săm soi kỹ hơn, chất vấn nhiều hơn, khi trong báo cáo kết quả kinh doanh năm 2012 mới được công bố hồi đầu tháng 3 này, Berskhire đã tăng trưởng kém hơn cả S&P 500. Giá trị sổ sách mỗi cổ phiếu của Berskhire tăng chỉ 14,4% trong năm 2012, thấp hơn tổng lợi nhuận 16% của S&P 500. Buffett luôn xem giá trị sổ sách là một thước đo quan trọng để đánh giá tăng trưởng của doanh nghiệp. Và như ông đã nói nếu giá trị sổ sách không vượt qua được S&P thì với tư cách là một cổ đông của Berskhire, thà là nắm giữ chứng chỉ của quỹ chỉ số S&P còn hay hơn.

Trong 48 năm Buffett điều hành Berskhire, đã có tới 39 năm giá trị sổ sách của Berskhire luôn thắng chỉ số S&P. Thế nhưng, trong 4 năm gần đây (ngoại trừ năm 2011) đã có 3 năm chỉ số S&P qua mặt Berskhire. Đây là điều nhà đầu tư hẳn sẽ không vui. Một thực tế là trong năm qua, hầu như Buffett không thực hiện được một thương vụ thâu tóm lớn nào, trong khi các khoản đầu tư lớn luôn đóng vai trò lớn trong việc làm gia tăng giá trị sổ sách của tập đoàn.

Trong thư gởi cổ đông năm nay, Buffett cũng thừa nhận, việc không thực hiện được thương vụ thâu tóm lớn nào trong năm qua là một thất vọng lớn. Ông đã đứng ra xin lỗi: “Kể từ khi điều hành Berkshire vào năm 1965, tôi chưa bao giờ nghĩ rằng sẽ có một năm chúng ta chỉ đạt mức lợi nhuận 24,1 tỉ USD. Đây là một kết quả thật bết bát”.

Chắc chắn khi nói điều này, Buffett cũng hiểu rằng nhà đầu tư đang không vui khi vị CEO của họ vì sở thích riêng đã lơ là trách nhiệm “kiếm tiền cho cổ đông”.

(Nguồn: Nhịp cầu Đầu tư)