10:10 17/09/2009

“Quan trọng nhất vẫn là ổn định kinh tế vĩ mô”

Lê Châu

Đối với Việt Nam, một mặt phải kích thích tăng trưởng kinh tế trong bối cảnh suy giảm nhưng cũng cần đảm bảo ổn định kinh tế vĩ mô

Theo tôi, nhiều khả năng lạm phát sẽ là 8 - 9% - Ảnh: Từ Nguyên.
Theo tôi, nhiều khả năng lạm phát sẽ là 8 - 9% - Ảnh: Từ Nguyên.
Bài toán giữa ổn định kinh tế vĩ mô và tăng trưởng là bài toán chung của nhiều nước. Đối với Việt Nam, một mặt phải kích thích tăng trưởng kinh tế trong bối cảnh suy giảm nhưng cũng cần đảm bảo ổn định kinh tế vĩ mô.

Lý giải về quan điểm “phải lấy ổn định kinh tế vĩ mô làm trọng”, ông Võ Trí Thành - Phó viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế trung ương, nói:

- So với nhiều nước, kinh tế Việt Nam rơi vào tình trạng éo le ở chỗ chúng ta còn nhiều việc cần giải quyết để ổn định kinh tế vĩ mô, các rủi ro còn lớn như lạm phát cao hơn, thâm hụt cán cân thanh toán nhiều hơn, thâm hụt ngân sách cao hơn, gói kích cầu cao; trong khi nguồn lực lại hạn chế.

Tuy nhiên trong bối cảnh như vậy, có một may mắn lớn là Chính phủ đã đẩy nhanh cải cách hành chính và thay đổi lối tư duy, linh hoạt hơn, động thái phản ứng nhanh hơn, quyết định dứt khoát hơn.

Những tháng còn lại của năm 2009 vẫn còn đầy khó khăn. Lạm phát tuy giảm nhưng cán cân kinh tế vẫn còn có vấn đề. Trong tình hình đó, giải pháp quan trọng nhất vẫn là ổn định kinh tế vĩ mô. Có ổn định mới cạnh tranh được.

Về việc chúng ta chưa nắm bắt được những cơ hội đến cùng thách thức trong thời kỳ suy giảm, có thể nói một cách ngắn gọn thế này: Nếu chúng ta yếu, thiếu bản lĩnh, không nhận biết thời cuộc, tình huống, không biết nỗ lực sửa đổi, cải cách để vươn lên, thì tất cả cơ hội đều biến thành thách thức.

Hiện đang có nhiều tranh luận về gói kích cầu, đặc biệt là gói kích cầu hỗ trợ lãi suất về quy mô, hiệu quả và cả những tác động có thể có đến ổn định kinh tế vĩ mô, xin cho biết nhận định của ông về vấn đề này?

Về gói hỗ trợ lãi suất, theo tôi, bản chất của nó là giúp doanh nghiệp và ngân hàng sống sót. Chúng ta phải chấp nhận anh nào ốm thì Nhà nước cũng cứu và đây là việc bắt buộc phải làm. Nhưng theo tôi, chính sách này có ba điểm đáng phải suy nghĩ.

Thứ nhất, nguy cơ là chúng ta không tạo ra năng lực cạnh tranh thực. Ngay cả Ngân hàng Thế giới (WB) và Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) cũng cảnh báo về vấn đề nợ xấu.

Thứ hai, có thể nó không đúng mục tiêu là kích cầu vào tiêu dùng và đầu tư trong nền kinh tế thực.

Thứ ba, sẽ khó kiểm soát hướng đi của các luồng tiền và có thể người được vay dùng đảo nợ, gửi lại ngân hàng, đầu tư chứng khoán...

Trong bối cảnh kích cầu cao, cũng phải đề cập đến thực tế là rủi ro lạm phát trở nên cao hơn. Tháng 4, mức lạm phát điều chỉnh mà Chính phủ có ý đưa ra Quốc hội chỉ 6%, nhưng đến khi chính thức đưa ra Quốc hội quyết thì đã là dưới 10%. Theo tôi, nhiều khả năng lạm phát sẽ là 8 - 9%.

