16:35 05/05/2008

“Sốt” xi măng sẽ không thể lan rộng

Thúy Nhung

Giá xi măng tại Tp.HCM đột ngột tăng mạnh, song các nhà phân phối đều cho rằng “cơn sốt này” chỉ diễn ra cục bộ

Năm 2008, theo dự báo ngành xi măng hoàn toàn có thể đáp ứng nhu cầu tiêu dùng trong nước, do sẽ có thêm 10 dây chuyền sản xuất xi măng mới đi vào sản xuất.
Năm 2008, theo dự báo ngành xi măng hoàn toàn có thể đáp ứng nhu cầu tiêu dùng trong nước, do sẽ có thêm 10 dây chuyền sản xuất xi măng mới đi vào sản xuất.
Giá xi măng tại Tp.HCM đột ngột tăng mạnh, song các nhà phân phối đều cho rằng “cơn sốt này” chỉ diễn ra cục bộ.

Giá xi măng Hà Tiên 1 bán lẻ tại Tp.HCM hiện dao động từ 73.000- 80.000 đồng/bao, xi măng Holcim 69.000-73.000 đồng/bao. Tuy vậy, trong những ngày qua, không ít cửa hàng bán lẻ đã cháy hàng.

Ông Nguyễn Văn Điệp, Chánh văn phòng Hiệp hội Xi măng Việt Nam cho biết: do tâm lý tiêu dùng nên thị trường tại Tp.HCM hiện chỉ "nóng" với hai loại xi măng là Hà Tiên 1 và Holcim (xi măng Hà Tiên 1 chiếm 41% thị phần, Holcim chiếm 33% thị phần).

Theo ước tính chỉ trong bốn tháng đầu năm đã có đến 550.000 tấn xi măng đã được tiêu thụ tại thị trường này, tăng đến 22-23% so với cùng kỳ. Trong khi các thương hiệu khác như Cotec, Cẩm Phả, Nghi Sơn, Hoàng Thạch, Chinfon, Lafarge, Fico, Hà Tiên 2… lại có sức mua rất khiêm tốn.

Cũng theo ông Điệp, giá xi măng xuất tại Nhà máy Xi măng Hà Tiên 1 và Holcim chỉ là 53.500 đồng/bao. Đây là mức giá được áp dụng từ đầu tháng 2/2008 đến nay. Như vậy, khi đến tay người tiêu dùng giá đã chênh lệch từ 19.500-26.500 đồng/bao.

Lý giải về nguyên nhân tăng giá này, ông Điệp cho biết: do tình hình quản lý giao thông chặt chẽ hơn, nên thay vì chạy 2-3 chuyến/ngày, nay các xe chỉ chuyển được 1-2 chuyến để thực hiện đúng tốc độ quy định. Thêm vào đó, tình trạng chở quá tải cũng bị kiểm soát nghiêm ngặt đã khiến sản lượng vận chuyển của các nhà máy không thể đáp ứng đủ nhu cầu của thị trường Tp.HCM.

Ông Điệp phân tích thêm: bản thân những người cung ứng vật tư cũng bị ảnh hưởng do lãi suất của ngân hàng. Ngoài ra, giá nhân công khuân vác tăng đáng kể cũng khiến cho giá bán lẻ xi măng bị đội lên. Tuy vậy, theo ông, "cơn sốt" trên thị trường xi măng Tp.HCM chỉ "mang tính chất cục bộ, ngắn hạn, và sẽ không thể xảy ra ở miền Bắc.

Có chung ý kiến với ông Điệp, bà Phạm Tố Oanh, đại diện Công ty Cổ phần Thương mại Xi măng - nhà phân phối các mác xi măng: Hoàng Mai, Bút Sơn, Bỉm Sơn, Chinfon - cho biết: hiện tại giá xi măng giao ngay tại cảng của công ty đã giảm nhẹ so với thời điểm đầu tháng 3. Không chỉ giảm giá mà khối lượng tiêu thụ gần đây cũng có sự giảm đáng kể. “Nguy cơ thiếu hàng và tăng giá ở miền Bắc là không thể xảy ra trong ngắn hạn”, bà nhận định.

Đại diện Công ty Phú Thái - nhà phân phối xi măng Nghi Sơn tại Hà Nội - cũng dự báo: trong thời gian sắp tới, về cơ bản giá xi măng miền ở miền Bắc sẽ không có sự “ăn theo” cơn sốt trong miền Nam. Hiện tại lượng hàng đang rất dồi dào.

Cũng theo ông Điệp, mặc dù trong năm 2008, theo dự báo nhu cầu về xi măng sẽ tăng mạnh nhưng cả nước sẽ có thêm 10 dây chuyền sản xuất xi măng mới đi vào sản xuất, tăng công suất thiết kế thêm 12,28 triệu tấn, nâng tổng năng suất toàn ngành lên 40 - 41 triệu tấn. Vì thế, ngành xi măng hoàn toàn có thể đáp ứng đủ nhu cầu tiêu dùng trong nước.

Theo một nguồn tin, ngày mai (6/5), đại diện Bộ Xây dựng và Hiệp hội Xi măng sẽ đi kiểm tra thị trường xi măng các tỉnh phía Nam để có biện pháp điều chỉnh cho phù hợp.