Quốc hội sẽ bầu đương kim Thủ tướng làm Chủ tịch nước
Kỳ họp 11 Quốc hội khóa 14 sẽ dành 7 ngày để kiện toàn 25 chức danh lãnh đạo Nhà nước
Sáng 23/3, tại họp báo về dự kiến Chương trình kỳ họp thứ 11, Quốc hội khóa 14, Tổng thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc Nguyễn Hạnh Phúc đã thông tin về chương trình dự kiến và nội dung của kỳ họp.
Kỳ họp thứ 11 Quốc hội khóa 14 sẽ khai mạc vào ngày 24/3 tại Nhà Quốc hội, Thủ đô Hà Nội. Dự kiến, Quốc hội sẽ họp tập trung trong thời gian 12 ngày (dự kiến bế mạc vào ngày 8/4).
7 NGÀY ĐỂ KIỆN TOÀN 25 CHỨC DANH LÃNH ĐẠO NHÀ NƯỚC
Tại kỳ họp này, Quốc hội sẽ dành khoảng 7 ngày để xem xét, quyết định về công tác nhân sự Nhà nước. Do sau Đại hội Đảng lần thứ 13, nhiều vị lãnh đạo chủ chốt của Nhà nước đã không tái cử Ban Chấp hành Trung ương và Bộ Chính trị đã phân công nhiệm vụ mới với một số Ủy viên Bộ Chính trị, Ban Bí thư và một số Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương.
Phó Chủ nhiệm Văn Phòng Quốc hội Vũ Minh Tuấn cho biết thêm, thời gian qua, Bộ Chính trị đã tiến hành xem xem xét cẩn trọng cơ sở pháp lý và cơ sở thực tiễn của việc kiện toàn các chức danh lãnh đạo các cơ quan Nhà nước ngay sau Đại hội của Đảng. Theo đó, thống nhất cao rằng cần sớm kiện toàn sắp xếp lại các chức danh lãnh đạo các cơ quan Nhà nước một cách đồng bộ, đáp ứng kịp thời yêu cầu triển khai tổ chức thực hiện Nghị quyết Đại hội lần thứ 13 của Đảng.
Bộ Chính trị cũng đề nghị Trung ương cho thực hiện kiện toàn các chức danh lãnh đạo các cơ quan Nhà nước tại kỳ họp thứ 11, Quốc hội khóa 14 theo quy định của Đảng và pháp luật của Nhà nước.
Trả lời câu hỏi của truyền thông về công tác nhân sự, Tổng Thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc cho biết, tại kỳ họp này, Quốc hội chỉ kiện toàn một số chức danh lãnh đạo Nhà nước chứ không phải kiện toàn tất cả và đây là kiện toàn cho khoá 14. Sau khi cuộc bầu cử diễn ra, đến tháng 7/2021, Quốc hội sẽ tiếp tục kiện toàn nhân sự cho khoá 15 và việc tuyên thệ diễn ra bình thường theo quy định.
"Một người khi giữ chức Chủ tịch nước, Thủ tướng, Chủ tịch Quốc hội thì phải tuyên thệ, đó là Hiến định. Có thể một người sắp tới đây được bầu là Chủ tịch nước của khoá 14 và đầu khoá sau tiếp tục được bầu giữ chức vụ này thì vẫn tuyên thệ nhậm chức. Việc kiện toàn nhân sự sớm nhằm đảm bảo các vị trí nhanh chóng triển khai thực hiện nhiệm vụ, phát huy vai trò, triển khai Nghị quyết của Đảng vào cuộc sống. Tổng số có 25 chức danh được kiện toàn tại kỳ họp này", Tổng Thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc, thông tin.
Tại họp báo, trả lời câu hỏi của truyền thông về việc Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc sẽ được giới thiệu để bầu làm Chủ tịch nước, Tổng Thư ký Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc cho biết: "Đây là lần đầu tiên đương kim Thủ tướng được giới thiệu bầu làm Chủ tịch nước".
"Theo quy trình, về mặt kỹ thuật, nếu tuần tự bầu, Chủ tịch nước phải miễn nhiệm Thủ tướng trước, thì Quốc hội mới tiến hành các bước sau", ông Phúc cho biết.
