Sẽ không còn mỗi bộ ngành là một "ốc đảo" dữ liệu?
Quy định "cản trở hoạt động kết nối, quyền khai thác và sử dụng dữ liệu số hợp pháp" - được xem sẽ "mở đường" cho việc liên thông dữ liệu
Dự thảo 2 Nghị định về quản lý, kết nối và chia sẻ dữ liệu số hiện đang được Bộ Thông tin và Truyền thông để lấy ý kiến đóng góp của người dân và doanh nghiệp.
Một trong những điểm đáng chú ý của dự thảo nghị định này là các hành vi bị nghiêm cấm (Điều 8), gồm: cản trở hoạt động kết nối, quyền khai thác và sử dụng dữ liệu số hợp pháp của cơ quan, tổ chức, cá nhân theo quy định của pháp luật; mua bán, chia sẻ dữ liệu số vi phạm quy định tại Nghị định này và quy định của pháp luật có liên quan; vi phạm các quy định về quyền sở hữu trí tuệ, bản quyền tác giả khi kết nối, chia sẻ dữ liệu số; làm sai lệch dữ liệu số trong quá trình lưu chuyển dữ liệu số từ bên cung cấp dữ liệu tới bên khai thác dữ liệu; và phá hoại cơ sở hạ tầng thông tin, làm gián đoạn việc kết nối, trao đổi dữ liệu số.
Trong đó, đặc biệt là quy định "cản trở hoạt động kết nối, quyền khai thác và sử dụng dữ liệu số hợp pháp" - được xem là sẽ "mở đường" cho việc liên thông dữ liệu. Bởi rất nhiều năm qua, câu chuyện về kết nối, liên thông dữ liệu giữa các bộ ngành không biết bao nhiêu lần được đưa ra thảo luận, tuy nhiên, cuối cùng việc liên thông dữ liệu này vẫn cứ bị tắc nghẽn, trong đó có nguyên nhân các đơn vị sở hữu dữ liệu chưa "mở cửa" để chia sẻ.
Trên thực tế, mỗi bộ có các hệ thống thông tin khác nhau nhưng lại không liên thông với các bộ ngành mà chỉ chia sẻ một phần thông tin liên quan. Thậm chí ngay trong một bộ như Bộ Kế hoạch và Đầu tư, ông Vũ Đại Thắng, Thứ trưởng bộ này cho biết "đang sở hữu nhiều hệ thống dữ liệu khác nhau về đăng ký doanh nghiệp, đấu thầu, doanh nghiệp nước ngoài... nhưng hệ thống dữ liệu này lại chưa kết nối, liên thông với nhau".
Do các cơ sở dữ liệu quốc gia chưa được tích hợp để dùng chung, nên dữ liệu – được xem là nguồn tài nguyên mới, nguồn "nhiên liệu dầu mỏ mới" gần như vẫn đang "ngủ yên" và chưa bắt được khai thác hiệu quả.
Cuối tháng 5 vừa qua, tại phiên họp lần 2 của Ban soạn thảo, Tổ biên tập xây dựng Nghị định về quản lý, kết nối và chia sẻ dữ liệu số, Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Thành Hưng, Trưởng Ban soạn thảo và các thành viên đều thống nhất quan điểm rằng, Nghị định này khi được ban hành ra phải phá tan được tình trạng cát cứ thông tin, dữ liệu giữa các bộ, ngành, địa phương, đảm bảo thông tin luôn thông suốt phục vụ các nhiệm vụ quản lý, phải tạo ra được hệ sinh thái cho kinh tế số phát triển.
Tại dự thảo 2 Nghị định về quản lý, kết nối và chia sẻ dữ liệu số cũng nêu rõ, việc kết nối, chia sẻ dữ liệu số phải đáp ứng các yêu cầu: tổ chức, quản lý dữ liệu số trong cơ quan nhà nước phải đảm bảo thuận lợi cho việc chia sẻ và khai thác dữ liệu số; tuân thủ các quy định về bảo mật thông tin, các quy định về quyền sở hữu trí tuệ liên quan đến dữ liệu số, quyền riêng tư của tổ chức, cá nhân; đảm bảo dữ liệu số chia sẻ phải có khả năng xử lý được bằng máy.
Đồng thời, phải tuân thủ các quy định, hướng dẫn kỹ thuật về trao đổi dữ liệu số, về ứng dụng công nghệ thông tin trong cơ quan nhà nước; cũng như tuân thủ Khung kiến trúc Chính phủ điện tử Việt Nam, kiến trúc chính phủ điện tử cấp bộ, kiến trúc chính quyền điện tử của địa phương.
Có 4 loại hình chia sẻ dữ liệu số bao gồm: chia sẻ dữ liệu số mặc định; chia sẻ dữ liệu số theo thỏa thuận; chia sẻ dữ liệu số cho tổ chức, cá nhân theo quy định của pháp luật về tiếp cận thông tin;chia sẻ dữ liệu mở. Trong đó, chia sẻ dữ liệu số theo thỏa thuận là hình thức chia sẻ dữ liệu số đặc thù giữa 2 hay nhiều cơ quan nhà nước hoặc giữa cơ quan nhà nước với tổ chức, việc chia sẻ dữ liệu số thực hiện theo thỏa thuận chia sẻ dữ liệu được thống nhất giữa các bên.
Hiện Ban soạn thảo đang đề xuất 2 phương án xác định đối với loại hình chia sẻ dữ liệu số mặc định. CỤ thể, phương án 1, là hình thức chia sẻ trong đó cơ quan cung cấp chuẩn bị và cung cấp dữ liệu số thông qua dịch vụ chia sẻ dữ liệu cho nhiều cơ quan nhà nước sử dụng phù hợp nhiều mục đích khác nhau.
Phương án 2 là chia sẻ những dữ liệu số mà nhiều cơ quan, tổ chức, cá nhân có nhu cầu được chia sẻ, sử dụng dịch vụ chia sẻ dữ liệu số thông qua các giao diện lập trình do cơ quan cung cấp dữ liệu cung cấp và các cơ quan, tổ chức có nhu cầu được chia sẻ dữ liệu số yêu cầu sử dụng các giao diện lập trình chia sẻ dữ liệu số này qua cơ chế đăng ký với cơ quan cung cấp dữ liệu.