10:58 01/12/2010

Sản xuất của Trung Quốc bất ngờ tăng tốc

Diệp Anh

Hoạt động sản xuất tháng 11 của Trung Quốc bất ngờ tăng mạnh với tốc độ nhanh nhất trong vòng 7 tháng qua

Sản xuất tại Trung Quốc tăng trưởng mạnh trong tháng 11 - Ảnh: Getty.
Sản xuất tại Trung Quốc tăng trưởng mạnh trong tháng 11 - Ảnh: Getty.
Hoạt động sản xuất tháng 11 của Trung Quốc bất ngờ tăng mạnh với tốc độ nhanh nhất trong vòng 7 tháng qua. Điều này cho thấy, kinh tế nước này có khả năng đứng vững trước các biện pháp thắt chặt tiền tệ.

Chỉ số quản lý sản xuất (PMI) tháng 11 tăng lên 55,2 điểm, từ mức 54,7 điểm trong tháng 10, vượt dự báo của giới phân tích. Đây là tháng thứ 21 liên tiếp, hoạt động sản xuất Trung Quốc đứng trên ngưỡng 50 điểm.

Các nhà hoạch định chính sách đang tăng cường các biện pháp thắt chặt tiền tệ, nâng lãi suất cơ bản, hạ nhiệt thị trường địa ốc, nhằm kiềm chế lạm phát phi mã, đã chạm mốc kỷ lục trong 25 tháng.

Chỉ số giá đầu vào tháng 11 tăng lên 73,5 điểm từ mức 69,9 điểm, chứng tỏ sức ép lạm phát sẽ còn tăng trong thời gian tới. Theo China International Capital, chỉ số CPI tháng 11 của Trung Quốc có thể sẽ tăng từ 4,4% trong tháng 10 lên mức 4,8%.

Số liệu của Bộ Thương mại Trung Quốc cho thấy, đầu tháng 11/2010, giá của 18 loại rau ở 36 thành phố đã tăng tới 62,4% so với cùng kỳ năm ngoái. Tháng trước, lần đầu tiên từ 3 năm qua, Trung Quốc đã phải tăng lãi suất ngân hàng để chống tăng giá.

Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Trung Quốc, Zhou Xiaochuan, hôm 16/11 nhìn nhận rằng: "Nền kinh tế Trung Quốc nói chung vẫn tiến triển tốt đẹp nhưng đang phải đương đầu với áp lực lạm phát".

Các nhà phân tích cho rằng, chính sách bơm tiền giải cứu kinh tế ở các quốc gia đã làm thanh khoản gia tăng quá mức độ và hậu quả là lưu lượng tiền tệ đi vào các nền kinh tế đang phát triển như Trung Quốc tạo ra khó khăn cho chính sách chống lạm phát.

Một nguyên nhân khác được cảnh báo từ khi Bắc Kinh bơm 4.000 tỷ Nhân dân tệ hồi năm 2008 nhằm kích thích tiêu thụ nội địa giúp Trung Quốc phục hồi, là một khi kinh tế đã ổn định, lượng tiền dư thừa quá nhiều trong thị trường sẽ khiến giá cả hàng hóa tăng cao.

Tuy nhiên, theo Ủy ban Cải cách và Phát triển quốc gia Trung Quốc, các biện pháp kiểm soát giá cả trên phạm vi toàn quốc hiện nay là chưa cần thiết. Chuyên gia kinh tế thuộc Industrial Bank, Lu Zhengwei, cho rằng, dữ liệu kinh tế vững chắc có thể giúp hỗ trợ cho các chính sách thắt chặt của chính phủ .

Theo Nomura Holdings Inc., Trung Quốc đang trong “giai đoạn tăng trưởng vững chắc” ngay cả khi những lo ngại lạm phát tăng cao. Còn Citigroup thì nhận định, dù lạm phát, chủ yếu chịu tác động bởi giá thực phẩm và chi phí gia tăng của hàng hóa cơ bản trên toàn cầu, kinh tế Trung Quốc hiện không phát triển quá nóng như giai đoạn 2007 – 2008.

Dự kiến, các nhà lãnh đạo Trung Quốc tháng này sẽ họp mặt tại Bắc Kinh để xây dựng những chính sách kinh tế cho năm tới, với những nguy cơ đến từ khủng hoảng nợ tại châu Âu, thị trường lớn nhất của Trung Quốc.