Theo dự kiến chương trình, Quốc hội sẽ tiến hành miễn nhiệm Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân; đồng thời bầu nhân sự thay thế giữ các chức danh này bằng hình thức bỏ phiếu kín.
Quốc hội cũng sẽ tiến hành bầu, miễn nhiệm các chức danh lãnh đạo các cơ quan Nhà nước, bao gồm: Phó Chủ tịch nước, một số Phó Chủ tịch Quốc hội và Chủ nhiệm Ủy ban của Quốc hội, Tổng Kiểm toán Nhà nước, Tổng Thư ký Quốc hội, một số Phó Thủ tướng, Bộ trưởng và thành viên khác của Chính phủ.
Bên cạnh đó, Quốc hội sẽ miễn nhiệm, bầu mới Chủ tịch Hội đồng Bầu cử quốc gia, một số Ủy viên Hội đồng Bầu cử quốc gia cũng như Phó Chủ tịch và một số Ủy viên Hội đồng Quốc phòng và an ninh.
Đề cập về người ứng cử đại biểu Quốc hội khóa 15, đặc biệt là các đại biểu chuyên trách, Phó Trưởng ban Công tác đại biểu của Ủy ban Thường vụ Quốc hội Nguyễn Tuấn Anh cho biết, cử tri cả nước mong muốn Quốc hội khóa mới bầu được những đại biểu xứng đáng.
"Hiện nay, danh sách người ứng cử đại biểu Quốc hội vẫn đang trong quá trình hiệp thương lần thứ ba trước khi công bố danh sách. Vì thế, những kiến nghị liên quan đến người ứng cử vẫn được Hội đồng Bầu cử quốc gia tiếp nhận, tiếp thu để có một Quốc hội khóa 15 đổi mới, đáp ứng được yêu cầu của cử tri", ông Nguyễn Tuấn Anh cho biết.
XEM XÉT, QUYẾT ĐỊNH NHIỀU VẤN ĐỀ QUAN TRỌNG CỦA ĐẤT NƯỚC
Ngoài công tác nhân sự, tại kỳ họp này, Quốc hội sẽ dành thời gian khoảng 0,5 ngày để xem xét, thông qua dự án Luật Phòng, chống ma túy (sửa đổi). Dự án Luật này đã được Quốc hội xem xét, cho ý kiến tại kỳ họp thứ 10, Quốc hội khóa 14.
Tiếp đó, Quốc hội dành khoảng 4,5 ngày để thảo luận dự thảo báo cáo công tác nhiệm kỳ khóa 14 của Quốc hội; xem xét các báo cáo công tác nhiệm kỳ 2016-2021 của: Chủ tịch nước, Chính phủ, Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Hội đồng Dân tộc, các Ủy ban của Quốc hội, Tòa án nhân dân tối cao, Viện kiểm sát nhân dân tối cao, Kiểm toán nhà nước. Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam báo cáo tổng hợp ý kiến, kiến nghị của cử tri và Nhân dân gửi đến kỳ họp thứ 11, Quốc hội khóa 15.
Ủy ban Thường vụ Quốc hội báo cáo kết quả giám sát việc giải quyết kiến nghị của cử tri gửi đến kỳ họp thứ 10, Quốc hội khóa 14; Hội đồng Bầu cử Quốc gia báo cáo kết quả hoạt động từ khi thành lập đến tháng 3/2021.
Đồng thời, xem xét, quyết định số lượng đại biểu hoạt động chuyên trách của Hội đồng nhân dân thành phố Hà Nội nhiệm kỳ 2021-2026. Xem xét, thông qua Nghị quyết kỳ họp thứ 11, Quốc hội khóa 14 (trong đó có nội dung quy định số lượng đại biểu hoạt động chuyên trách của Hội đồng nhân dân thành phố Hà Nội nhiệm kỳ 2021-2026).
Kỳ họp thứ 11, Quốc hội khóa 14 diễn ra trong bối cảnh toàn Đảng, toàn dân và toàn quân đang tích cực triển khai Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ 13 của Đảng và công tác chuẩn bị cho cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội khóa 15 và bầu cử đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp, nhiệm kỳ 2021-2026. Đây là kỳ họp cuối cùng của Quốc hội khóa 14.