06:00 04/06/2012

Quốc hội tiếp tục mổ xẻ đề án tái cơ cấu kinh tế

Nguyên Vũ

Phiên thảo luận tại hội trường về đề án tổng thể tái cơ cấu nền kinh tế sẽ diễn ra trọn ngày thứ Sáu (8/6)

Phiên thảo luận tổ vào chiều 24/5 đã ghi nhận nhiều góp ý cho đề án tái cơ cấu kinh tế - Ảnh: TD.
Phiên thảo luận tổ vào chiều 24/5 đã ghi nhận nhiều góp ý cho đề án tái cơ cấu kinh tế - Ảnh: TD.
Có đến 3/5 ngày làm việc của kỳ họp Quốc hội thứ ba trong tuần này (4-8/6) được phát thanh truyền hình trực tiếp để cử tri cả nước cùng theo dõi.

Cả ngày thứ Ba, Quốc hội sẽ  nghe báo cáo của Ủy ban thường vụ Quốc hội giám sát việc thực hiện chính sách, pháp luật về đầu tư công cho nông nghiệp, nông dân, nông thôn và thảo luận tại hội trường về nội dung này.

Đây cũng là nội dung đã được Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét tại phiên họp tháng Tư vừa qua. Theo kết quả giám sát, giai đoạn 2006-2011, tổng vốn đầu tư công cho nông nghiệp, nông dân, nông thôn từ nguồn ngân sách nhà nước và trái phiếu Chính phủ là 432.787 tỷ đồng, bằng 49,67% tổng vốn đầu tư phát triển nguồn ngân sách nhà nước và trái phiếu Chính phủ, đáp ứng được khoảng 55-60% yêu cầu.

Và  theo nhận định của đoàn giám sát, nguồn vốn đầu tư cho nông nghiệp, nông thôn chưa tương xứng so với tỷ lệ trên 70% dân số Việt Nam gắn với nông nghiệp, nông thôn.

Vào ngày thứ Năm, phiên thảo luận ở hội trường về đánh giá bổ sung kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội và ngân sách nhà nước năm 2011, triển khai kế hoạch những tháng đầu năm 2012 cũng sẽ được phát thanh, truyền hình trực tiếp.

Thảo luận ở tổ về nội dung này, một số vị đại biểu cho rằng, nền kinh tế hiện đang “thiếu máu” và khát vốn, trong khi ngân hàng không thiếu tiền. Bên cạnh đó, tham nhũng, lãng phí vẫn là vấn nạn gây bức xúc trong nhân dân.

Nội dung đáng chú ý thứ ba được truyền trực tiếp đến cử tri trong tuần này là phiên thảo luận tại hội trường về đề án tổng thể tái cơ cấu nền kinh tế sẽ diễn ra trọn ngày thứ Sáu (8/6).

Trước đó, phiên thảo luận tổ vào chiều 24/5 về nội dung này đã ghi nhận nhiều ý kiến “phê” đề án còn chung chung, nặng về hô hào, thiếu lộ trình, giải pháp cụ thể.

Một số ý kiến đã đề nghị cần tiếp tục hoàn thiện đề án và chuẩn bị trình Quốc hội tiếp tục xem xét, thông qua tại kỳ họp thứ Tư và cần xây dựng một nghị quyết riêng của Quốc hội về đề án này.

Ở công tác lập pháp, tuần này Quốc hội sẽ thảo luận các dự án Luật Xuất bản sửa đổi, Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Luật sư; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Điện lực và  Luật Hợp tác xã (sửa đổi).

Còn ngay ngày làm việc đầu tiên trong tuần, đề án tiếp tục đổi mới, nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của Quốc hội sẽ được thảo luận tại phiên họp toàn thể.