15:58 31/03/2009

Vẫn khó “quản” thuê bao trả trước

Mạnh Chung

Việc đăng ký thông tin thuê bao trả trước đang được nhà chức trách đẩy mạnh, nhưng lượng thuê bao ảo” vẫn còn quá lớn!

Sim điện thoại bán trên vỉa hè - Ảnh: VnExpress.
Sim điện thoại bán trên vỉa hè - Ảnh: VnExpress.
Việc đăng ký thông tin thuê bao trả trước đang được nhà chức trách đẩy mạnh, nhưng lượng thuê bao ảo” vẫn còn quá lớn!

Lượng sim di động được phát triển ồ ạt vượt xa nhu cầu của người tiêu dùng đã và đang gây ra những hệ lụy, ảnh hưởng đặc biệt như nạn tin nhắn rác bức xúc thời gian qua, tới hạn chế tài nguyên kho số viễn thông và cả trật tự an ninh xã hội.

Thuê bao chưa đăng ký thông tin còn quá nhiều

Theo số liệu thống kê mới đây của thanh tra Bộ Thông tin và Truyền thông, tính đến cuối năm 2008, số lượng thuê bao chưa đăng ký của tất các doanh nghiệp viễn thông vẫn còn hơn 20,7 triệu thuê bao (chiếm hơn 20% tổng số thuê bao trên toàn mạng).

Mạng dẫn đầu là MobiFone với hơn 10,3 triệu thuê bao, Viettel là 5,6 triệu, Vinaphone là 3,2 triệu, Công ty Cổ phần Dịch vụ bưu chính viễn thông Sài Gòn (SPT) xấp xỉ 1,14 triệu và EVN Telecom là hơn 386 nghìn thuê bao.

Ông Nguyễn Văn Hùng, Phó chánh thanh tra Bộ Thông tin và Truyền thông cho biết, thực tế lượng sim đã được các chủ điểm giao dịch kích hoạt, đăng ký thông tin và thông tin không có thực còn quá lớn, người sử dụng dễ dàng mua các sim này ở bất kỳ tại các điểm bán sim tự do nào, đặc biệt có rất nhiều ở khu vực Hà Nội và Tp.HCM.

Trong tổng số điểm giao dịch mà thanh tra Bộ đi kiểm tra có khoảng hơn 50% các điểm giao dịch đã vi phạm quy chế đăng ký thông tin, bán sim đã kích hoạt trước.

Tuy thực tế Bộ cũng đã có văn bản hướng dẫn các sở thông tin và truyền thông trong thanh tra, kiểm soát các chủ điểm giao dịch, nhưng “giữa hàng trăm hàng nghìn điểm” như ở các thành phố lớn thì việc thanh tra cũng mới chỉ như “vạt tép vơ bèo”.

Ông Lê Mạnh Hà, Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông Tp.HCM kể, mới đây Sở đã đi thanh tra 60 điểm, trong đó 10 điểm đã kích hoạt khai trên 5.000 sim, 20 điểm khai 1.000 - 5.000 sim và 30 điểm còn lại là khai 300 - 1.000 sim.

“Nhưng số lượng đó chỉ là một phần nhỏ, chúng tôi không thể làm hết được. Vì việc kiểm soát kiểm tra các điểm này phải thuộc về các nhà mạng”, ông Hà nói.

Một trong những nguyên nhân chính dẫn đến việc đăng ký ồ ạt thông tin không chính xác tại các điểm giao dịch là do chính sách thưởng hoa hồng của các nhà mạng. Cụ thể, mỗi lần kích hoạt các chủ điểm sẽ được nhận 12.000 đồng/sim. Vì thế hàng trăm hàng nghìn sim đã được các chủ điểm kích hoạt bằng những thông tin… không ai biết đấy là đâu.

Sự kích hoạt vô tư này, không phân tích ai cũng hiểu đây là “lợi ích cộng sinh” và “đôi bên cùng có lợi” giữa nhà mạng và các chủ điểm giao dịch, vì nếu mỗi sim phải đăng ký thông tin thật của chủ thuê bao thì chắc chắn sẽ hạn chế rất lớn đến phát triển thuê bao của các nhà mạng.

