11:07 03/04/2017

PMI quý 1 tăng mạnh nhất 6 năm

Kiều Linh

Nikkei Việt Nam vừa công bố về chỉ số nhà quản trị mua hàng (PMI) tháng 3 đạt 54,6 điểm, tốc độ tăng sản lượng sản xuất nhanh nhất kể từ tháng 5/2015

PMI tháng 3 đạt 54,6 điểm.
PMI tháng 3 đạt 54,6 điểm.
Theo Nikkei, lĩnh vực sản xuất của Việt Nam đã kết thúc quý 1 của năm với một kết quả tích cực. Cụ thể, sản lượng ngành sản xuất tăng mạnh hơn trong tháng 3 khi số lượng đơn đặt hàng mới tiếp tục tăng mạnh. Khối lượng công việc tăng đã làm hoạt động mua hàng tăng đáng kể và việc làm đã tăng nhanh nhất kể từ tháng 9 năm ngoái.

Trong khi đó, tốc độ tăng chi phí đầu vào đã nhanh hơn và trở thành mức tăng nhanh nhất trong gần sáu năm trong bối cảnh giá cả nguyên vật liệu tăng.

“PMI đã tăng từ mức 54,2 điểm của tháng 2 lên 54,6 điểm trong tháng 3, cho thấy sự cải thiện mạnh mẽ của sức khỏe lĩnh vực sản xuất. Nhìn chung, các điều kiện kinh doanh đã được cải thiện ở mức đáng kể nhất kể từ tháng 5/2015”, Nikkei nhận định.

Bên cạnh đó, nhu cầu khách hàng tăng đã làm số lượng đơn đặt hàng mới tăng mạnh trong tháng 3, với tốc độ tăng chỉ thay đổi một chút so với mức cao của 21 tháng trong tháng 2.

Trong khi đó, tốc độ tăng số lượng đơn đặt hàng xuất khẩu mới đã nhanh hơn và trở thành mức nhanh nhất trong năm 2017 tính đến thời điểm này. Với số lượng đơn đặt hàng mới tăng, các công ty đã tăng sản xuất tháng thứ năm liên tiếp. Hơn nữa, tốc độ tăng sản lượng sản xuất là nhanh nhất kể từ tháng 5/2015.

Lượng công việc tồn đọng đã tăng tháng thứ ba liên tiếp khi số lượng đơn đặt hàng mới tăng mạnh. Tuy nhiên, sản lượng tăng nhanh hơn đã làm hạn chế mức tăng của lượng công việc chưa thực hiện. Sản lượng cao hơn cũng góp phần làm tăng tồn kho hàng thành phẩm.

Các công ty đã tuyển dụng thêm nhân công để tăng sản xuất trong tháng 3. Số lượng nhân công đã tăng đáng kể, và với một tốc độ nhanh nhất kể từ tháng 9 năm ngoái.

Các nhà sản xuất cũng đã đáp ứng số lượng đơn đặt hàng mới tăng bằng cách tăng hoạt động mua hàng, với hoạt động mua hàng hóa đầu vào tăng mạnh trong tháng. Điều này đã làm tồn kho hàng mua tiếp tục tăng, với một số công ty cho biết đã muốn tăng dự trữ để hỗ trợ tăng sản lượng trong những tháng tới.

Tốc độ tăng chi phí đầu vào đã nhanh hơn thành mức nhanh nhất kể từ tháng 5/2011. Theo những người trả lời khảo sát, giá nguyên vật liệu tăng là nhân tố chính dẫn đến tăng chi phí đầu vào, trong khi giá dầu tăng và đồng tiền yếu cũng được coi là nguyên nhân.

Việc chuyển giao chi phí đầu vào tăng sang cho khách hàng đã làm tăng giá cả đầu ra, và đây là lần tăng thứ bảy trong bảy tháng. Tuy nhiên, tốc độ tăng đã giảm nhẹ so với tháng 2.

Tình trạng thiếu hụt nguồn cung và các vấn đề giao thông đã làm thời gian giao hàng của nhà cung cấp kéo dài tháng thứ hai liên tiếp. Mặc dù chỉ ở mức khiêm tốn, mức giảm hiệu suất hoạt động của người bán hàng gần đây là đáng kể nhất kể từ tháng 1/2016.

Các nhà sản xuất vẫn rất tự tin rằng sản lượng sẽ tăng trong 12 tháng tới, với gần 63% số thành viên nhóm khảo sát dự báo tăng. Những dự báo số lượng đơn đặt hàng mới tăng, cùng với các kế hoạch mở rộng kinh doanh, là nhân tố dẫn đến triển vọng tích cực.

Bình luận về dữ liệu khảo sát PMI ngành sản xuất Việt Nam, Andrew Harker, tại IHS Markit, công ty thu thập kết quả khảo sát, cho hay, dữ liệu PMI tích cực của tháng 3 đã khép lại quý tăng mạnh nhất được ghi nhận kể từ khi khảo sát bắt đầu vào đầu năm 2011.

Điểm đặc biệt đáng mừng trong tháng 3 là việc làm đã tăng gần bằng mức kỷ lục khi các công ty vẫn lạc quan rằng khối lượng công việc sẽ tiếp tục tăng, ít nhất là trong ngắn hạn.

"Do đó, ngành sản xuất chắc chắn sẽ tiếp tục là động lực chính cho tăng trưởng GDP trong quý đầu và hy vọng là cả năm 2017, năm mà IHS Markit dự báo tăng trưởng 6,4%”, Andrew Harker nói.