11:29 03/06/2014

“Quay” tứ bề Trung Quốc tại Đối thoại Shangri-la

Tâm Anh

Hàng loạt câu hỏi hóc hiểm tại Đối thoại Shangri-la có chung đích đến là những luận điệu của Trung Quốc

Tướng Vương Quán Trung đã tìm cách lẩn tránh những chất vấn của học giả quốc tế, khi chỉ chọn trả lời một hoặc hai câu với lý do thời gian hạn hẹp - Ảnh: News.<br>
Tướng Vương Quán Trung đã tìm cách lẩn tránh những chất vấn của học giả quốc tế, khi chỉ chọn trả lời một hoặc hai câu với lý do thời gian hạn hẹp - Ảnh: News.<br>
Sự đuối lý và cãi cùn của Trung Quốc trong vấn đề biển Đông đã được thể hiện rõ nét trong phiên thảo luận trực tiếp giữa các học giả quốc tế với đại diện quân đội Trung Quốc tại Đối thoại Shangri-la ở Singapore.

Trong phiên thảo luận trực tiếp diễn ra hôm 31/5 tại Đối thoại Shangri-la ở Singapore, Phó tổng tham mưu trưởng quân đội Trung Quốc Vương Quán Trung đã quay cuồng trước hàng loạt câu hỏi của các học giả tới từ nhiều quốc gia trên thế giới, liên quan tới những vấn đề mập mờ trong các tuyên bố trước nay của Bắc Kinh về đường 9 đoạn, biển Đông và biển Hoa Đông.

Gần 80% trong tổng số hơn 20 câu hỏi tại phiên thảo luận trực tiếp giữa các học giả thế giới với đại diện quốc phòng Nga, Trung tại Đối thoại Shangri-la vừa qua đều nhằm vào những luận điệu của Trung Quốc.

Nhà báo Demetri Sevastopulo của tờ Financial Times đề nghị, tướng Vương Quán Trung cần giải thích một cách đơn giản về đường 9 đoạn cho mọi người cùng hiểu.

Nhà báo này đặt câu hỏi: "Ông (Vương Quán Trung) nói rằng Trung Quốc chỉ đáp trả những hành động khiêu khích. Vậy ông có thể nói cho chúng tôi biết Việt Nam đã khiêu khích gì Trung Quốc ở Hoàng Sa, để buộc các ông mang giàn khoan Hải Dương 981 ra đó hồi đầu tháng 5?".

Phó đô đốc hải quân Anup Singh tới từ Ấn Độ cũng đặc biệt quan tâm tới đường 9 đoạn. Theo ông, đường 9 đoạn mà Trung Quốc đưa ra đã không tuân theo Công ước của Liên hiệp quốc về Luật Biển (UNCLOS), bất chấp các thông lệ và luật pháp truyền thống, "bởi lẽ trong luật pháp quốc tế kinh điển, thành văn hay thông lệ, đại dương chưa bao giờ có nghĩa là lãnh thổ và chưa bao giờ là lãnh thổ”.

"Lần cuối cùng mà đại dương được tuyên bố là lãnh thổ là dưới thời Đế chế La Mã, bằng cụm từ mare nostrum (vùng biển thuộc một hoặc vài nước). Đế chế đó đã kết thúc vào năm 117 sau Công nguyên”, ông Singh nói.

Với những giải thích cặn kẽ của mình về các nguyên tắc trong UNCLOS, Phó đô đốc hải quân Ấn Độ đưa ra câu hỏi cho Phó tổng tham mưu trưởng quân đội Trung Quốc: "Thành thử tôi không thể hiểu được vì sao sau khi đã phê chuẩn UNCLOS rồi, Trung Quốc lại có thể vẽ ra đường (biên giới) trên biển, khi điều đó đi ngược di sản chung của nhân loại, là quyền tự do hàng hải mà chính các ông đã chấp thuận?”.

Những câu hỏi liên quan tới đường 9 đoạn của Trung Quốc một dày thêm, khi TS. William Choong lên tiếng đòi hỏi: "Tại sao Trung Quốc không làm rõ yêu sách đường 9 đoạn trên biển Đông theo đúng các nguyên tắc của UNCLOS và cố gắng hoàn thành Bộ Quy tắc về ứng xử của các bên trên biển Đông (COC) trong thời gian sớm nhất có thể, chẳng hạn trước thời điểm cuối năm nay?".

Nhắc lại câu chuyện về vùng nhận dạng phòng không (ADIZ) do Trung Quốc tuyên bố xác lập ở khu vực biển Hoa Đông, bà Bonnie Glaser, Chủ tịch Ban nghiên cứu Trung Quốc của Trung tâm Nghiên cứu chiến lược quốc tế tại Washington (Mỹ) bất ngờ đặt câu hỏi với tướng Vương Quán Trung: "Liệu Trung Quốc có thấy cần thiết phải lập ADIZ ở biển Đông hay không? Trong hoàn cảnh nào Trung Quốc sẽ xem xét lập ADIZ ở biển Đông?".

