09:46 29/12/2009

Quản trị rủi ro thanh khoản ngân hàng

Nguyễn Hoài

Theo các chuyên gia, trong 36 loại rủi ro hoạt động tài chính ngân hàng thì rủi ro thanh khoản được coi là nguy hiểm nhất

Các ngân hàng thương mại lớn như BIDV, Vietinbank, VietcomBank, ACB hay mới xuất hiện trên thị trường như LienVietBank nắm giữ khá nhiều lượng trái phiếu Chính phủ nên tính thanh khoản rất tốt.
Các ngân hàng thương mại lớn như BIDV, Vietinbank, VietcomBank, ACB hay mới xuất hiện trên thị trường như LienVietBank nắm giữ khá nhiều lượng trái phiếu Chính phủ nên tính thanh khoản rất tốt.
Theo các chuyên gia, trong 36 loại rủi ro hoạt động tài chính ngân hàng thì rủi ro thanh khoản được coi là nguy hiểm nhất.

Kinh doanh lĩnh vực này, chẳng ai quên bài học “vỡ lòng” đó nhưng lâu nay, không ít trường hợp vì lòng tham, vì “ăn xổi” đã tự đẩy mình vào thế “giật gấu vá vai”.

Thanh khoản luôn là nỗi ám ảnh

Những bài học nhãn tiền ở nước Mỹ, châu Âu mới đây và liên hệ với thực tiễn Việt Nam trong những ngày qua thì vấn đề quản trị rủi ro, đặc biệt là rủi ro thanh khoản và rủi ro đạo đức trở nên rất đáng lưu tâm.

Tiến sĩ Nguyễn Đức Hưởng, Tổng giám đốc LienVietBank cho rằng, rủi ro thanh khoản xuất phát từ rất nhiều nguyên nhân khác nhau như: tập trung tín dụng trung dài hạn vào một số khách hàng lớn; tập trung nguồn vốn huy động không kỳ hạn vào một số khách hàng lớn và khi họ rút bất ngờ, có thể dẫn đến mất thanh khoản; phát triển nóng cả nguồn vốn lẫn tín dụng cũng liên quan đến rủi ro thanh khoản.

Trong hoạt động kinh tế, đặc biệt là hoạt động ngân hàng, ai cũng muốn tránh xa thứ rủi ro này, bởi chúng tiêu tốn lợi nhuận, làm kiệt quệ năng lực tài chính và thậm chí là đứt khả năng nghĩa vụ chi trả hay cam kết tài chính với đối tác.

Đồng tình với ý kiến này, tiến sĩ Lê Xuân Nghĩa, Phó chủ tịch Ủy ban Giám sát tài chính Quốc gia chia sẻ: căng thẳng thanh khoản cuối năm trong hệ thống ngân hàng Việt Nam phải loại bỏ một lý do quan trọng nhất là khủng hoảng tài chính. Bởi trong đó không có khủng hoảng nợ, tỷ lệ nợ xấu (theo chuẩn kế toán Việt Nam) tương đối thấp, danh mục tài sản nhìn chung là lành mạnh, không có sản phẩm dịch vụ độc hại như thị trường tài chính Mỹ hay ở một số quốc gia phát triển.

Và như vậy, cội nguồn câu chuyện trên là do yếu tố quản lý ở các ngân hàng thương mại và Ngân hàng Nhà nước. Thực tế, hầu hết các ngân hàng thương mại nhỏ đều không có hoặc có nhưng rất ít trái phiếu Chính phủ trong danh mục tài sản của mình.

“Lý do đơn giản là họ rất tham lam vì cho rằng duy trì trái phiếu Chính phủ thì lợi nhuận thấp, trong khi sử dụng đồng vốn đó cho vay thì lợi nhuận cao hơn”, ông Nghĩa nói.

Hơn nữa, không ít cổ đông phất lên từ buôn bán bất động sản, xe máy, ôtô, sắt thép… nhờ tích lũy được nguồn vốn nên khi nhảy sang kinh doanh ngân hàng cũng với quan niệm “kinh doanh ngân hàng cũng thế cả” nên đã đòi hỏi lợi nhuận quá mức đối với ban điều hành, ngược lại ban điều hành cũng muốn lấy thành tích với cổ đông, nên cố bằng mọi cách đẩy lợi nhuận lên cao.

