Quỹ thực hiện chính sách tiền tệ quốc gia dùng để làm gì?
Một số mục đích để sử dụng Quỹ thực hiện chính sách tiền tệ quốc gia tại dự thảo đã không còn được nêu cụ thể
Sau thời gian lấy ý kiến đóng góp, vào ngày cuối cùng của năm 2019, Ngân hàng Nhà nước đã ban hành Thông tư 36/2019/TT-NHNN quy định về việc quản lý và sử dụng Quỹ thực hiện chính sách tiền tệ quốc gia.
Như VnEconomy đã đưa tin trước đó, với hai cơ sở pháp lý là Luật Ngân hàng Nhà nước năm 2010 và Quyết định 07/2013/QĐ-TTg ngày 24/1/2013 của Thủ tướng, Ngân hàng Nhà nước đã lấy ý kiến đóng góp cho dự thảo. Và điểm đáng chú ý ở đây chính là mục đích sử dụng.
Theo dự thảo, Quỹ thực hiện chính sách tiền tệ quốc gia được sử dụng chi cho các khoản phát sinh để thực hiện chính sách tiền tệ trong 7 trường hợp.
Trong đó quy định, trường hợp thứ ba là góp vốn, mua cổ phần của tổ chức tín dụng được kiểm soát đặc biệt. Trường hợp thứ tư, cấp vốn cho các doanh nghiệp đặc thù liên quan đến thực hiện chính sách tiền tệ quốc gia.
Bên cạnh đó, tại trường hợp thứ năm, quỹ này còn dùng để bù đắp khoản chênh lệch chi lớn hơn thu hàng năm của Ngân hàng Nhà nước (nếu có) do ảnh hưởng từ hoạt động điều hành chính sách tiền tệ quốc gia còn lại sau khi đã sử dụng hết Quỹ Dự phòng tài chính.
Tuy nhiên, trong Thông tư vừa được ban hành, 3 trường hợp trên đã không còn được nêu cụ thể. Ngoài ra, trường hợp thứ sáu và thứ bảy cũng đã bị gộp lại và ngắn gọn hơn.
Cụ thể, Thông tư 36/2019/TT-NHNN chính thức quy định, Quỹ thực hiện chính sách tiền tệ quốc gia được sử dụng để chi cho các khoản sau:
Một là, cho vay hỗ trợ các tổ chức tín dụng gặp sự cố ảnh hưởng đến an toàn hệ thống ngân hàng.
Hai là, cho vay đối với các tổ chức tín dụng tham gia hệ thống thanh toán để hỗ trợ hệ thống thanh toán trong trường hợp gặp sự cố đe doạ đến việc đảm bảo an toàn hoạt động thanh toán và an toàn hệ thống ngân hàng.
Ba là, các khoản phát sinh khác liên quan đến thực hiện chính sách tiền tệ đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt về chủ trương.
Ngoài ra, dự thảo về Quỹ thực hiện chính sách tiền tệ quốc gia trên cũng nêu rõ các nội dung về việc trích lập, hạch toán và quản lý; thẩm quyền quyết định sử dụng; trình tự, thủ tục sử dụng; trách nhiệm của các đơn vị thuộc Ngân hàng Nhà nước; tổ chức thực hiện.
Thông tư này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 20/2/2020.