10:22 26/05/2014

Quốc hội thảo luận theo lối mòn, đại biểu sốt ruột

Nguyên Thảo

Quốc hội có thực sự đổi mới cách thức thảo luận hay không, xem ra không chỉ phụ thuộc vào Ủy ban Thường vụ Quốc hội

Một phiên thảo luận tại hội trường của Quốc hội khóa 13&nbsp; - Ảnh : CTV<br>
Một phiên thảo luận tại hội trường của Quốc hội khóa 13&nbsp; - Ảnh : CTV<br>
"Tôi rất tha thiết mong Ủy ban Thường vụ Quốc hội đổi mới cách điều hành thảo luận về kinh tế xã hội để quyết được những vấn đề có tầm", đại biểu Nguyễn Thị Quyết Tâm (Tp.HCM) phát biểu tại phiên thảo luận tổ cuối tuần qua.

Đại biểu Tâm cũng thể hiện rõ sự sốt ruột khi đây là đề nghị được bà nêu đã rất nhiều lần, nhưng chưa được chủ tọa kỳ họp tiếp thu.

Theo bà, các phiên thảo luận tại hội trường về kinh tế, xã hội vẫn dàn đều với cách lần lượt mời phát biểu theo danh sách đăng ký, có ưu tiên cho đủ đại diện các địa phương. Và, tất cả các đại biểu khác cứ ngồi nghe ý kiến lặp đi lặp lại. Vì phát biểu chuẩn bị sẵn nên khi người trước đã phát biểu trùng nội dung thì cũng không có thời gian chuẩn bị lại nữa nên cũng đành nói theo nội dung đã có sẵn.

“Rất trân trọng chuẩn bị của từng đại biểu nhưng đã có thảo luận tổ rồi nên ra hội trường vẫn dàn đều là không đạt yêu cầu, không mổ xẻ được vấn đề trọng tâm”, bà Tâm nhấn mạnh.

Bởi vậy, bà cho rằng rất cần phải đổi mới cách điều hành theo hướng chỉ chọn vài vài vấn đề trọng tâm để bàn thảo, tranh luận cho sáng tỏ, sau đó đưa ra quyết sách đúng tầm.

Quốc hội đặt ra yêu cầu với Chính phủ nhưng phải giúp Chính phủ tìm ra giải pháp mang tính thực tiễn cao, có giá trị cho công tác điều hành chứ mình chỉ phê bình không thôi thì không ổn, chỉ trích phê bình không phải mục tiêu của Quốc hội, bà Tâm thể hiện rõ quan điểm.

Nhiều vị đại biểu được VnEconomy tham vấn cũng đồng tình cao với ý kiến của đại biểu Tâm.

Không chắc chắn lắm về việc sẽ có đổi mới cách điều hành thảo luận, song đại biểu Bùi Thị An cho rằng không nên duy trì theo cách hiện nay, bởi nghị trường là tranh luận.

Cũng theo đại biểu An, trong một ngày thảo luận tại hội trường thì trước tiên Quốc hội cần mổ xẻ để chuẩn lại các con số thì mới có thể đánh giá đúng tình hình từ đó “chẩn bệnh” cho thật chính xác.

Hiện nay quản lý nhà nước trong tất cả các ngành đều kém, chỉ có ngành giao thông là khá hơn, bà An nhận xét.

Đồng tình với nhiều ý kiến khác tại các tổ thảo luận, nữ đại biểu đoàn Hà Nội cho rằng đây là lúc cần đánh giá mức độ lệ thuộc của nền kinh tế Việt Nam vào nước ngoài  nói chung và đặc biệt là Trung Quốc nói riêng.

Bà cũng cho biết đã đề nghị Chính phủ báo cáo với Quốc hội các vấn đề thật cụ thể về giao thương với nước ngoài ở khu vực biên giới và các công trình lớn mà nước ngoài trúng thầu.

Nếu đổi mới được như đại biểu Tâm nói thì quá tốt, Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội Đà Nẵng, ông Huỳnh Nghĩa thể hiện quan điểm.

Nhận định ảnh hưởng từ việc Trung Quốc đặt dàn khoan với nền kinh tế trong nước sẽ còn  lâu dài, ông Nghĩa cho rằng ở phiên thảo luận tới Quốc hội cần bàn thật kỹ và ra nghị quyết về vấn đề này.

Doanh nhân Đỗ Văn Vẻ, đại biểu đoàn Thái Bình cho biết ông đề nghị không chỉ bàn thật sâu mà Quốc hội cần đưa ra nghị quyết về thúc đẩy sản xuất tiêu thụ sản phẩm Việt Nam.

Hiện nay quá nhiều thứ nhập từ Trung Quốc, nếu không thúc đẩy sản xuất và tiêu thụ hàng hóa trong nước thì nền kinh tế làm sao tăng trưởng bền vững được, ông Vẻ sốt ruột.

Vị đại biểu - doanh nhân này cũng nhất trí cao với việc không nên thảo luận theo cách dàn đều mà cần chọn một số vấn đề lớn, đang cần quyết sách kịp thời từ Quốc hội.

Thực ra, không phải đến khi lo ngại tác động lớn từ dàn khoan Hải Dương 981 đến nền kinh tế đất nước yêu cầu đổi mới hoạt động nghị trường mới được đặt ra.

Từ nhiệm kỳ trước của Quốc hội, Phó chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Nguyễn Đức Kiên (khi đó là Ủy viên Ủy ban - PV)  đã đề nghị, tại các phiên thảo luận ở hội trường về tình hình kinh tế, xã hội thì các đại biểu phải thảo luận, tranh luận với nhau để tạo ra được sự thống nhất trong nhận định, đánh giá chung về nền kinh tế cũng như công tác điều hành của Chính phủ.
 
Và khi tổng kết nhiệm kỳ khóa 12, một số vị đại biểu cũng góp ý nên điều hành thảo luận theo hướng đi đến cùng một số vấn đề lớn, chứ không nên mời phát biểu theo thứ tự đăng ký theo cách thôn lần xã lượt như lâu nay.

Đến kỳ họp giữa năm 2012, thảo luận về đề án tiếp tục đổi mới hoạt động của Quốc hội, một số vị đại biểu cho rằng, nếu đặt vấn đề nghị trường là nơi dành thời gian cho gần 500 con người thảo luận một vấn đề nào đó mà đất nước quan tâm, thì cách điều hành sẽ khác và sẽ thảo luận đến cùng, chứ không phải đến 17h sau đó viết giấy gửi lại.

Bởi, đại biểu Quốc hội đại diện cho cả nước, chứ không phải địa phương nào hết, vấn đề cử tri cả nước quan tâm thì đại biểu quan tâm và phải có trách nhiệm thảo luận đến cùng.

Thế nhưng, cũng ngay ở phiên họp đó, một số vị khác vẫn đề nghị việc điều hành các nội dung thảo luận tại hội trường phải đảm bảo sự bình đẳng trong quá trình tham gia, phát biểu của các đại biểu theo thứ tự đăng ký trên máy điện tử. Vì việc được nghe ý kiến của các vị đại biểu là đại diện cho mọi vùng miền, mọi thành phần trong xã hội là hết sức cần thiết.

Như vậy, Quốc hội có thực sự đổi mới cách thức thảo luận hay không, xem ra không chỉ phụ thuộc vào ý chí của riêng Ủy ban Thường vụ Quốc hội.