Có thể ở ngưỡng này vì tăng lương; loại bỏ kiểm soát giá điện, nước; nới lỏng chính sách tiền tệ và tài khoá cho kích cầu; và giá cả thế giới đã chững lại và chỉ đi ngang trong khi giá dầu tăng. Hy vọng giá thế giới giảm, kéo lạm phát trong nước xuống như từ tháng 8 năm ngoái đến tháng 3 năm nay đã hết.

Một mặt, chúng ta vẫn muốn kích thích kinh tế trong bối cảnh suy giảm còn sâu rộng, ít nhất trong năm nay và năm tới do phục hồi kinh tế thế giới còn yếu. Mặt khác, Chính phủ vẫn phải lo ổn định kinh tế vĩ mô và chống lạm phát. Mà điều ấy còn phụ thuộc vào biến động thế giới, cần phải theo dõi sát. Mục tiêu nào sẽ được lựa chọn nhiều hơn?

Có thể do Chính phủ còn phải quan sát biến động trong và ngoài nước. Nhưng đến thời điểm này tôi đã nhận thấy, Chính phủ đã quan tâm hơn đến ổn định kinh tế vĩ mô.

Có thể nói trong vòng chưa đầy một năm nền kinh tế nước ta đã có hai quyết định lớn về sử dụng chính sách kinh tế vĩ mô, trong đó Chính phủ chủ yếu sử dụng hai nhóm chính sách công cụ: chính sách tiền tệ và chính sách tài khoá. Đối với chính sách tiền tệ chuyển hướng từ “thắt chặt linh hoạt” sang “nới lỏng cẩn trọng” được đánh giá là rất thành công. Theo ông, chính sách “nới lỏng cẩn trọng” này sẽ vẫn tiếp tục phát huy được tác dụng trong thời gian tới?

Dư địa cho chính sách tiền tệ là còn rất nhỏ. Bây giờ tôi có thể nói dư địa cho nới lỏng chính sách tiền tệ gần như đã chấm dứt. Lý do, lạm phát được dự báo cao hơn, không thể nào lạm phát kỳ vọng là 8 - 9% mà lãi suất huy động là 7%/năm được.

Mặt khác, trong nền kinh tế của ta, sự kỳ vọng của thị trường vào tỷ giá vẫn là 18.500 đồng/USD. Nhưng nhiều tổ chức quốc tế dự báo USD sẽ yếu đi trong năm sau. Đó cũng là điều tốt, làm tỷ giá đỡ căng thẳng. Nhưng khó khăn vẫn đang chờ đợi trong những tháng tới. Cùng đó, việc phát hành trái phiếu Chính phủ rất khó khăn.

Một điểm băn khoăn của tôi đối với chính sách tiền tệ hiện nay là thời điểm nào thích hợp để bỏ trần lãi suất? IMF đề nghị Việt Nam bỏ càng nhanh càng tốt.

Tôi thì hơi sợ gợi ý này vì nó sẽ gây ra cú sốc khá lớn. Hiện nay chúng ta đang rất khó khăn vì khoảng cách giữa lãi suất huy động và trần lãi suất cho vay quá nhỏ. Nhưng nếu bỏ quá sớm, nền kinh tế chưa lên thì lại có nguy cơ đi xuống. Mà bất ổn kinh tế vĩ mô còn cao thì lạm phát lại quay đầu trở lại. Quan điểm của tôi là cần bỏ, nhưng bỏ vào thời điểm nào thì phải phụ thuộc vào hai yếu tố.

Thứ nhất, là phải tính toán lại gói kích cầu hỗ trợ lãi suất 4% và gói hỗ trợ trung và dài hạn. Thứ hai là phải đo được mức độ ổn định kinh tế vĩ mô.