Từ đó, họ chọn những danh mục đầu tư rủi ro cao nhưng đem lại tỷ suất sinh lời cao và ngược lại, những tài sản lợi nhuận bền vững nhưng rủi ro thấp thì bị bỏ qua.

Dường như họ quan tâm quá nhiều đến lợi ích ngắn hạn mà không nghĩ rằng, trái phiếu Chính phủ, ngoài việc đem lại lợi nhuận, thì chúng còn trở thành vật cầm cố nơi Ngân hàng Nhà nước để bù đắp thanh khoản khi cần thiết.  

Trăm cái họa đều từ lòng tham

Một thực tế, các ngân hàng thương mại lớn như BIDV, Vietinbank, VietcomBank, ACB hay mới xuất hiện trên thị trường như LienVietBank nắm giữ khá nhiều lượng trái phiếu Chính phủ nên tính thanh khoản rất tốt.

Vì thế, trong những thời điểm khó khăn của 2008 hay nửa tháng gần đây, không những họ luôn ổn định thanh khoản mà còn trở thành “thượng đế” rất đắt khách trên thị trường liên ngân hàng, trong khi một số ngân hàng khác phải đôn đáo xoay xở nguồn và chấp nhận trở thành kẻ đi “ăn đong”.

“Những ngân hàng nhỏ gặp khó khăn thanh khoản thì lỗi đầu tiên là do yếu kém và ăn xổi ở thì trong quản lý danh mục tài sản, mặc dù ông nào cũng có hẳn một bộ máy quản lý tài sản nợ, tài sản có rất oách!”, Giám đốc một ngân hàng thường xuyên cho vay trên thị trường liên ngân hàng nói.

Tất nhiên, sẽ chẳng có một chuẩn mực hay tỷ lệ mang tính “khuôn vàng thước ngọc” trong mối tương quan giữa tài sản “nhiều rủi ro” và “ít rủi ro” nhưng theo ông Nghĩa, chỉ nên duy trì “tài sản có rủi ro” dưới 85% và tỷ lệ tài sản còn lại là tiền mặt, trái phiếu Chính phủ, “bất động sản ở vị trí đắc địa” là… ổn! Tuy nhiên, ở Việt Nam rất ít ngân hàng thương mại duy trì được tỷ lệ này.

Một vấn đề khác, cùng với trách nhiệm của ngân hàng thương mại thì quản lý rủi ro thanh khoản còn có một phần trách nhiệm của Ngân hàng Nhà nước với tư cách là người mua bán cuối cùng trên thị trường ngân hàng, nhằm ổn định tính thanh khoản cho cả hệ thống, điều mà lâu nay, cơ quan này vẫn làm khá tròn bổn phận.

Tuy nhiên, vấn đề hỗ trợ thanh khoản của Ngân hàng Nhà nước cũng tồn tại một câu chuyện “chỉ có ở Việt Nam” đó là: chiết khấu trên bộ hồ sơ tín dụng! Bởi vì những ngân hàng nhỏ khi gặp khó khăn vốn nhưng không có trái phiếu Chính phủ nên Ngân hàng Nhà nước không thể thực hiện công cụ tái chiết khấu; cho vay trên nghiệp vụ thị trường mở thì các ngân hàng này cũng không có tài sản đủ tiêu chuẩn để cầm cố.

Vì thế, chỉ còn một cách là tái cấp vốn trên bộ hồ sơ tín dụng. Cụ thể, ngân hàng thương mại sẽ mang bộ hồ sơ tín dụng đã cam kết giải ngân cho khách hàng lên Ngân hàng Nhà nước cầm cố hồ sơ, lấy tiền về cho khách hàng vay.

Đây là loại “nghiệp vụ” mà trên thế giới chưa có bao giờ. Bởi ở các nước đó, nếu rơi vào tình cảnh này, ngân hàng trung ương các nước có thể cho phá sản ngay lập tức.

Còn ở Việt Nam, vì phải giữ an toàn cho cả hệ thống nên lắm khi, Ngân hàng Nhà nước trở thành cơ quan “bảo hiểm tiền gửi” toàn diện cho ngân hàng thương mại một cách bất đắc dĩ.