16:04 13/01/2009

Rolls-Royce, chuyện ngoài sản xuất ôtô

Mai Phương

Rolls-Royce từ lâu nổi tiếng với những chiếc xe hơi sang trọng bậc nhất, nhưng động cơ máy bay mới là sản phẩm chính của hãng

Động cơ Rolls-Royce trên một chiếc Airbus A380.
Động cơ Rolls-Royce trên một chiếc Airbus A380.
Bên trong trung tâm điều hành toàn cầu của hãng Rolls-Royce tại Derby, Middland, Anh là vô số màn hình TV phát các kênh thông tin 24/24h, hàng loạt màn hình máy tính và đồng hồ cho biết thời gian ở khắp nơi trên thế giới, khiến người ta có cảm giác nơi đây giống như một sàn giao dịch tiền tệ.

Chỉ cần một chiếc máy bay sử dụng động cơ của Rolls-Royce đang di chuyển trên khoảng trời bị sét đánh ngang qua, hàng loạt dữ liệu ngay lập tức sẽ được chuyển về trung tâm này để các chuyên gia phân tích và kết luận xem động cơ có an toàn không để máy bay có thể hạ cánh đúng lúc nếu cần thiết.

Cách trung tâm điều hành không xa, trong những công xưởng ồn ào tiếng máy móc đang làm việc là nơi những động cơ máy bay khổng lồ của Rolls-Royce ra đời.

Rolls-Royce từ lâu nổi tiếng với những chiếc xe hơi sang trọng bậc nhất, nhưng động cơ máy bay mới là sản phẩm chính của hãng.

Những con số ấn tượng

Sự phát triển thịnh vượng của Rolls-Royce tương phản hoàn toàn với những khó khăn kinh tế hiện nay mà nước Anh đang phải đối mặt, cũng như sự đi xuống của ngành sản xuất công nghiệp của nước này.

Trong vòng khoảng hai thập kỷ qua, Roll-Royce đã chuyển mình từ một doanh nghiệp Anh làm ăn thua lỗ trở thành hãng chế tạo động cơ máy bay phản lực lớn thứ hai thế giới. Doanh thu của hãng đã tăng gần gấp đôi trong vòng 1 thập kỷ kể từ khi ông John Rose nhậm chức CEO của hãng.

Trước đây, Anh là nước đi đầu thế giới trong cách mạng công nghiệp, tuy nhiên, vị thế của nước này trong ngành công nghiệp thế giới hiện đã giảm sút mạnh. Sản lượng công nghiệp của Anh vẫn tăng trưởng liên tục, nhưng tỷ trọng của ngành này trong GDP lại giảm xuống. Tỷ lệ nhân lực trong ngành sản xuất công nghiệp cũng đi xuống. Hiện chỉ còn một số nhỏ những công ty sản xuất công nghiệp còn tồn tại, trong đó một số lại phụ thuộc vào Chính phủ, như hãng công nghiệp quốc phòng BAE Systems. Nhiều hãng khác thì lại hoàn toàn là sở hữu của các cổ đông nước ngoài.

Hiện Anh vẫn là nước xuất khẩu hàng hóa lớn thứ 8 trên thế giới, nhưng thị phần hàng hóa của Anh trên thị trường toàn cầu đã giảm xuống mức khoảng 3%, rất nhỏ so với Mỹ, Trung Quốc và Đức. Tuy nhiên, Rolls-Royce lại rất thành công ở thị trường bên ngoài. 85% doanh thu của Rolls-Royce là từ xuất khẩu.

Hiện có khoảng một nửa số máy bay phản lực chở khách cỡ lớn đời mới nhất trên thế giới và một phần tư số máy bay một hành lang được xuất xưởng hàng năm được gắn động cơ của Rolls-Royce. Tại hội chợ hàng không Farnborough 2008, giá trị số đơn đặt hàng mà Rolls-Royce nhận được lên tới con số 9,3 tỷ USD, nhiều gấp rưỡi so với tổng giá trị đơn đặt hàng 6 tỷ USD mà cả hai đối thủ chính của hãng là Pratt & Whitney và GE đạt được ở hội chợ này.

