Sòng phẳng với các dòng vốn ngoại
Nguồn vốn FDI đến từ Trung Quốc đến Việt Nam đang tăng mạnh, nhưng có vẻ như không được mấy hân hoan
Nếu như Bộ trưởng Bộ Văn hóa thể thao và Du lịch khẳng định, không chỉ Việt Nam, thị trường du lịch của các nước trên thế giới đều mong thu hút khách Trung Quốc, thì với dòng vốn FDI từ Trung Quốc vào Việt Nam, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư tỏ ra khá thận trọng.
Với nguồn vốn FDI đến từ Trung Quốc đến Việt Nam đang tăng mạnh, nhưng có vẻ như không được mấy hân hoan. Số liệu của Tổng cục Thống kê vừa công bố, trong số 65 quốc gia và vùng lãnh thổ có dự án đầu tư được cấp phép mới tại Việt Nam trong 7 tháng, Trung Quốc vượt qua các nhà đầu tư Hàn Quốc, Nhật Bản để trở thành là nhà đầu tư lớn nhất với 1.785,6 triệu USD, chiếm 21,6% tổng vốn đăng ký cấp mới.
Theo quan sát của Tổng cục Thống kê, các doanh nghiệp Trung Quốc, Hồng Kông chủ yếu đầu tư vào các ngành dệt may, da giày, săm lốp ô tô và luyện kim, điện tử. Nhiều dự án lớn của hai nhà đầu tư này được cấp phép vào Việt Nam có thể kể đến như dự án góp vốn, mua cổ phần của Beerco Limited (Hồng Kông) vào Công ty TNHH Vietnam Beverage, giá trị vốn góp 3,85 tỷ USD với mục tiêu chính sản xuất bia và mạch nha ủ men bia tại Hà Nội.
Cùng với đó, còn có dự án chế tạo lốp xe Radian toàn thép ACTR (Trung Quốc), tổng vốn đầu tư đăng ký 280 triệu USD đầu tư tại Tây Ninh với mục tiêu sản xuất lốp xe toàn thép TBR. Dự án Nhà máy chế tạo thiết bị điện tử, phương tiện thiết bị mạng và các sản phẩm âm thanh đa phương tiện, tổng vốn đầu tư đăng ký 260 triệu USD do Goertek (Hongkong) co., Limited đầu tư tại Bắc Ninh...
Tổng cục Thống kê tỏ ra khá lo ngại về dòng chảy đột biến này khi nhận định Việt Nam đang phải đối mặt với ba thách thức lớn trong việc thu hút dòng vốn từ nhà đầu tư Trung Quốc, Hồng Kông.
Thứ nhất là dòng vốn FDI từ Trung Quốc có thể khiến Việt Nam trở thành "cứ điểm" hàng hóa của các doanh nghiệp Trung Quốc nhập khẩu hàng hóa vào Việt Nam và sau đó xuất khẩu sang các nước khác.
Thứ hai là làn sóng đầu tư từ Trung Quốc cũng sẽ tạo nên áp lực đối với các doanh nghiệp trong nước. Thời gian vừa qua, Việt Nam đã đạt rất nhiều các thỏa thuận thương mại với nhiều quốc gia, nếu các doanh nghiệp của Việt Nam không chuẩn bị tốt, cạnh tranh không tốt thì vô hình chung các doanh nghiệp nước ngoài sẽ được hưởng lợi.
Thứ ba là cuộc chiến tranh thương mại Mỹ - Trung vẫn đang diễn ra phức tạp và đặc biệt là trong thời gian tới rất có thể Trung Quốc sẽ tiếp tục phá giá đồng Nhân dân tệ nhằm bảo hộ hàng hóa xuất khẩu của Trung Quốc. Do vậy, Việt Nam cần phải xây dựng kịch bản để theo dõi, đánh giá và sẵn sàng can thiệp về mặt chính sách khi cần thiết đối với vấn đề này.
Tương tự, Cục Đầu tư nước ngoài (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) nhận định việc gia tăng đầu tư FDI từ Trung Quốc có thể mang đến một số hệ lụy như do áp lực thay đổi, nâng cấp công nghệ của Trung Quốc, có thể dẫn tới sự chuyển dịch của dòng vốn FDI chất lượng thấp, công nghệ lạc hậu, tiềm ẩn nguy cơ ô nhiễm môi trường vào Việt Nam.
Sự chuyển dịch của FDI từ Trung Quốc sang các nước khác, trong đó có Việt Nam, tạo nên áp lực hạ tầng, xã hội ở một số địa phương. Đồng thời có sự gia tăng các nhà đầu tư Trung Quốc vào Việt Nam dẫn đến việc khó kiểm soát. Nguy cơ Việt Nam bị lợi dụng xuất xứ đối với hàng hóa xuất khẩu. Từ đó dẫn đến các rủi ro trong hoạt động xuất khẩu của doanh nghiệp Việt, nhất là hàng sang các thị trường lớn khác.
Đây cũng là lo ngại của nhiều người trong giới chuyên gia. Nhưng cũng có nhiều người trong giới này nêu quan điểm rằng cần phải ứng xử sòng phẳng đối với tất cả các dòng vốn ngoại.
Như ý kiến của ông Trương Đình Tuyển, nguyên Bộ trưởng Bộ Thương mại (nay là Bộ Công Thương), "phải tỉnh táo, công bằng hơn khi đánh giá về mối quan hệ kinh tế với nhà đầu tư Trung Quốc. Ngay bản thân tôi cũng từng sợ nguồn vốn đầu tư đến từ Trung Quốc vì nghe đồn nhiều quá, có nhiều định kiến không tốt về dòng vốn Trung Quốc thời gian qua. Tuy nhiên, thực tế là bất kỳ nước nào cũng muốn đẩy công nghệ cũ ra nước ngoài, không riêng các doanh nghiệp Trung Quốc. Quyền chọn dự án, quyền chọn đối tác nhà thầu là ở chúng ta".
Hiện, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã giao Bộ Kế hoạch và Đầu tư thành lập Tổ công tác đặc biệt để theo dõi dòng chảy của các nguồn vốn ngoại. Chính phủ luôn nhất quán quan điểm là Việt Nam thu hút FDI có chọn lọc các dự án có chất lượng, giá trị gia tăng cao và công nghệ hiện đại, tiên tiến, tập trung vào những ngành mà Việt Nam đang cần. Đồng thời, nâng cao năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp trong nước.