21:05 18/04/2017

Quản lý thông tin mạng: An toàn nhưng không mất quyền của dân

Nguyên Vũ

Quản lý thông tin trên mạng thế nào để đảm bảo quyền tự do dân chủ, quyền công dân đã được hiến định?

<span style="font-family: 'Times New Roman'; font-size: 15px;">Bộ trưởng Bộ Thông tin và truyền thông Trương Minh Tuấn trả lời chất vấn của đại biểu Quốc hội.&nbsp;</span>
<span style="font-family: 'Times New Roman'; font-size: 15px;">Bộ trưởng Bộ Thông tin và truyền thông Trương Minh Tuấn trả lời chất vấn của đại biểu Quốc hội.&nbsp;</span>
Quản lý thông tin trên mạng thế nào để đảm bảo quyền tự do dân chủ, quyền công dân đã được hiến định?

Đây là chất vấn được đại biểu Trương Trọng Nghĩa dành cho Bộ trưởng Bộ Thông tin và truyền thông Trương Minh Tuấn trong phiên chất vấn do Uỷ ban Thường vụ Quốc hội tổ chức, chiều 18/4.

Quản lý an toàn thông tin mạng là vấn đề xuất hiện dày đặc trong các chất vấn, nhưng đại biểu Nghĩa đặt vấn đề thông tin điện tử còn là công cụ để phát triển, vậy giải pháp nào để quản lý tốt nhưng vẫn tạo điều kiện phát triển cho loại hình này?

Nhấn mạnh mạng xã hội liên quan rất nhiều đến quyền con người, quyền công dân đã được hiến định, đại biểu Nghĩa chất vấn Bộ trưởng về cơ chế để đảm bảo những  quyền đó.

Bộ trưởng Trương Minh Tuấn cho biết Chính phủ đang chỉ đạo và bộ này đang tiến hành xây dựng cơ chế hợp lý, vừa đảm bảo an toàn xã hội vừa bảo đảm quyền tự do dân chủ của nhân dân.

Hai mặt này không trái nhau - Bộ trưởng nhấn mạnh.

Những giải pháp trước mắt và lâu dài cũng được Bộ trưởng đề cập. Giải pháp trước mắt là nâng cao năng lực hệ thống thu thập, phát hiện nguồn phát tán thông tin vi phạm trên mạng. Đồng thời thiết lập cơ chế chia sẻ thông tin tức thời với cơ quan chức năng của Bộ Công an, với doanh nghiệp, thiết lập hệ thống hỗ trợ người sử dụng internet an toàn...

Giải pháp tiếp theo là tăng cường cung cấp thông tin chính thống trên mạng xã hội, gắn liền với thông tin từ báo chí chính thống, phát triển mạng xã hội do Việt Nam quản lý.

Bộ trưởng cũng cho biết sẽ hỗ trợ cộng đồng để có thể kịp thời phản ánh nguồn phát tán thông tin vi phạm pháp luật, xây dựng và phổ biến bộ quy tắc chuẩn mực khi tham gia mạng xã hội, tẩy chay hành vi đi ngược lại lợi ích quốc gia, lợi ích cộng đồng trên internet.

Tôi mong muốn cử tri cả nước tích cực thực hiện giải pháp này - Bộ trưởng nói, trong phiên chất vấn được truyền hình trực tiếp.

Về giải pháp lâu dài, Bộ trưởng cho biết sẽ tiếp tục xây dựng hành lang pháp lý, vừa đáp ứng yêu cầu quản lý vừa đảm bảo quyền tự do dân chủ của nhân dân.

Bộ trưởng cũng nhắn nhủ mỗi người dân phải đảm bảo an toàn thông tin cho chính mình trên môi trường mạng.

Bên cạnh nội dung trên, quản lý báo chí cũng  là vấn đề được đại biểu chất vấn Bộ trưởng.

Trả lời chất vấn của đại biểu Nguyễn Bá Sơn (Đà Nẵng) về sự mất cân bằng thông tin tốt - xấu trên báo chí, Bộ trưởng thừa nhận có thời điểm một số ấn phẩm báo chí khai thác quá nhiều thông tin vụ án tiêu cực chủ yếu lấy từ kết luận của toà án, cơ quan điều tra. Và nhiều tờ báo cùng lúc đăng tải đã tạo ra cho độc giả cảm giác nặng nề.

" Cướp, giết, hiếp, bỏng mắt, đắng lòng đang là xu thế chung của nhiều tờ báo" - Bộ trưởng đánh giá.

Ở xu thế này thì với các vụ án, chi tiết càng rùng rợn càng tổt, thiên tai càng nặng nề thì càng tốt và tai nạn giao thông càng thảm khốc thì càng giá trị, Bộ trưởng nói thêm.

Cho biết là đã nhắc nhở, đã xử lý, Bộ trưởng khẳng định sẽ tiếp tục xử lý nghiêm khắc các trường hợp vi phạm, nếu để tái phạm thì xử lý người đứng đầu, tăng cường thanh tra kiểm tra để các tờ báo hoạt động đúng tôn chỉ mục đích.

Có những điều xét xề mặt thông tin thì không sai nhưng vì đạo đức thì cũng không thể đưa lên mặt báo - Bộ trưởng nói.