15:15 18/01/2010

Quản lý thuê bao di động: Còn nhiều sai phạm

Mạnh Chung

Còn rất nhiều sai phạm trong hoạt động, quản lý, cung cấp và sử dụng dịch vụ điện thoại di động trả trước

Sim di động được bày bán trên vỉa hè.
Sim di động được bày bán trên vỉa hè.
Còn rất nhiều sai phạm trong hoạt động, quản lý, cung cấp và sử dụng dịch vụ điện thoại di động trả trước.

Tại buổi tổng kết công tác thanh tra năm 2009 của Thanh tra Bộ Thông tin - Truyền thông ngày 16/1, Chánh thanh tra Nguyễn Văn Hùngcho biết, Thanh tra bộ và các sở thông tin - truyền thông đã  thực hiện gần 4.800 cuộc thanh tra về hoạt động, quản lý, cung cấp và sử dụng dịch vụ điện thoại di động trả trước và đã phát hiện rẩt nhiều những sai phạm trong lĩnh vực này.
 
Mặc dù hầu hết các doanh nghiệp viễn thông đều có cơ sở dữ liệu thông tin thuê bao di động nhưng thông tin lại có nhiều sai sót như thuê bao không tồn tại, sai địa chỉ, tên, một khách hàng được đăng ký cho nhiều thuê bao trong một ngày, một điểm giao dịch…

Ngay như việc ký hợp đồng ủy quyền cùng lúc với hàng chục ngàn điểm tiếp nhận thông tin thuê bao nhưng doanh nghiệp viễn thông đã không thường xuyên kiểm tra, giám sát hoạt động của các điểm giao dịch này, dẫn đến nhiều sai phạm tại các điểm giao dịch đã không được phát hiện.

Ví dụ, trường hợp của nhà mạng Viettel, doanh nghiệp đã ký hợp đồng ủy quyền đăng ký thông tin thuê bao với các cộng tác viên làm điểm giao dịch nhưng việc đăng ký thông tin được thực hiện tại… nhà của thuê bao.

Theo ông Trần Ngọc Tiếp, Phó chánh thanh tra bộ, cùng với việc đa dạng hóa các gói dịch vụ, loại hình dịch vụ như GPRS, tải nhạc chuông, hình ảnh để nâng cao năng lực cạnh tranh và phát triển thuê bao, các nhà mạng đã “thỏa sức” để khách hàng sử dụng dịch vụ một cách nhanh nhất mà không cần bất kỳ một giấy tờ tùy thân nhưng vẫn có thể sở hữu nhiều sim.

Các chủ điểm giao dịch mua một lượng lớn sim khuyến mại, sau khi kích hoạt sẽ được chuyển ngay sang gói cước 365, với thời hạn sử dụng là 100 ngày, đối với sim mới kích hoạt là một năm sử dụng. Sau 6 tháng, toàn bộ số tiền trong tài khoản chính sẽ được bắn sang một sim khác. Các chủ điểm giao dịch thường dùng một sim để tích tiền trong tài khoản chính, sau đó bán lại tài khoản này cho người tiêu dùng qua hình thức bắn tiền.

Trong khi đó, thay vì nạp 100.000 đồng thuê bao sẽ có 230.000 đồng trong tài khoản chính và 130.000 trong tài khoản phụ và người dùng chỉ cần bỏ ra 85.000 đồng sẽ có 260.000 đồng trong tài khoản khuyến mại, không có tài khoản chính.

Tuy nhiên, theo ông Tiếp, chính việc liên tục thực hiện khuyến mãi đã dẫn tới gây thiệt hại cho chính doanh nghiệp thông tin di động. Vì các công ty cung cấp dịch vụ nội dung trên di động (như SMS) đã mua sim khuyến mại với số lượng lớn, tự kích hoạt và tự nhắn vào hệ thống đầu số của mình toàn bộ tài khoản gốc sau đó phân chia lợi nhuận với doanh nghiệp di động, sim với tài khoản khuyến mại còn lại được bán cho người sử dụng.

Nhưng nguy hiểm hơn, theo kết luận của Thanh tra bộ, do buông lỏng quản lý thông tin thuê bao di động, nên nhiều đối tượng đã lợi dụng sử dụng các sim điện thoại trả trước để thực hiện các hành vi vi phạm pháp luật như quấy rối, đe dọa bắt cóc, trộm cắp cước viễn thông, phát tán tin nhắn rác, quảng cáo lừa đảo, bói toán, lô đề, chiếm đoạt số điện thoại…

Việc thực hiện liên tục các chương trình quảng cáo, khuyến mại, nhân đôi, nhân ba tài khoản cũng đã dẫn tới số lượng thuê bao ảo tăng lên nhanh chóng, gây lãng phí nguồn kinh phí đầu tư và tài nguyên kho số.

Ông Hùng cho rằng, thực tế những sai phạm trên vẫn còn tồn tại và chưa được khắc phục hết, dù năm 2009 Thanh tra bộ và các sở đã thực hiện một cuộc thanh tra “đồ sộ” trên diện rộng đối với hoạt động, quản lý, cung cấp và sử dụng dịch vụ điện thoại di động trả trước.

Vì thế, một trong những trọng tâm mà thanh tra ngành thông tin - truyền thông đặt ra trong năm 2010 là sẽ tiếp tục đẩy mạnh thanh tra, kiểm tra, xử lý vi phạm hành chính về quản lý thuê bao di động trả trước, hoạt động cung cấp dịch vụ nội dung trên điện thoại di động, chất lượng công trình và dịch vụ viễn thông.