Ở những lĩnh vực khác, Rolls-Royce thậm chí còn tăng trưởng nhanh hơn. Doanh thu từ mảng hàng hải của hãng đang tăng với tốc độ cao gấp đôi ở thời điểm 2002. Hiện thiết bị của Rolls-Royce cung cấp đã được lắp đặt cho 30.000 con tàu trên khắp thế giới.

Tháng 7/2008, hãng còn bắt tay tham gia vào lĩnh vực hạt nhân dân sự nhằm nắm  bắt thời cơ từ làn sóng đầu tư vào xây dựng nhà máy điện hạt nhân trên toàn thế giới. Dự báo, tới năm 2023, hoạt động xây dựng nhà máy điện hạt nhân mới trên toàn cầu sẽ đem lại doanh thu mỗi năm 75 tỷ USD.

Ngoài ra, Rolls-Royce còn nuôi hy vọng bán các kỹ năng mà hãng đã phát triển được đối với các loại tàu ngầm hạt nhân được đóng riêng cho Hải quân Hoàng gia Anh. Lĩnh vực quốc phòng của Rolls-Royce chiếm tới 1/5 doanh thu của hãng, so với mức 3/5 trong thời gian xảy ra Chiến tranh lạnh.

Lĩnh vực kinh doanh đa dạng như vậy có thể giúp đem lại cho Rolls-Royce một nguồn tiền mặt ổn định trong bối cảnh kinh tế thế giới tăng trưởng chậm lại buộc các hãng hàng không phải cắt giảm hoạt động mua máy bay mới. Những khó khăn của ngành hàng không đã buộc Rolls-Royce cắt giảm một số việc làm, nhưng với những tiến bộ về công nghệ và dịch vụ mà hãng đã đạt được, người ta có thể hoàn toàn tin tưởng rằng, hãng sẽ vượt qua những khó khăn kinh tế hiện nay dễ dàng hơn các đối thủ khác.

Những tiến bộ vượt bậc về kỹ thuật

Trước hết, cần nói tới chiến thắng của Rolls-Royce trong cuộc đua chế tạo cánh turbine (turbine blade), một bộ phận nhỏ bé, nhưng cực quan trọng và vô cùng khó chế tạo của động cơ máy bay.

Mỗi chiếc cánh turbine chỉ có kích thước bằng một con dao ăn, nhưng có giá tới 10.000 USD. Sở dĩ cánh turbine khó chế tạo là vì bộ phận này phải chịu nhiệt độ rất cao, lên tới 1.600 độ C, và áp suất rất lớn.

Chế tạo được cánh turbine được xem là tấm vé vào cửa trong ngành công nghiệp chế tạo động cơ máy bay. Cả hai đối thủ chính của Rolls-Royce là Pratt & Whitney và GE đều đã rất sành sỏi trong lĩnh vực này. Trong lĩnh vực đầy tính  cạnh tranh này, chỉ một tiến bộ nhỏ của một hãng chế tạo sẽ được các đối thủ khác theo kịp chỉ trong vòng 1 - 2 năm.

Một cuộc điều tra đã được tiến hành trong vòng 40 năm qua cho thấy, mỗi hãng trong 3 hãng sản xuất động cơ máy bay hàng đầu thế giới đều đã lần lượt đạt được sự dẫn đầu về công nghệ, nhưng chẳng hãng nào giữ được “ngôi vương” trong 1 thập kỷ.

Chiến thắng của Rolls-Royce không phải là nhờ chế tạo ra một động cơ phản lực tốt hơn chút ít so với của các đối thủ khác và giành ưu thế công nghệ trong ngắn hạn, mà là tạo ra một loại động cơ hoàn toàn khác biệt.

