16:32 31/03/2009

Quanh chuyện Đức “chê” kế hoạch mua nợ xấu của Mỹ

Kiều Oanh

Nước Đức muốn cứu các ngân hàng, nhưng không muốn gánh nặng tài chính này đổ lên vai người nộp thuế

Thủ tướng Đức Angela Merkel (bên phải) và Bộ trưởng Bộ Tài chính Peer Steinbrück.
Thủ tướng Đức Angela Merkel (bên phải) và Bộ trưởng Bộ Tài chính Peer Steinbrück.
Nhiều tháng qua, Thủ tướng Đức Angela Merkel và Bộ trưởng Bộ Tài chính Peer Steinbrück liên tục khẳng định, họ sẽ không bao giờ giải phóng các ngân hàng tác trách khỏi tài sản độc hại bằng cách mua lại và đưa những tài sản này vào một ngân hàng do Chính phủ hậu thuẫn.

Tuy nhiên, đó là những gì diễn ra trước khi Bộ trưởng Bộ Tài chính Mỹ Timothy Geithner công bố kế hoạch mua nợ xấu, có trị giá lên tới 1.200 tỷ USD, nhằm giải phóng các ngân hàng nước này khỏi những tài sản có vấn đề. Động thái của ông Geithner đã được dư luận và thị trường chứng khoán Mỹ phản ứng tính cực, vì kế hoạch này được cho là cần thiết để tăng cường hoạt động cho vay, và qua đó, thúc đẩy kinh tế Mỹ phục hồi.

Bên kia bờ Đại Tây Dương, tại nước Đức, kế hoạch của ông Geithner đã châm ngòi cho một cuộc tranh cãi nảy lửa về việc liệu bà Merkel có sai lầm hay không, và làm thế nào Berlin có thể đưa tài sản độc hại ra khỏi bảng cân đối kế toán của các ngân hàng mà không làm cho người dân phải là đối tượng cuối cùng phải chịu gánh nặng tài chính này.

Vì sao phản đối?

Chỉ 6 tháng nữa là ở Đức diễn ra bầu cử tổng thống. Trong bối cảnh đó, bà Merkel không có đủ vốn liếng chính trị với các cử tri - điều mà chính quyền mới của Tổng thống Mỹ Barack Obama đang có được.

Hiện tại, bà đã đối mặt với sự chỉ trích gia tăng và những cuộc biểu tình phản đối chính sách của bà trong việc giải cứu các ngân hàng, trong đó có việc Chính phủ Đức nắm cổ phần trong các ngân hàng Commerzbank và Hypo Real Estate. Các nhà phê bình cho rằng, sau nhiều năm trời thắt lưng buộc bụng để trả bớt nợ công, Chính phủ đã không có tiền để chi có các chương trình xã hội, nhưng lại đang chi hàng tỷ USD để cứu những ngân hàng vô trách nhiệm.

Trong một bài phát biểu trước giới lãnh đạo ngành ngân hàng Đức vào tuần trước, bà Merkel phát biểu, việc bà phản đối việc mua nợ xấu là căn cứ vào sự cần thiết phải đảm bảo sự công bằng trong quá trình giải quyết khủng hoảng.

“Xét về phương diện chính trị, chúng ta cần thận trọng vì theo tinh thần công bằng. Không thể đi tới chỗ mà người nộp thuế phải gánh chịu những rủi ro, trong khi những các ngân hàng của khối tư nhân rốt cục lại có tất cả những cơ hội tốt đẹp”, bà Merkel nói. Hiện bà Merkel vẫn giữ thái độ nghi ngờ đối với sáng kiến mua nợ của Mỹ.

Tuy nhiên, cũng trong bài phát biểu trên, bà Merkel đã thừa nhận rằng, châu Âu đang chịu áp lực phải giải quyết vấn đề nợ xấu của ngành ngân hàng. “Tôi rất muốn xem xem mô hình của nước Mỹ sẽ hoạt động thế nào và liệu những biện pháp khuyến khích khối tư nhân tham gia có thể thực sự giúp các ngân hàng bán được nhiều tài sản độc hại hơn không”, bà Merkel phát biểu với vẻ thận trọng. “Nhưng chúng ta không thể né tránh vấn đề này, vì nếu thế, các ngân hàng sẽ mất rất nhiều thời gian để lấy lại sức mạnh”, bà nói thêm.

Mặc dù vậy, những người phê bình bà Merkel thì cho rằng, nước Đức cần hành động ngay. Họ cho rằng, chính sách “chờ xem” của bà Merkel sẽ không đem lại tác dụng gì.

Các nhà kinh tế học dự đoán, nền kinh tế phụ thuộc nhiều vào xuất khẩu của Đức sẽ sụt giảm với tốc độ kỷ lục 7% trong năm nay. Những dữ liệu mới nhất do Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) công bố cho thấy, mặc dù các nước của châu lục này đã tung ra nhiều gói kích thích kinh tế và các chương trình giải cứu ngành tài chính, các ngân hàng ở đây vẫn găm giữ tiền mặt mà không chịu cho vay. Theo ECB, lượng vốn vay cấp mới dành cho khu vực tư nhân tại Eurozone (16 quốc gia sử dụng đồng tiền chung châu Âu) đã giảm 0,1% trong tháng 2 vừa qua so với tháng 1; lượng vốn vay dành cho các doanh nghiệp cũng giảm 0,1%.

