12:19 12/11/2014

“Quốc hội cần giám sát 1 triệu tỷ đồng vốn Nhà nước”

Nguyên Hà

Đại biểu Quốc hội cho rằng, cần một cơ quan chuyên môn chịu trách nhiệm trước 90 triệu cổ đông là 90 triệu người dân

Đại biểu Trần Du Lịch đề nghị phải chế định làm sao để trong tương lai, một số tập đoàn kiểu như Telsa của Úc, như Petronas của Malaysia... hàng năm báo cáo Quốc hội, và Quốc hội sẽ quyết để lại tiền hay là lấy về đầu tư mới, thậm chí là bổ sung tiền cho các tập đoàn đó.
Đại biểu Trần Du Lịch đề nghị phải chế định làm sao để trong tương lai, một số tập đoàn kiểu như Telsa của Úc, như Petronas của Malaysia... hàng năm báo cáo Quốc hội, và Quốc hội sẽ quyết để lại tiền hay là lấy về đầu tư mới, thậm chí là bổ sung tiền cho các tập đoàn đó.
Theo quy định này thì toàn bộ vốn sở hữu toàn dân là giao hết Chính phủ, Quốc hội đứng ngoài cuộc, đại biểu Trần Du Lịch phát biểu tại phiên thảo luận của Quốc hội về dự án Luật Quản lý, sử dụng vốn nhà nước đầu tư vào sản xuất, kinh doanh, sáng 11/11.

Cũng như nhiều vị đại biểu khác, mô hình đại diện chủ sở hữu nhà nước là vấn đề được đại biểu Lịch quan tâm góp ý.

Dù không quy định cụ thể đại diện chủ sở hữu là các bộ hay ủy ban nhân dân cấp tỉnh, song dự thảo luật vẫn giao quyền cho Chính phủ.

Điều này khiến nhiều vị đại biểu Quốc hội không yên tâm. Bởi nếu không có cơ quan độc lập để quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp, thì theo phân tích của đại biểu Phạm Huy Hùng, sẽ dễ sinh ra lợi ích nhóm.

Ông Hùng đề nghị ghi trực tiếp trong luật cho thành lập tổng cục quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp trực thuộc Chính phủ, trên cơ sở nâng cấp Tổng công ty Đầu tư và Kinh doanh vốn Nhà nước (SCIC) hiện nay, là cơ quan đại diện chủ sở hữu vốn nhà nước trong việc quản lý toàn bộ vốn nhà nước đầu tư vào doanh nghiệp, cả hai cấp gồm các doanh nghiệp Trung ương và các doanh nghiệp địa phương.

Giải pháp này, theo lập luận của ông Hùng, là tránh cơ hội nảy sinh lạm dụng quyền lực để chi phối cả chế tài quản trị tài chính, nhân sự, can thiệp thao túng mọi hoạt động của doanh nghiệp.

“Chúng ta xây dựng luật, mà chưa định hình một mô hình về quản lý trong tương lai”, đại biểu Trần Du Lịch nhìn nhận, và nhấn mạnh là ông rất tiếc về điều này.

Bởi vẫn theo mô hình tại dự thảo luật thì “không biết nay mai đại diện sở hữu là Chính phủ điều hành theo kiểu gì” còn Quốc hội thì chỉ nhận được báo cáo vào cuối năm.

Từ kinh nghiệm của nhiều nước khác, ông Lịch đặt vấn đề tại sao không mở luật này theo hướng: trong tương lai sẽ có khoảng 3 đến 5 tập đoàn kinh tế nhà nước lớn mà điều lệ là đạo luật và hàng năm báo cáo trực tiếp Quốc hội, chứ không phải giao hết cho Chính phủ.

Doanh nghiệp nhà nước muốn thực hiện được 4 chức năng quy định tại dự thảo luật thì phải gắn liền với chiến lược, kế hoạch kinh tế, xã hội mà Quốc hội quyết qua 5 năm, hàng năm. Và chiến lược định hướng phát triển của Quốc hội vào ngành nào, lĩnh vực nào thì Quốc hội quyết định sẽ đầu tư vào đó, ông Lịch phân tích.

Để Quốc hội tránh được sự thụ động như hiện nay, đại biểu Lịch đề nghị phải chế định làm sao để trong tương lai, một số tập đoàn kiểu như Telsa của Úc, như Petronas của Malaysia... hàng năm báo cáo Quốc hội, và Quốc hội sẽ quyết để lại tiền  hay là lấy về đầu tư mới, thậm chí là bổ sung tiền cho các tập đoàn đó.

Cũng băn khoăn về mô hình đại diện chủ sở hữu, đại biểu Ngô Văn Minh nói, chủ trương tách chức năng quản lý nhà nước ra khỏi sản xuất, kinh doanh đã có từ lâu nhưng tại sao không làm được?

“Tôi nghĩ lớn nhất là cái đó. Tại sao chúng ta không tiếp thu, không nghiên cứu ý này mà cứ đổ qua, đổ về. Cái lớn nhất chúng ta làm không được thì luật này khi ra không giải quyết được vấn đề gì cả?”, ông Minh sốt ruột.

Đề cập quan điểm của Ủy ban Thường vụ Quốc hội là giao Chính phủ nghiên cứu, đề xuất mô hình đại diện chủ sở hữu cho phù hợp, đại biểu Trịnh Ngọc Phương nói, ông thấy chưa an toàn.

Theo đại biểu Phường thì Thủ tướng thực hiện quyền, trách nhiệm của đại diện chủ sở hữu tại doanh nghiệp do mình quyết định thành lập là không phù hợp.

Đồng tình với nhiều ý kiến khác, đại biểu Trần Hoàng Ngân cũng cho rằng rất cần một cơ quan chuyên môn quản lý tập trung nguồn vốn Nhà nước khoảng 1 triệu tỷ đồng, đang nằm trong doanh nghiệp Nhà nước.

Theo ông Ngân, cơ quan chuyên môn đó chịu trách nhiệm trước 90 triệu cổ đông là 90 triệu người dân, và Quốc hội sẽ là cơ quan đại diện cho người dân để giám sát khoản vốn Nhà nước đó.

"Rất cần hình thành nên một tổng cục quản lý vốn, và cơ quan này sẽ tính toán nên đầu tư vào ngành nào, nên đầu tư vào loại hình nào, ở thời gian nào chứ không phải hôm nay đầu tư ngành này, rồi chúng ta lại yêu cầu phải chuyển nhanh sang ngành khác ngay", ông Ngân nói.

“Chúng tôi sẽ nghiên cứu lại để xem nên hình thành mô hình là một cơ quan quản lý nhà nước, hay là một cơ quan giám sát về quản lý, sử dụng vốn nhà nước và doanh nghiệp, và sẽ báo cáo lại Quốc hội”, Phó chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân gói lại vấn đề đã và đang còn nhiều ý kiến khác nhau.