15:33 27/08/2021

Sản lượng ôtô của Anh chạm đáy 6 thập kỷ vì thiếu chip và lao động

Đức Anh

Ngành công nghiệp ôtô đóng vai trò quan trọng với kinh tế Anh với doanh thu gần 79 tỷ Bảng (tương đương hơn 108 tỷ USD) một năm...

Tình trạng thiếu chip được dự báo sẽ còn tiếp tục kéo dài trên toàn cầu - Ảnh: Getty Images
Tình trạng thiếu chip được dự báo sẽ còn tiếp tục kéo dài trên toàn cầu - Ảnh: Getty Images

Theo CNBC, Hiệp hội Các nhà sản xuất và kinh doanh ôtô Anh (SMMT) vừa công bố dữ liệu cho thấy sản lượng ôtô của nước này sụt xuống mức thấp kỷ lục. 

Trong tháng 7, các nhà sản xuất ôtô tại Anh chỉ xuất xưởng hơn 53.400 chiếc, giảm 37,6% so với cùng kỳ năm 2020 và là mức thấp nhất kể từ năm 1956. 

Theo SMMT, cuộc khủng hoảng thiếu chip toàn cầu cộng với việc các nhà máy phải đóng cửa và thiếu lao động trong bối cảnh đại dịch Covid-19 là những nguyên nhân gây ra tình trạng này.

Dù tháng 7 là một tháng tồi tệ với ngành công nghiệp ôtô của Anh, nhưng tính từ đầu năm, sản lượng xe của nước này đạt hơn 552.300 chiếc, tăng 18,3% so với cùng kỳ năm 2020 - khi người lao động không thể tới công xưởng do các biện pháp phong tỏa phòng dịch. Tuy nhiên, so với 7 tháng đầu năm 2019 - thời điểm trước đại dịch, kết quả này vẫn thấp hơn gần 29%. 

Ông Mike Hawes, Tổng giám đốc của SMMT, cho biết những con số này “cho thấy tình hình cực kỳ khó khăn mà các nhà sản xuất ôtô của Anh đang tiếp tục phải đối mặt”. 

“Dù ảnh hưởng của sự kiện ‘pingdemic’ sẽ giảm bớt khi các quy định tự cách ly thay đổi, tình trạng thiếu chip toàn cầu vẫn chưa có dấu hiệu thuyên giảm”, ông Hawes nhận định. 

“Pingdemic” là từ ghép giữa từ “ping” (tiếng kêu tin nhắn) và “pandemic” (đại dịch), dùng để chỉ việc một người nhận được tin nhắn thông báo từ cơ quan Dịch vụ Y tế Quốc gia Anh (NHS), yêu cầu họ phải tự các ly trong một khoảng thời gian nhất định nếu họ có tiếp xúc với một bệnh nhân Covid-19. 

Tình trạng thiếu chip được dự báo sẽ còn tiếp tục kéo dài trên toàn cầu, ảnh hưởng tới hàng loạt ngành công nghiệp từ ôtô cho tới điện tử tiêu dùng. Ôtô sử dụng hàng chục con chip để điều khiển mọi thứ từ hệ thống lái, âm thanh cho tới khả năng tăng tốc…

Ngoài ra, nhu cầu chip càng tăng khi các hãng xe tại Anh đang sản xuất xe điện nhiều hơn bao giờ hết. Theo ước tính của SMMT, khoảng 26% ôtô của các hãng xe Anh được sản xuất trong tháng 7 là là xe chạy pin điện, xe lai sạc điện hoặc xe lai điện. Đây là một con số kỷ lục. Tính tổng, từ đầu năm, Anh xuất xưởng gần 127.000 xe thuộc các loại này. 

Tình trạng thiếu chip càng trầm trọng hơn bởi khi đại dịch bắt đầu, một số hãng đã hủy đơn hàng đặt mua chip trước lo ngại doanh số giảm. Nhưng doanh số ôtô lại phục hồi nhanh hơn dự kiến khiến nhiều hãng rơi vào thế khó khi không thể tiếp cận nguồn chip. 

Đầu tuần này, hãng Volvo của Thụy Điển, Volkswagen của Đức và Toyota của Nhật đều tuyên bố sẽ giảm sản lượng thêm nữa nếu không có giải pháp cấp bách giải quyết cuộc khủng hoảng thiếu chip. 

Tập đoàn công nghệ và kỹ thuật Bosch của Đức - nhà cung cấp linh kiện ôtô lớn nhất thế giới, hồi đầu tuần cũng cho biết chuỗi cung ứng chip của ngành công nghiệp ôtô giờ đây không còn đáp ứng được nhu cầu.

"Từ năm ngoái, nhu cầu chip để sản xuất mọi thứ từ ôtô, máy chơi game cho tới bàn chải đánh răng điện tăng vọt trên toàn cầu", ông Harald Kroeger, thành viên ban quản trị của Bosch, cho biết hôm 23/8.

Hiện tại, Anh có khoảng 30 hãng xe, bao gồm các công ty nội địa như Jaguar Land Rover, Vauxhall và Rolls-Royce, cũng như các công ty nước ngoài như Ford và Nissan. 

Ngành công nghiệp ôtô đóng vai trò quan trọng với kinh tế Anh với doanh thu gần 79 tỷ Bảng (tương đương hơn 108 tỷ USD) một năm và sử dụng khoảng 180.000 lao động.

Sau khi chịu tác động nặng nề bởi đại dịch Covid-19, kinh tế Anh đã bắt đầu phục hồi tích cực. Trong tháng 6/2021, tăng trưởng GDP của nước này đạt 1%, cao gần gấp đôi so với tháng trước sau khi nước này nới lỏng các biện pháp hạn chế đi lại. Đây là tháng tăng trưởng dương thứ năm liên tiếp của kinh tế Anh từ đầu năm.

Tuy nhiên, đà phục hồi này có nguy cơ chậm lại khi Anh đối mặt với nhiều thách thức khác như thiếu lao động và chuỗi cung ứng toàn cầu bị gián đoạn, đặc biệt là trong bối cảnh biến thể Delta đang lây lan mạnh trên thế giới.