15:18 18/02/2011

Ra mắt Cục Kiểm soát thủ tục hành chính

Anh Minh

Cục Kiểm soát thủ tục hành chính chính thức ra mắt vào ngày 19/2, sau một thời gian xây dựng và ổn định tổ chức

Cuộc chiến với “thủ tục hành chính” đã đạt được tiến bộ đáng kể trong năm 2010.
Cuộc chiến với “thủ tục hành chính” đã đạt được tiến bộ đáng kể trong năm 2010.
Cục Kiểm soát thủ tục hành chính chính thức ra mắt vào ngày 19/2, sau một thời gian xây dựng và ổn định tổ chức.

Theo quyết định được Thủ tướng Chính phủ ký ban hành ngày 22/11, Cục Kiểm soát thủ tục hành chính là đơn vị trực thuộc Văn phòng Chính phủ, có chức năng giúp Bộ trưởng - Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ tham mưu cho Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ trong việc kiểm soát thủ tục hành chính; tổ chức thực hiện việc kiểm soát thủ tục hành chính, quản lý cơ sở dữ liệu quốc gia về thủ tục hành chính trong phạm vi cả nước theo quy định của pháp luật.

Cục có 19 nhiệm vụ, quyền hạn cụ thể như: giúp Bộ trưởng - Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ tham gia ý kiến đối với quy định về thủ tục hành chính trong dự thảo văn bản quy phạm pháp luật; rà soát, đánh giá và xử lý kết quả rà soát, đánh giá về thủ tục hành chính; tiếp nhận, xử lý phản ánh, kiến nghị của cá nhân, tổ chức về quy định hành chính liên quan đến hoạt động kinh doanh và đời sống nhân dân.

Ông Ngô Hải Phan, nguyên Phó vụ trưởng Vụ Cải cách hành chính thuộc Văn phòng Chính phủ, đã được bổ nhiệm làm Cục trưởng Cục kiểm soát thủ tục hành chính.

Cuộc chiến với “thủ tục hành chính” đã đạt được tiến bộ đáng kể trong năm 2010, khi Đề án 30 đã được triển khai và đạt được những kết quả bước đầu rất đáng ghi nhận.

Đến thời điểm hiện tại, Đề án 30 đã được triển khai đồng loạt tại các bộ, ngành, địa phương, đã huy động được sự vào cuộc của tất cả các cơ quan hành chính từ Trung ương đến địa phương, bao gồm hơn 10.000 đơn vị cấp xã, khoảng 700 đơn vị cấp huyện, 1.300 sở, ngành cấp tỉnh, 400 vụ, cục, đơn vị trực thuộc bộ, cơ quan ngang bộ.

Hội đồng tư vấn cải cách thủ tục hành chính đã xây dựng được bộ cơ sở dữ liệu quốc gia về thủ tục hành chính áp dụng tại bốn cấp chính quyền với hơn 5.700 thủ tục hành chính, trên 9.000 văn bản quy định; đồng thời chuẩn hóa thu gọn từ 10.000 bộ thủ tục cấp xã, 700 bộ thủ tục hành chỉnh cấp huyện xuống còn 63 bộ thủ tục hành chính cấp xã và 63 bộ thủ tục hành chính cấp huyện tại 63 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương để thống nhất thực hiện tại từng địa phương.

Theo báo cáo môi trường kinh doanh năm 2011 của Ngân hàng Thế giới (WB) công bố ngày 4/11/2010, thông qua hoạt động cải cách đã đưa Việt Nam vào nhóm 10 nền kinh tế có nhiều sự cải thiện môi trường kinh doanh nhất và tăng 10 bậc trong bảng xếp hạng các nền kinh tế (đứng thứ 78 trong số 183 nền kinh tế). Tổ chức Hợp tác và Phát triển kinh tế (OECD) đánh giá Đề án 30 của Việt Nam như một điểm sáng về cải cách và mở ra hợp tác giữa OECD với các nước ASEAN trong lĩnh vực cải cách thể chế.

Hiện tại, Chính phủ đã hoàn thành giai đoạn 2 của Đề án 30 và đã ban hành 24 nghị quyết, thông qua phương án đơn giản hóa gần 5.000 thủ tục hành chính còn lại thuộc phạm vi chức năng quản lý của 24 bộ, ngành, làm cơ sở để thực thi phương án đơn giản hóa các thủ tục hành chính này.

Theo tính toán sơ bộ của Tổ công tác chuyên trách cải cách thủ tục hành chính của Thủ tướng, dự kiến sẽ tiếp tục đơn giản hóa 4.818 thủ tục hành chính (bãi bỏ 480 thủ tục hành chính, sửa đổi 4.146 thủ tục hành chính, thay thế 192 thủ tục hành chính) trên tổng số 5.421 thủ tục hành chính được rà soát, bảo đảm nguyên tắc cắt giảm tối đa chi phí tuân thủ, tạo thuận lợi cho người dân và doanh nghiệp nhưng phải bảo đảm mục tiêu quản lý của nhà nước.
 
Nếu phương án đơn giản hóa này được thực thi trên thực tế, dự kiến sẽ cắt giảm 37,31% chi phí tuân thủ thủ tục hành chính cho người dân và doanh nghiệp, ước đạt gần 30.000 tỷ đồng mỗi năm.

Dự kiến các cơ quan Trung ương phải sửa đổi 1.016 văn bản bao gồm 42 luật, 12 pháp lệnh, 1 nghị quyết của Quốc hội, 183 nghị định, 37 quyết định của Thủ tướng, 313 quyết định của Bộ trưởng, 336 thông tư và 93 văn bản khác và địa phương phải sửa đổi khoảng 3.000 văn bản (ước tính mỗi tỉnh sửa khoảng 50 văn bản).