Sẽ kiến nghị làm rõ "sân sau" của một số vụ án tham nhũng
Cử tri một số tỉnh còn đề nghị giám sát việc xử lý hành vi vi phạm của một số cán bộ cấp cao trong Quân đội, Công an
Sẽ tiếp tục kiến nghị làm rõ về những biểu hiện "lợi ích nhóm", "sân sau" trong vụ Đinh La Thăng, Trịnh Xuân Thanh, Uỷ ban Tư pháp hồi âm kiến nghị của cử tri.
Tập hợp trả lời kiến nghị của cử tri gửi tới kỳ họp thứ 5 Quốc hội khoá 14 vừa được Ban Dân nguyện của Uỷ ban Thường vụ Quốc hội gửi đến từng vị đại biểu.
Thuộc lĩnh vực phụ trách của Uỷ ban Tư pháp, cử tri tỉnh Bà Rịa- Vũng Tàu đề nghị làm rõ ai đứng đằng sau Đinh La Thăng, Trịnh Xuân Thanh trong việc để xảy ra hành vi tham nhũng. Cử tri tỉnh này cũng kiến nghị làm rõ việc thất thoát tài sản tham nhũng trong các vụ việc này để xử lý và thu hồi tài sản tham nhũng.
Công văn trả lời nêu rõ, Ủy ban Tư pháp thấy rằng, những sai phạm của Đinh La Thăng và Trịnh Xuân Thanh cũng như các cán bộ có liên quan đã được tòa án và các cơ quan có thẩm quyền làm rõ trong quá trình xét xử sơ thẩm, phúc thẩm vụ án Đinh La Thăng và đồng phạm.
Tiếp thu ý kiến của cử tri, ủy ban Tư pháp sẽ tiếp tục kiến nghị các cơ quan hữu quan làm rõ về những biểu hiện "lợi ích nhóm", "sân sau", trách nhiệm cá nhân có liên quan trong các vụ án tham nhũng như cử tri nêu; kiến nghị các cơ quan nhà nước có thẩm quyền tăng cường thực hiện có hiệu quả pháp luật về phòng, chống tham nhũng; xử lý thật nghiêm minh hành vi tham nhũng theo quy định của Bộ luật Hình sự và tăng cường mọi biện pháp để thu hồi tài sản thất thoát do hành vi tham nhũng gây ra.
Cũng thuộc lĩnh vực phụ trách của Uỷ ban Tư pháp, cử tri các tỉnh Thanh Hóa, Khánh Hòa và Bà Rịa- Vũng Tàu đề nghị Quốc hội tăng cường vai trò giám sát việc thực thi pháp luật về phòng, chống tham nhũng, phòng chống lợi ích nhóm; giám sát việc xử lý hành vi vi phạm của một số cán bộ cấp cao trong Quân đội, Công an.
Hồi âm cử tri, Ủy ban Tư pháp cho biết, trong thời gian qua, hoạt động giám sát nói chung, giám sát về công tác phòng, chống tham nhũng nói riêng của Quốc hội, các cơ quan của Quốc hội đã được tăng cường, không ngừng cải tiến, đổi mới về phương thức giám sát nhằm tăng cường hiệu lực, hiệu quả công tác này. Qua hoạt động giám sát đã góp phần tạo chuyển biến rõ nét trong công tác phòng ngừa, phát hiện, xử lý hành vi tham nhũng.
Công tác thanh tra, kiểm toán, điều tra, truy tố, xét xử được tăng cường, nhiều vụ án tham nhũng, kinh tế nghiêm trọng, phức tạp, gây thất thoát lớn vốn và tài sản nhà nước tiếp tục được phát hiện và xử lý kịp thời. nhiều vụ việc liên quan đến vi phạm của những cán bộ cao cấp của Đảng và Nhà nước, tướng lĩnh trong Quân đội, Công an nhân dân..., kể cả những cán bộ đã về hưu cũng đều được đưa ra xử lý nghiêm minh, Uỷ ban Tư pháp hồi âm.
Tuy nhiên, cơ quan trả lời cử tri cũng cho rằng hoạt động giám sát của Quốc hội, các cơ quan của Quốc hội vẫn còn có mặt hạn chế, tình hình tham nhũng vẫn nghiêm trọng, diễn biến phức tạp.
Do đó, tiếp thu ý kiến của cử tri, thời gian tới Quốc hội, các cơ quan của Quốc hội sẽ tiếp tục tăng cường triển khai nhiều phương thức giám sát việc phòng, chống tham nhũng như tăng cường các hoạt động chất vấn, giải trình, giám sát chuyên đề liên quan đến công tác phòng, chống tham nhũng.
Uỷ ban Tư pháp tăng cường giám sát việc xử lý đối với một số vụ án tham nhũng cụ thể, theo dõi, giám sát việc điều tra, truy tố, xét xử các vụ án tham nhũng nghiêm trọng, phức tạp, liên quan đến cán bộ cấp cao...văn bản trả lời cử tri nêu rõ.
Nội dung trả lời cũng cho biết, trên cơ sở giám sát, có đánh giá, làm rõ trách nhiệm của từng cá nhân, các cấp, các ngành, các địa phương đối với các hạn chế, yếu kém trong công tác phòng, chống tham nhũng, nhằm tạo sự chuyển biến tích cực để đạt được mục tiêu "từng bước ngăn chặn, đẩy lùi tham nhũng".