Khi thực thi Quyết định 03 của Bộ về quản lý các thuê bao trả trước, các doanh nghiệp viễn thông cũng phải bắt tay vào kiểm soát, thanh tra các điểm giao dịch và ngưng cung cấp dịch vụ cho các điểm vi phạm. Thế nhưng, theo kết quả của thanh tra Bộ, chỉ có MobiFone cắt giảm 305 thỏa thuận với chủ điểm giao dịch, EVN Telecom không có điểm giao dịch, còn ba nhà mạng trên vẫn dửng dưng “làm ngơ” không biết.

Và, hậu quả của hàng triệu thuê bao trả trước không đăng ký thông tin hoặc đăng ký không chính xác đã thành một nguyên nhân lớn dẫn đến vấn nạn tin nhắn rác, tin nhắn lừa đảo hoành hoành thời gian qua, mà các cơ quan vẫn chưa thể kiểm soát.

Hơn nữa, Thứ trưởng Thường trực Bộ Thông tin và Truyền thông Lê Nam Thắng cho rằng, tốc độ phát triển thuê bao quá lớn này còn làm hạn chế tới nguồn tài nguyên kho số viễn thông quốc gia.

Theo Cục trưởng Cục An ninh Kinh tế, Bộ Công an Nguyễn Đức Hiệp, nguy hại lớn hơn từ các thuê bao không rõ nguồn gốc là có thể gây ảnh hưởng tới an ninh trật tự xã hội - vì sẽ rất khó để phát hiện, điều tra thủ phạm sử dụng thuê bao ảo.

Sẽ mạnh tay với các nhà mạng, điểm giao dịch    

Điều bất cập hiện nay theo ông Lê Mạnh Hà, là tất cả các nhà mạng thừa biết các chủ điểm vi phạm nhưng lại không “ra tay” xử lý! Trong khi đó thanh tra sở cũng không thể xử phạt được các doanh nghiệp viễn thông vì chưa có chế tài, nghị định cụ thể, đồng bộ.

Mặt khác, không hiếm các điểm giao dịch sim, đội ngũ cộng tác viên bán hàng của các nhà mạng còn chưa có điều kiện đăng ký đầy đủ về nhân thân, địa điểm và cơ sở vật chất, vì thế nên thực hiện kiểm tra, xử phạt đội ngũ này trở thành chướng ngại vật lớn.

Bởi các điểm trên chỉ cần có chứng minh thư nhân dân là có thể làm đại lý của nhà mạng. Nên khi thanh tra phát hiện bắt ngừng giao dịch thì các điểm giao dịch này lại hình thành “mọc” ra các điểm khác.

Sắp tới, khi nghị định về xử phạt quản lý thuê bao di động trả trước mà Bộ đã trình Chính phủ và dự định sẽ ban hành vào đầu tháng 4/2009, theo Thứ trưởng Lê Nam Thắng, lúc đó việc quản lý thuê bao trả trước sẽ chặt chẽ, nghiêm khắc và có hiệu quả hơn.
    
Trước hết là quy định các điểm giao dịch ủy quyền phải được xác định thông tin cụ thể, phải có địa điểm cố định và có thiết bị, hệ thống  máy tính để lưu giữ thông tin những thuê bao đăng ký.

“Sau khi có nghị định, khoảng cuối tháng Năm, Bộ cùng với sở thông tin và truyền thông các tỉnh sẽ tiến hành đợt thanh tra trên toàn quốc về việc thực hiện quy định quản lý thuê bao trả trước. Những doanh nghiệp di động và các điểm giao dịch vi phạm sẽ chịu mức xử phạt nặng gấp nhiều lần hiện nay”, ông Thắng cho biết.

Thứ trưởng Lê Nam Thắng cũng cho biết, theo quy định, hạn cuối cùng là ngày 31/12/2009, tất cả các thuê bao trả trước chưa đăng ký thông tin sẽ bị ngừng hoạt động. Ông cảnh báo, nếu đến thời điểm đó, các doanh nghiệp viễn thông không tổ chức thực hiện được hết việc đăng ký thông tin với thuê bao trả trước chắc chắn sẽ ảnh hưởng lớn đến hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp.

Hiện Bộ cũng đang xem xét quy định mỗi người sử dụng dịch vụ chỉ được đăng ký tối đa từ 3-5 sim thuê bao trả trước trên một mạng di động.