Trước đó, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Chuck Hagel đã cáo buộc Trung Quốc có các hành động gây mất ổn định ở biển Đông và cảnh báo Washington sẽ không ngồi yên nếu trật tự thế giới bị đe dọa. Ông Hagel nói, dù Mỹ không đứng về bên nào trong các tuyên bố chủ quyền, nhưng "chúng tôi phản đối mạnh mẽ bất kỳ nước nào về việc sử dụng sự hăm dọa, bắt nạt, đe dọa sử dụng vũ lực để khẳng định các tuyên bố chủ quyền này".

Đáp lại, Phó tổng tham mưu trưởng quân đội Trung Quốc nói rằng bài phát biểu của bộ trưởng quốc phòng Mỹ là mang tính bá chủ, kích động và đe dọa. "Bài phát biểu hoàn toàn không có tính xây dựng và hơn nữa lại công khai, nhiều lần chỉ trích, nêu đích danh Trung Quốc với những kiểu cáo buộc hoàn toàn vô căn cứ và không lý lẽ", ông Vương Quán Trung phản ứng.

Liên quan tới màn đấu khẩu này, Tiến sỹ Dana Allin, chuyên gia về chính sách đối ngoại Mỹ và các vấn đề xuyên Đại Tây Dương, biên tập viên tờ Survival, đã đặt một câu hỏi thú vị với tướng Vương Quán Trung: "Trong bài phát biểu, ông Hagel đã dẫn lời Tướng George Marshall rằng, sức mạnh của một quốc gia không chỉ phụ thuộc vào quân đội, số máy bay và chiến hạm mà còn được đo bằng sức mạnh của bạn bè và các đồng minh... Câu hỏi của tôi là tại sao nước Mỹ lại có nhiều đồng minh như thế, bao gồm ở cả khu vực này? Và để rõ ràng, tôi không hỏi vì sao Mỹ duy trì được các đồng minh đó, mà là vì sao các nước đó lại chọn làm đồng minh với Mỹ?".

Trong bài phát biểu, ông Vương Quán Trung liên tục đưa ra các thông điệp tốt đẹp về một Trung Quốc "yêu chuộng hòa bình", "hữu hảo với láng giềng", "chỉ tự vệ về mặt quân sự", "theo đuổi con đường phát triển hòa bình". Vị tướng này cũng hùng hồn lên án những bài phát biểu chỉ trích Trung Quốc trước đó của Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe và Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Chuck Hagel.

Tuy nhiên, đứng trước những chất vấn trên, ông Vương đã tìm cách lẩn tránh, khi chỉ chọn trả lời một hoặc hai câu với lý do "thời gian hạn hẹp".

Ngay cả khi trả lời câu hỏi, thì tướng Vương cũng chỉ lặp lại những điều vô nghĩa và mơ hồ. "Tướng Vương không thể trả lời câu hỏi mà các đại biểu đặt ra. Ông ấy nói lằng nhằng, lắp bắp, khi cố giải thích đường 9 đoạn bí hiểm", tờ The Economist dí dỏm.

Đối với Công ước của Liên hiệp quốc về Luật Biển, Phó tổng tham mưu trưởng quân đội Trung Quốc giải thích rằng, công ước này có hiệu lực năm 1994, nhưng Trung Quốc đã có chủ quyền và quyền tài phán với các đảo ở biển Đông "từ 2.000 năm nay". Vì thế, công ước quốc tế không thể áp dụng được với... Trung Quốc.

Lập luận này của ông Vương ngay lập tức đã bị các học giả quốc tế bóc mẽ.

Ông Fredy Gsteiger, Phó tổng biên tập Đài phát thanh SRF, Thụy Sĩ, cho rằng đó là sự giải thích đáng lo ngại: "Vậy UNCLOS ra đời để làm gì? Đó là điều khó hiểu cho công chúng, cho giới truyền thông, cho các chính trị gia ở châu Á. Trung Quốc tham gia ký kết UNCLOS, nhưng khi có tranh chấp xảy ra với họ, thì họ nói công ước này không thể áp dụng được".

Giáo sư Carl Thayer, trường Đại học New South Wales, Australia, nói Trung Quốc đang đơn phương giải thích luật quốc tế theo cách của họ: "Trung Quốc luôn nói có luật pháp quốc tế khác. Tôi vẫn luôn hỏi là các ngài đang áp dụng luật lệ quốc tế nào? Rồi khi họ vận dụng đến lịch sử thì đấy là lịch sử được nhào nặn”, ông Thayer lên tiếng.

Nhà nghiên cứu Christian Le Miere của Viện Nghiên cứu chiến lược quốc tế (IISS) nói,"rất ngạc nhiên là phần trả lời của ông Vương về đường 9 đoạn đã hoàn toàn phủ nhận hết luật biển quốc tế".

"Căng thẳng trên biển đang xảy ra, nhưng khó có thể hiểu sao phía Trung Quốc lại tỏ ra cộc cằn đến như vậy? Có lẽ vì họ bị phê phán quá nhiều tại cuộc đối thoại lần này chăng!", ông bình luận.