Cho tới cuối thập niên 1960, thị trường động cơ máy bay phản lực cỡ lớn vẫn nằm dưới sự thống trị của hãng Pratt & Whitney với thị phần khoảng 90%. Khi đó, Rolls-Royce chỉ chiếm một thị phần nhỏ và chủ yếu sản xuất động cơ cho các hãng chế tạo máy bay của châu Âu. Dần dần, các hãng máy bay của châu Âu bị các đối thủ lớn của Mỹ - với ưu thế thị trường nội địa lớn và những đơn đặt hàng lớn từ quân đội - thâu tóm. Rolls-Royce nhận thấy rằng, trừ phi họ chế tạo được một động cơ phản lực cỡ lớn phù hợp với những máy bay do Mỹ sản xuất, doanh thu của hãng có thể trở về con số không trong vòng một thập kỷ.

Để làm được điều này, Rolls-Royce đã đánh cược tất cả những gì họ có vào hai công nghệ mang tính cách mạng. Công nghệ thứ nhất là sử dụng hợp kim carbon để sản xuất cánh quạt máy bay (fan blade) có trọng lượng nhẹ hơn rất nhiều so với các loại cánh quạt làm bằng kim loại thời đó. Công nghệ thứ hai là thay đổi kiến trúc cơ bản của động cơ phản lực bằng cách sử dụng ba trục thay vì chỉ hai trục.

Hai sự thay đổi này hóa ra khó khăn và tốn kém hơn nhiều so với những gì mà Rolls-Royce hình dung ban đầu. Cánh quạt bằng composite vỡ tan khí gặp phải mưa đá hay bị chim chóc va phải. Rốt cục, hãng phải từ bỏ ý tưởng này và trở về với cánh quạt làm bằng kim loại. Sau đó, hàng loạt những mục tiêu không đạt được đã khiến Rolls-Royce cạn vốn và bị Chính phủ Anh quốc hữu hóa vào năm 1971.

Tuy nhiên, thất bại trên lại chính là cơ sở cho sự ra đời của một thế hệ động cơ mới và thành công. Những loại động cơ này phức tạp hơn trong việc thiết kế, chế tạo và bảo trì so với động cơ  của các đối thủ khác, nhưng lại sử dụng nhiên liệu hiệu quả hơn và có độ bền cao hơn. Quan trọng hơn nữa, các loại động cơ này có thể điều chỉnh kích cỡ để phù hợp với các loại máy bay có kích thước to nhỏ khác nhau.

Nhờ đó, Rolls-Royce không phải thiết kế ra một loại động cơ mới mỗi khi một loại máy bay mới được đưa ra thị trường và có thể tranh thị phần trên một phạm vi rộng lớn hơn so với các đối thủ khác. Hiện Rolls-Royce là hãng duy nhất trong ba hãng chế tạo động cơ máy bay chính của thế giới có thiết kế động cơ phù hợp với cả ba loại máy bay mới nhất đang được chế tạo là Boeing 787 Dreamliner, Airbus A380 và Airbus A350. Trong số 50 hãng hàng không hàng đầu thế giới, có 45 hãng sử dụng động cơ của Rolls-Royce.

Càng bán được nhiều động cơ, Rolls-Royce càng được lợi vì điều này đồng nghĩa với việc họ sẽ càng bán được nhiều phụ tùng và cung cấp được thêm nhiều dịch vụ. Các chuyên gia ước tính, tỷ suất lợi nhuận gộp từ hoạt động nâng cấp động cơ máy bay là 35%. Một số hãng sản xuất động cơ máy bay phản lực có thể đạt doanh thu cao gấp 7 lần từ việc bảo trì và bán phụ tùng động cơ so với doanh thu từ việc bán động cơ máy bay. Có nhà phân tích còn cho rằng, Rolls-Royce và các hãng chế tạo động cơ máy bay khác thậm chí chịu lỗ khi bán động cơ.

Tuy nhiên, theo các chuyên gia trong ngành, các hãng hàng không có thể mua được một số phụ tùng động cơ của một nhà sản xuất nào đó từ một nhà sản xuất khác với giá chỉ bằng 1/3. Để tránh điều này xảy ra, Rolls-Royce đã thuyết phục các khách hàng của mình trả phí cho mỗi giờ động cơ máy bay hoạt động để động cơ được bảo trì và thay thế trong trường hợp hỏng hóc.

