09:52 22/01/2007

“Sẽ quan tâm hơn đến nhãn hiệu nổi tiếng”

Nguyên Linh thực hiện

Theo ông Trần Việt Hùng, Phó cục trưởng Cục Sở hữu trí tuệ, vấn đề bảo hộ sở hữu trí tuệ tại Việt Nam đang bước sang một thời kỳ mới

Tỷ lệ đơn đăng ký nhãn hiệu của các doanh nghiệp trong nước đã chiếm tới 60% tổng số đơn đăng ký năm 2006 - Ảnh: Việt Tuấn.
Tỷ lệ đơn đăng ký nhãn hiệu của các doanh nghiệp trong nước đã chiếm tới 60% tổng số đơn đăng ký năm 2006 - Ảnh: Việt Tuấn.
Theo ông Trần Việt Hùng, Phó cục trưởng Cục Sở hữu trí tuệ, vấn đề bảo hộ sở hữu trí tuệ tại Việt Nam đang bước sang một thời kỳ mới.

Thưa ông, vấn đề thực thi các cam kết về bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ của Việt Nam khi tham gia WTO thời gian gần đây diễn ra như thế nào?

Việc gia nhập Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) xoay quanh 3 vấn đề trụ cột: thương mại hàng hóa, thương mại dịch vụ và đặc biệt là bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ.

Hiệp định về những vấn đề liên quan đến thương mại của quyền sở hữu trí tuệ của WTO (Hiệp định TRIPs) quy định rõ các thành viên WTO phải có một khung pháp lý cơ bản về vấn đề này. Ở Việt Nam, Luật Sở hữu trí tuệ đã được kịp thời thông qua, chính thức có hiệu lực từ 1/7/2006 và được đánh giá là khá sát với các yêu cầu của Tổ chức thương mại toàn cầu này.

Tuy nhiên, có thể thấy là vấn đề bảo hộ sở hữu trí tuệ trên thực tế cũng còn nhiều vấn đề và đang bước sang một thời kỳ mới. Trong những năm qua, ý thức của các doanh nghiệp về sự quan trọng của vấn đề này tăng lên rõ  rệt.

Nếu như trước đây, mỗi năm Cục chúng tôi chỉ nhận được khoảng 6.000 đơn đăng ký nhãn hiệu, thì sang năm 2006, con số này đã tăng lên tới 27.500 đơn đăng ký, ngang bằng với một số nước trong khu vực như Thái Lan, Philippines.

Đáng chú ý, tỷ lệ đơn của các doanh nghiệp trong nước đã chiếm tới 60%, doanh nghiệp FDI 40% thay cho tỷ lệ 30/70 trước đây.

Theo ông, trong các lĩnh vực bảo hộ sở hữu trí tuệ, đâu là vấn đề “nóng” nhất hiện nay?

Hiện nay ở Việt Nam, các đơn đăng ký bảo hộ sáng chế chưa nhiều lắm, kiểu dáng công nghiệp cũng vậy.

Chẳng hạn về vấn đề bản quyền phần mềm máy tính của Việt Nam năm 2005 bị công bố là 92% là lậu, sang năm 2006 đã giảm hơn với 90%. Tuy nhiên, theo đánh giá của Hiệp hội Phần mềm Quốc tế, giá trị tuyệt đối vi phạm của Việt Nam chỉ khoảng 90 triệu USD so với 92 tỷ USD của Trung Quốc.

Vì thế, có thể nói trong tất cả các đối tượng bảo hộ, nhãn hiệu chính là vấn đề “nóng” và lớn nhất, doanh nghiệp phải đối mặt nhiều nhất số vụ khiếu kiện về nhãn hiệu mà Cục Sở hữu trí tuệ thụ lý cũng nhiều nhất.

Có thế nói, dù đã được cải thiện, nhưng đăng ký và bảo hộ nhãn hiệu vẫn còn chưa được giới doanh nghiệp quan tâm đúng mức cần thiết, tỷ lệ đơn đăng ký chưa cao. Chế định “nhãn hiệu nổi tiếng” trong Luật Sở hữu trí tuệ sẽ khắc phục được phần nào tình trạng này?

Chế định “nhãn hiệu nổi tiếng” trong Luật Sở hữu trí tuệ của Việt Nam là việc thực thi Điều 6 bis Công ước Pari 1883 mà Việt Nam là thành viên.

Nội dung điều 6 quy định: “Các nước thành viên có trách nhiệm từ chối hoặc hủy bỏ đăng ký, ngăn cấm việc sử dụng nhãn hiệu mà nhãn hiệu đó có khả năng gây nhầm lẫn với nhãn hiệu đã được cơ quan thẩm quyền của nước đăng ký hoặc sử dụng coi là nhãn hiệu nổi tiếng tại nước đó”.

Vì thế, nếu được đánh giá có nhãn hiệu hàng hóa nổi tiếng, doanh nghiệp có thể không cần đăng ký sẽ vẫn được bảo hộ.

Ở Việt Nam, chúng tôi đã từng thực hiện điều này. Trường hợp cụ thể là khi hãng McDonald cũng như Kentucky - 2 nhãn hiệu nổi tiếng về đồ ăn nhanh chưa vào Việt Nam - đã có một doanh nghiệp của Australia đề nghị đăng ký nhãn hiệu này và đã bị từ chối.

Đã có trường hợp doanh nghiệp Việt Nam nào được hưởng lợi từ quy định này chưa, thưa ông?


Cũng có, đó là trường hợp Miliket - nhãn hiệu mỳ gói được đánh giá là nổi tiếng. Một doanh nghiệp nước mắm ở phía Nam đã đăng ký nhưng chúng tôi cũng đã từ chối, dù Miliket vào thời điểm đó chưa đăng ký.

Còn việc công nhận nổi tiếng ở nước ngoài thì chúng tôi đã từng cấp giấy chứng nhận cho đại diện pháp lý của Petro Vietnam để góp phần đòi lại nhãn hiệu này ở Hoa Kỳ.

Có thể nói, việc chú ý khuyếch trương, tiếp thị để nhãn hiệu hàng hóa của mình nổi tiếng vừa có lợi ích cho kinh doanh, vừa đảm bảo quyền bảo hộ sở hữu trí tuệ cho doanh nghiệp.

Việc thực thi quy định này, cụ thể là cấp giấy chứng nhận là nhãn hiệu nổi tiếng cho doanh nghiệp, sẽ diễn ra như thế nào, thưa ông?


Việc công nhận nhãn hiệu nổi tiếng sẽ được xem xét theo từng trường hợp, có thể tại cơ quan quốc gia về sở hữu trí tuệ hoặc tại tòa án khi có vụ việc liên quan đến nhãn hiệu nổi tiếng.

Các nhãn hiệu được chương trình bình chọn là nhãn hiệu cạnh tranh và nổi tiếng quốc gia sẽ là một nguồn tham khảo quan trọng, khi có nhu cầu xem xét một nhãn hiệu được công nhận là nhãn hiệu nổi tiếng quốc gia.

Khi được công nhận, chủ sở hữu nhãn hiệu nổi tiếng có quyền ngăn người khác đăng ký nhãn hiệu trùng, tương tự với nhãn hiệu của mình cho tất cả các nhóm sản phẩm, dịch vụ, ngăn người khác sử dụng nhãn hiệu của mình làm tên thương mại, không bị áp dụng quy định sử dụng liên tục trong vòng 5 năm liên tiếp như nhãn hiệu thông thường, không phải gia hạn và có khả năng được bồi thường, đền bù nhiều hơn.