11:13 18/09/2013

Sẽ có chiến dịch “giải cứu” PVF?

Trọng Nghĩa

Mỗi sáng mở cửa thị trường, hàng triệu cổ phiếu của Tổng công ty Tài chính Cổ phần Dầu khí Việt Nam tranh nhau bán ra bằng được

PVF có thể xuống tới 3.100 đồng vào ngày giao dịch cuối cùng trên HSX.
PVF có thể xuống tới 3.100 đồng vào ngày giao dịch cuối cùng trên HSX.
Tính đến sáng ngày 18/9, cổ phiếu PVF của Tổng công ty Tài chính Cổ phần Dầu khí Việt Nam đã có phiên giảm sàn thứ 6 liên tiếp. Giá PVF hiện chỉ còn 4.000 đồng/cổ phiếu.

PVF tiếp tục mất thanh khoản, nhưng liệu có thể kỳ vọng vào một đợt “giải cứu” PVF và nguồn tiền sẽ đến từ đâu?

Thanh khoản nhỏ giọt - hoạt động “cover” hàng?


Kể từ sau ngày 11/9, PVF bắt đầu chuỗi ngày giảm sàn với thanh khoản gần như đóng băng. Tuy nhiên PVF không phải không có giao dịch, chỉ là khối lượng mua vào quá nhỏ so với khối lượng bán ra. Tính từ ngày 12/9 đến hôm qua (17/9), vẫn có 696.000 cổ phiếu PVF thoát ra được qua đường khớp lệnh và vài giao dịch thỏa thuận. Sáng nay (18/9), PVF có thêm vài trăm ngàn cổ phiếu nữa được mua vào.

Tại sao với một áp lực sụt giảm do khối lượng bán khổng lồ như vậy mà vẫn có nhà đầu tư chấp nhận mua vào? Ngoài những giao dịch kiểu bắt đáy mạo hiểm, có một hoạt động mua vào nhằm trả lại hàng đã mượn để bán ra.

Một nhà đầu tư đã thực hiện bán PVF cho biết, lực mua hiện tại hầu như chỉ xuất phát từ việc “cover hàng” trả lại cho “khổ chủ” nên mua không nhiều. Không thể trông mong gì từ lực mua này vì giá càng giảm, người bán khống càng có lợi.

“Bắt đầu có tình trạng “khổ chủ” năn nỉ xin lại hàng trước thời hạn nên một số nhà đầu tư đã chấp nhận mua lại. Nếu không, chắc chắn việc mua lại sẽ chỉ được thực hiện vào ngày giao dịch cuối cùng trong trường hợp còn thời hạn như thỏa thuận, vì càng để lâu, giá càng giảm”.

Cơ hội mượn hàng bán, theo nhà đầu tư nói trên, là khá dễ dàng trước thời điểm tháng 9. “Thực ra nhiều người không chú ý, còn các thông tin để đưa đến nhận định cơ hội bán PVF đều đã có: Hợp nhất sẽ phải hủy niêm yết, các công ty sẽ phải loại PVF khỏi danh sách margin, các quỹ sẽ phải cân nhắc loại PVF ra khỏi danh mục. Trước đó đã có trường hợp tạm ngừng giao dịch của SJS do kết quả kinh doanh kém. May mắn cho SJS là thời gian tạm ngừng giao dịch ngắn nên khó đoán việc các quỹ ETF có loại ra khỏi danh mục hay không. Với PVF thì rất rõ ràng”, nhà đầu tư này cho biết.

Thực tế giá PVF đã bắt đầu sụt giảm từ cuối tháng 8 khi những hoạt động bán khống được thực hiện. Càng về sau càng nhiều người nhận ra cơ hội đó và PVF bị bán mạnh hơn. “Kỳ lạ là chính các công ty chứng khoán cũng không chú ý đến điều này, rất ít công ty chứng khoán thực hiện giải phóng trước PVF ở các tài khoản ký quỹ”.

Nhận diện áp lực bán

Việc các quỹ ETF loại PVF ra khỏi danh mục đã được công bố rõ ràng. Quỹ VNM đang có khoảng 14 triệu PVF chắc chắn sẽ phải bán ra. Không thể thống kê được chính xác bao nhiêu phần trăm trong hàng triệu cổ phiếu bị đặt bán sàn mỗi ngày xuất phát từ các tài khoản ngoại, nhưng chắc chắn việc bán ra này phải được thực hiện.

Áp lực bán thứ hai, cũng đáng ngại không kém là từ hoạt động giải chấp của công ty chứng khoán. Nhiều công ty đã thông báo đưa PVF ra khỏi danh sách được giao dịch ký quỹ. FPTS “phát pháo” đầu tiên ngày 12/9/2013. Cùng ngày có thêm Chứng khoán Xuân Thành, Chứng khoán Alpha. Muộn hơn có Chứng khoán Nhất Việt ngày 13/9. Chứng khoán BSC, SHS và Công ty Chứng khoán Đầu tư Việt Nam cũng đồng loạt tuyên bố loại PVF từ ngày 16/9.

Mặc dù chỉ có thông báo rằng sẽ loại PVF ra khỏi danh sách giao dịch ký quỹ, nhưng đằng sau đó là một cơn sóng ngầm đáng ngại hơn. Công ty Chứng khoán Phú Hưng loại bỏ PVF từ ngày 18/9. Công ty cũng thông báo rõ từ ngày này, Phú Hưng thực hiện “margin call” với PVF và bắt đầu thực hiện xử lý lệnh gọi ký quỹ theo hợp đồng, nôm na là khách hàng không nâng được giá trị tài sản đảm bảo lên thì sẽ giải chấp.