Đây không phải là ý tưởng của riêng Rolls-Royce, vì các hãng chế tạo động cơ lớn khác cũng có cách làm tương tự, nhưng quy mô áp dụng của Rolls-Royce thì rộng lớn hơn nhiều. Dịch vụ này của hãng đã có hơn 10 năm nay, hơn một nửa động cơ của hãng đang hoạt động và 80% động cơ được bán ra của hãng được áp dụng dịch vụ này.

Điều này dường như càng khẳng định thêm ý kiến cho rằng, nước Anh đang tập trung nhiều vào việc cung cấp dịch vụ, thay vì chỉ tập trung vào sản xuất. Trung tâm điều hành toàn cầu của Rolls-Royce tại Derby liên tục theo dõi hoạt động của 3.500 máy bay phản lực trên toàn thế giới.

Rolls-Royce hướng ngoại

Một lý do khác cho thành công của Rolls-Royce là hãng đã phát triển từ một công ty thuần Anh thành một công ty toàn cầu, khác với những hãng xe hơi của Anh khác chỉ tập trung vào thị trường nội địa. Hiện 40% nhân viên của Rolls-Royce là ở ngoài Anh, thay vì tỷ lệ 7% như cách đây hai thập kỷ. Khoảng một nửa dự án động cơ mới, cũng như 50% hoạt động nghiên cứu và phát triển, của Rolls-Royce cũng đặt ở nước ngoài. Việc đặt cơ sở ở nước ngoài giúp Rolls-Royce cạnh tranh tốt hơn với các đối thủ khác nhờ cắt giảm được chi phí.

Tuy nhiên, quá trình toàn cầu hóa sản xuất của Rolls-Royce cũng khiến nhiều người lo ngại rằng một ngày nào đó, Rolls-Royce sẽ chuyển hẳn hoạt động sản xuất ra nước ngoài.

Một trong những lý do khiến xu thế hướng ngoại của Rolls-Royce ngày càng tăng tốc là do cơ chế hỗ trợ và khuyến khích cho các doanh nghiệp của Chính phủ Anh không hấp dẫn bằng ở các nước khác. Chính phủ Anh vào năm 2001 cho Rolls-Royce vay 250 triệu Bảng để chế tạo động cơ phản lực cỡ lớn, rồi tới năm 2006 lại cấp cho một nhóm công ty do Rolls-Royce đứng đầu một khoản 47 triệu Bảng để thiết kế một loại động cơ thân thiện với môi trường.

Tuy nhiên, các nước khác lại tỏ ra hào phóng hơn đối với Rolls-Royce. Khi xây một nhà máy ở Đức mới đây, hãng nhận được lời hứa từ chính quyền địa phương sẽ chi 30% chi phí xây dựng cơ bản. Khi Rolls-Royce xây một nhà máy ở bang Virginia, Mỹ, hãng được chính quyền bang này hỗ trợ khoảng 57 triệu USD.

Bên cạnh đó, các quan chức của Rolls-Royce cũng không hài lòng về nền giáo dục Anh và phàn nàn rằng nhiều trường đại học ở nước này không chịu hợp tác với các hãng công nghiệp. Trong khi đó, bang Virginia của Mỹ khi kêu gọi Rolls-Royce đầu tư vào bang này thậm chí còn cam kết sẽ đầu tư mạnh hơn vào giáo dục mọi cấp để đem đến một lực lượng lao động có kỹ năng tốt.

Mặt khác, do lượng lao động làm trong lĩnh vực sản xuất công nghiệp ở Anh đang giảm xuống, ngày càng có ít lý do để những sinh viên ưu tú nhất theo học những ngành có liên quan tới lĩnh vực này. Rolls-Royce cho hay, lực lượng kỹ sư và lao động lành nghề mà họ có thể tuyển dụng đang co hẹp lại.

(Theo Economist)