Các ngân hàng của Đức hiện có khoảng 265-400 tỷ USD tài sản xấu trong sổ sách, tương đương với 12% GDP của nước này. Trong khi đó, kế hoạch mua nợ của Mỹ vạch mục tiêu mua lại lượng tài sản độc hại có trị giá 1.000 tỷ USD, bằng 6,8% GDP Mỹ. Các ngân hàng Đức có khoảng 550 tỷ USD dự trữ tiền mặt. Do đó, khó mà có thể dự đoán được điều gì sẽ xảy ra đối với nền kinh tế nước này nếu như các ngân hàng Đức bị bỏ mặc tự mình đối đầu với tình trạng nợ xấu ở quy mô nói trên.

“Nước Đức chưa thành công trong việc kiểm soát khủng hoảng tài chính”, ông Klaus Zimmermann, Chủ tịch viện nghiên cứ kinh tế DIW có trụ sở ở Berlin nhận xét. “Đức cần nhanh chóng đưa tài sản độc hại ra khỏi hệ thống để các ngân hàng có thể trở lại với chức năng của họ trong nền kinh tế”, ông nói.

Các lựa chọn

Có khả năng tại hội nghị thượng đỉnh G20 diễn ra tại London vào ngày 2/4 này, bà Merkel sẽ cho thấy, Đức - nền kinh tế lớn nhất châu Âu - đang thực sự giải quyết vấn đề tài sản độc hại. Ông Axel Weber, Chủ tịch ngân hàng, Deutsche Bundesbank, cho rằng, những cuộc thảo luận giữa các ngân hàng, Bộ Tài chính Đức, và quỹ bình ổn ngành ngân hàng liên bang mang tên SoFFin của nước này, có thể đi tới được một ý tưởng khả thi về kế hoạch giải quyết nợ xấu trước khi diễn ra hội nghị G20.

Theo ông Weber, nước Đức sẽ không thành lập một ngân hàng trung tâm để trữ nợ xấu và cũng sẽ không mua vào các loại nợ này. Thay vào đó, có khả năng Chính phủ nước này sẽ tách từng ngân hàng thành hai bộ phận, một bộ phận tốt và một bộ phận xấu, cho phép các ngân hàng đưa tài sản xấu của họ vào bộ phận ngân hàng xấu, và tiếp đó, được Chính phủ rót vốn cho bộ phận ngân hàng tốt. Chính phủ Đức hiện còn nghi ngại về một kế hoạch như  vậy, nhưng vẫn chưa đưa ra một giải pháp thay thế nào khác.

Chính phủ Đức muốn đảm bảo rằng, cổ đông của ngân hàng, thay vì người nộp thuế, sẽ là đối tượng chịu bất kỳ một thua lỗ nào có thể xảy ra. “Những cổ đông trước đó của ngân hàng sẽ chịu trách nhiệm chính trong việc chia sẻ những thua lỗ và rủi ro”, ông Weber nói với báo giới.

Liên đoàn Ngân hàng Đức, tổ chức đại diện cho những ngân hàng tư nhân hàng đầu của nước này, cũng đưa ra đề xuất giải quyết nợ xấu. Tổ chức này khuyến nghị gọi kế hoạch này là một “quỹ huy động”, thay vì là một “ngân hàng xấu”. Theo đó, mỗi ngân hàng sẽ đưa tài sản độc hại của mình vào một tài khoản đăng ký với Chính phủ.

Theo cách này, các tài sản xấu sẽ rời khỏi bảng cân đối kế toán của các ngân hàng, nhưng vẫn được ràng buộc với ngân hàng sở hữu, thay vì được gộp chung lại với nhau. “Quỹ huy động sẽ không dồn gánh nặng với tẩt cả rủi ro lên vai người đóng thuế”, ông Klaus-Peter Müller, người đứng đầu Liên đoàn Ngân hàng Đức, nói.

Viện nghiên cứu kinh tế DIW thì đề xuất, các ngân hàng Đức giao lại tài sản xấu cho Chính phủ mà không lấy một đồng nào. Đổi lại, Chính phủ sẽ cấp vốn cho các ngân hàng và nắm cổ phần trong các ngân hàng tham gia. Số tài sản xấu sẽ được đưa vào một ngân hàng thuộc sở hữu nhà nước và được bán lại cho ngân hàng ban đầu khi thị trường khởi sắc trở lại.

“Cách này đảm bảo rằng, các cổ đông chứ không phải người nộp thuế, sẽ là đối tượng phải gánh chịu những thiệt hại đầu tiên một khi thua lỗ xảy ra”, bà Dorothea Schäfer, người đứng đầu DIW nói.

Tuy nhiên, Bộ Tài chính Đức cho hay, các bên còn chưa hài lòng với bất kỳ đề xuất nào tính tới thời điểm này. “Chúng tôi vẫn đang tiếp tục tìm kiếm một giải pháp mà ở đó, gánh nặng sẽ không đặt lên vai người nộp thuế”, một phát ngôn viên của bộ này cho hay.

(Theo Time)