18:31 10/02/2011

Quốc hội khóa 13: Tỷ lệ đại biểu ngoài Đảng có thể tới 20%

Nguyên Hà

Thông tin từ hội nghị toàn quốc về bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ tới

Tổng bí thư, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Phú Trọng phát biểu tại Hội nghị - Ảnh Chinhphu.vn
Tổng bí thư, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Phú Trọng phát biểu tại Hội nghị - Ảnh Chinhphu.vn
Không thể vì cơ cấu mà quên tiêu chuẩn, hoặc khó bố trí thì đưa sang làm đại biểu, Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng nhấn mạnh tại hội nghị toàn quốc về bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ tới, ngày 10/2 tại Hà Nội.

Được nhìn nhận là vấn đề khó của nhiều cuộc bầu cử, đảm bảo cơ cấu cũng là băn khoăn của không ít ý kiến thảo luận tại hội nghị này.

Theo Trưởng ban Công tác đại biểu Phạm Minh Tuyên thì tỷ lệ đại biểu ngoài Đảng trong Quốc hội khóa 13 sẽ chiếm khoảng từ 15 - 20%; đại biểu nữ khoảng 30%; trẻ tuổi (từ 40 tuổi trở xuống) khoảng 30%... Đại biểu chuyên trách ở Trung ương sẽ tăng lên về số lượng.

Một vị đại biểu tham dự hội nghị đến từ Quảng Ngãi đã tỏ ra rất băn khoăn khi tỉnh này được bầu 7 đại biểu Quốc hội, trong đó đại biểu Trung ương về ứng cử là 3 (khóa trước là 2). Bốn vị còn lại thì hai vị trong cơ cấu cứng (lãnh đạo chủ chốt của tỉnh và đại biểu chuyên trách) thì khả năng trúng cử cao nhưng thường là lớn tuổi.

Như vậy chỉ còn hai ứng cử viên phải “gánh” các cơ cấu bao gồm cả nữ, tuổi trẻ, dân tộc thiểu số, ngoài Đảng… Nếu không hướng dẫn kỹ thì rất khó khả thi, không thể thực hiện được, vị đại biểu này lo ngại.

Tiếp sau ý kiến này, một vị đến từ Quảng Trị cũng cho rằng nhiều nội dung biết là không thể làm được nhưng cuộc bầu cử nào cũng được nêu ra. Ví dụ như tỷ lệ đại biểu nữ hay đại biểu ngoài Đảng.

Nếu hội đồng nhân dân có 50 người mà tỷ lệ ngoài Đảng lên tới 20%, tức là 10 người, thì chắc chắn không thể thực hiện được, giỏi lắm chỉ được 2 đến 3 đại biểu thôi, vị này quả quyết.

Thừa nhận thực hiện được như cơ cấu dự kiến là rất khó, song Trưởng ban Công tác đại biểu của Quốc hội, ông Phạm Minh Tuyên chia sẻ rằng “biết nhưng không bố trí khác được”.

Ví dụ được ông Tuyên dẫn ra là đại biểu của một số bộ và khối công tác chính phủ đã là “chỉ tiêu cứng” và không có người trẻ. Đại biểu Trung ương giới thiệu về địa phương là không có số dư nên số dư để bầu tỉnh phải “gánh” cả.

Đúng là một số tỉnh không thể đáp ứng nhưng quá trình thực hiện thì cân nhắc linh hoạt, ông Tuyên nói.

Cùng quan điểm khó thực hiện được cơ cấu như dự kiến, Bộ trưởng Bộ Nội vụ Trần Văn Tuấn cho rằng, khó nhưng không thể không nêu. Và sẽ tiếp thu ý kiến thảo luận để điều chỉnh phù hợp hơn.

Phát biểu kết thúc hội nghị, Tổng bí thư, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Phú Trọng nhấn mạnh vấn đề đảm bảo tiêu chuẩn kết hợp hợp lý với cơ cấu trong bầu cử, vì cơ cấu có nhiều điểm rất khó.

Nhưng “không nên quá chú trọng vào cơ cấu mà quên tiêu chuẩn, mấu chốt nhất là bầu được đại biểu thế nào”, Tổng bí thư nói.

Cũng theo Tổng bí thư, cơ cấu thế nào cũng phải đảm bảo tiêu chuẩn, tránh tình trạng khó bố trí thì đưa sang hội đồng nhân dân, sang cơ quan dân cử.

Năm nay, cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội khóa 13 và đại biểu hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2011 - 2016 lần đầu tiên được tổ chức cùng một ngày (Chủ Nhật, 22/5/2011).

Theo kế hoạch, ngày 27/4, Hội đồng Bầu cử lập và công bố danh sách những người ứng cử theo từng đơn vị bầu cử trong cả nước theo danh sách chính thức do Ban thường trực Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và Ủy ban Bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu hội đồng nhân dân cấp tỉnh gửi đến.

Nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội cũng nêu rõ, sẽ không tổ chức bầu cử đại biểu hội đồng nhân dân huyện, quận, phường ở các địa phương đang thực hiện thí điểm.