Quán triệt sâu sắc quan điểm "dân là gốc"
Theo Chủ tịch Mặt trận Tổ quốc Việt Nam Trần Thanh Mẫn, trong mọi hoạt động, hệ thống chính trị phải quán triệt sâu sắc quan điểm "dân là gốc", khơi dậy sức sáng tạo, sự ủng hộ của nhân dân
Ngày làm việc thứ ba của Đại hội XIII, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc thay mặt Đoàn Chủ tịch điều hành Đại hội. Các đại biểu tập trung tại Hội trường thảo luận về các văn kiện trình Đại hội.
Với 107 bài tham luận đã được gửi về Đại hội XIII, Đoàn Chủ tịch Đại hội cho biết sẽ sắp xếp để có nhiều đại biểu được trình bày tham luận, bố trí ở mức cao nhất.
Trong 2 ngày 27 và 28/1, các đại biểu sẽ thảo luận các văn kiện trình Đại hội XIII, trong đó văn kiện trung tâm là báo cáo chính trị; báo cáo tổng kết công tác xây dựng Đảng và thi hành điều lệ Đảng nhiệm kỳ Đại hội XII; báo cáo kiểm điểm sự lãnh đạo, chỉ đạo của Ban chấp hành Trung ương Đảng khóa XII; bầu Ban chấp hành Trung ương khóa XIII (nhiệm kỳ 2021-2026) - cơ quan lãnh đạo cao nhất của Đảng giữa hai kỳ Đại hội.
Là người trình bày tham luận đầu tiên, đồng chí Trần Thanh Mẫn, Bí thư Trung ương Đảng, Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam bày tỏ sự nhất trí cao với dự thảo báo cáo chính trị do Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII trình Đại hội.
Với chủ đề "Phát huy sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc đổi mới nội dung, phương thức, nâng cao chất lượng hoạt động của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam Việt Nam và các tổ chức chính trị - xã hội", đồng chí Trần Thanh Mẫn nhấn mạnh đến tình hình của đất nước ta đang trong quá trình thực hiện công nghiệp hoá, hiện đại hoá và hội nhập quốc tế, đặt ra nhiều vấn đề mới, sự phát triển đa dạng, năng động và yêu cầu cao hơn về đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân; ảnh hưởng của thiên tai, dịch bệnh, biến đổi khí hậu ngày một gia tăng; phân hóa giàu nghèo, phân tầng xã hội diễn ra ngày càng sâu sắc. Bên cạnh đó, tình trạng suy thoái về tư tưởng, chính trị, đạo đức, lối sống của một bộ phận cán bộ, đảng viên, có mặt, có nơi còn diễn biến phức tạp; sự chống phá của các thế lực thù địch ngày càng nguy hiểm và tinh vi.
Những thách thức đó, theo Chủ tịch Mặt trận tổ quốc Việt Nam, đã đặt ra yêu cầu cấp thiết đòi hỏi Mặt trận phải đổi mới nội dung, phương thức hoạt động, ứng dụng công nghệ thông tin, đáp ứng tốt hơn trước những yêu cầu phát triển mạnh mẽ của đất nước.
Trong thời gian tới, hoạt động của Mặt trận phải hướng mạnh về cơ sở, phát huy tốt hơn vai trò của các tổ chức thành viên, của Ban công tác Mặt trận ở hơn 100 ngàn địa bàn dân cư trong cả nước; tập hợp sức mạnh của 100 triệu đồng bào trong nước và đồng bào ta ở nước ngoài, cùng hiệp lực, quyết tâm, thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng. Lắng nghe ý kiến nhân dân, kịp thời phản ánh, tham mưu đối với cấp ủy, phối hợp cùng chính quyền giải quyết các vấn đề cấp thiết liên quan đến đời sống nhân dân; tiếp tục giữ vai trò nòng cốt trong hiệp thương phối hợp thống nhất hành động cùng các tổ chức thành viên, thực hiện các cuộc vận động, phong trào thi đua yêu nước; đẩy mạnh hoạt động giám sát, phản biện xã hội, tham gia hiệu quả hơn trong xây dựng Đảng, chính quyền trong sạch, vững mạnh, phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, lãng phí.
Theo Chủ tịch Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, có thể rút ra được 5 bài học kinh nghiệm quý báu về phát huy sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc và hoạt động của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam Việt Nam. Đó không chỉ là giữ vững và tăng cường sự lãnh đạo của Ðảng là nhân tố quyết định để Mặt trận tập hợp được mọi lực lượng, xây dựng, củng cố, phát huy khối đại đoàn kết toàn dân tộc; trong mọi hoạt động, hệ thống chính trị phải quán triệt sâu sắc quan điểm "dân là gốc", khơi dậy sức sáng tạo, sự ủng hộ của nhân dân, tôn trọng, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của nhân dân; mà còn đảm bảo sự phối hợp đồng bộ, hiệu quả giữa các cơ quan Đảng, Nhà nước, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam Việt Nam và hiệp thương phối hợp thống nhất hành động của các tổ chức thành viên.
Bên cạnh đó, Mặt trận phải thường xuyên đổi mới cho phù hợp với thực tiễn, quán triệt phương châm của Chủ tịch Hồ Chí Minh: Việc gì lợi cho dân, ta phải hết sức làm. Việc gì hại đến dân, ta phải hết sức tránh. Đồng thời với đó là thực hành dân chủ đi đôi với tăng cường kỷ luật, kỷ cương, đoàn kết gắn với đấu tranh, có lý, có tình với các hành vi sai trái, làm ảnh hưởng đến khối đại đoàn kết toàn dân tộc.