Đặc biệt, Phú Hưng phát đi một thông báo “lạnh gáy” về PVF: từ 20/3, trường hợp khách hàng còn dư nợ đối với PVF trên hệ thống, Phú Hưng có toàn quyền sử dụng tất cả các tài sản khác trên tài khoản giao dịch ký quỹ của khách hàng cho mục đích tất toán khoản vay trước hạn phát sinh từ PVF mà không cần bất kỳ thông báo nào.

Thông tin trên nghĩa là khoản “margin call” đối với PVF sẽ không chỉ gói gọn trong riêng PVF nữa, mà sẽ ảnh hưởng tới toàn bộ các cổ phiếu khác trong tài khoản giao dịch ký quỹ. Nói đơn giản, nếu khách hàng cầm cố PVF và trong tài khoản ký quỹ có cả các cổ phiếu khác, với trường hợp không giải phóng được PVF khi tới hạn, hoặc giải phóng được mà giá trị tiền mặt thu về không đủ, các cổ phiếu khác trong tài khoản ký quỹ cũng bị bán đi cho tới lúc nào bù đủ cho khoản lỗ ở PVF.

Với mức sụt giảm trêm 30% trong 7 phiên vừa qua, PVF đương nhiên đã bắt đầu bị “margin call”. Đáng tiếc rằng khả năng thoát ra là rất thấp với khối lượng giao dịch thành công rất nhỏ như đã nói ở trên. Đối với nhà đầu tư nào chỉ nắm giữ PVF trong tài khoản cầm cố, mức thua lỗ có thể giới hạn được, thậm chí chấp nhận mất trắng khoản đầu tư vào PVF.

Nhưng nếu nhà đầu tư cầm cố thêm các cổ phiếu khác, rủi ro sẽ lan tỏa rộng hơn và áp lực bán trên thị trường sẽ không chỉ dừng lại ở PVF, mà cả ở các cổ phiếu khác với gánh nặng bù đắp cho PVF. Trong trường hợp này, ngay cả khách hàng muốn “bỏ của chạy lấy người” cũng không dễ dàng gì.

Tiền nào “giải cứu” PVF?

Mỗi sáng mở cửa thị trường, có ngay hàng triệu cổ phiếu PVF tranh nhau bán ra bằng được. Trên lý thuyết sẽ không có nhà đầu tư nào dám nhảy vào mua PVF trước một áp lực bán khủng khiếp như vậy. Tuy nhiên như trên đã nhận diện, vẫn sẽ có một lực mua nhỏ giọt từ hoạt động “cover” hàng. Lực cầu này không thể cản đà giảm, nhưng cũng có thể giúp một phần thoát ra được.

Do khả năng PVF sụt giảm sàn liên tục tới tận ngày 23/9 - ngày giao dịch cuối cùng - là gần như chắc chắn, nên có thể lực cầu sẽ mạnh hơn vào ngày này.

Giả định rằng PVF sẽ sàn liên tục cho đến khi hủy niêm yết, giá PVF có thể xuống tới 3.100 đồng/cổ phiếu. Liệu giá này có phù hợp cho những thương vụ đầu tư mạo hiểm hay không? Với tỉ lệ hoán đổi 1:1, cứ 1 cổ phiếu PVF sẽ đổi được 1 cổ phần của ngân hàng mới (Pvcombank). Những nhà đầu tư chấp nhận thương vụ này chắc chắn đã phải cân nhắc một thời gian đầu tư dài hạn thực sự, còn với nhà đầu cơ, rủi ro thanh khoản là quá cao.

Điều còn lại là giá 3.100 đồng/cổ phiếu có tương xứng với giá trị của ngân hàng mới hay không? Chắc chắn không dễ dàng gì để định giá một cách chính xác. Tuy nhiên, đối với những nhà đầu tư dài hạn muốn sở hữu một tỉ lệ cổ phần đáng kể trong ngân hàng mới, cơ hội dễ dàng nhất là mua thẳng trên sàn niêm yết trước khi hủy niêm yết.

Vì là nhà đầu tư dài hạn - không loại trừ là những cổ đông cũ của Ngân hàng Phương Tây hay PVF - nên việc nắm giữ cổ phiếu không có nhiều rủi ro về thanh khoản. Cơ hội sở hữu một tỉ trọng cổ phần lớn của một ngân hàng vốn điều lệ 9.000 tỷ và chi phí vốn thông qua mua PVF giá thấp không phải là không có.

HBB khi dừng giao dịch để sáp nhập vào SHB có giá 5.200 đồng. Kế hoạch sáp nhập PVF và Ngân hàng Phương Tây cũng đã được tiến hành từ trước, trên cơ sở định giá cụ thể. PVF sụt giảm gần đây mang tính kỹ thuật là chính nên cũng có thể việc giảm giá quá lớn vừa qua khiến thị giá xuống dưới mức giá đã được định giá hợp lý khi thực hiện sáp nhập.

Tóm lại, mối quan tâm hàng đầu về cơ hội lúc này hầu như chỉ có ở những cổ đông dài hạn hoặc trung thành ở PVF hay Ngân hàng Phương Tây. Ngày 23/9 PVF hủy niêm yết, ngày 26/9 Trung tâm Lưu ký chốt danh sách. Khả năng giao dịch sau ngày 23/9 là không có nên cơ hội cuối cùng cho những ai muốn mua sẽ là 3 phiên tới.