S&P 500 chật vật dưới mốc kỷ lục, giá dầu lao dốc 3%
“Thị trường có nhiều lý do để giảm, nhưng vẫn chưa giảm. Điều này cho thấy các nhà đầu cơ giá lên vẫn đang nắm quyền kiểm soát rõ rệt”...
Thị trường chứng khoán Mỹ tăng điểm nhẹ trong phiên giao dịch ngày thứ Năm (28/12), với chỉ số S&P 500 tiến sát mốc kỷ lục và chuẩn bị hoàn tất một năm tăng rực rỡ. Giá dầu thô giảm hơn 2 USD/thùng khi mối lo về sự gián đoạn nguồn cung dầu từ Trung Đông đi qua Biển Đỏ tiếp tục được giải toả.
Lúc đóng cửa, S&P 500 tăng 0,04%, đạt 4.783,35 điểm, rất gần mức điểm đóng cao nhất mọi thời đại 4.796,56 điểm thiết lập vào tháng 1/2022.
Chỉ số Dow Jones tăng 53,58 điểm, tương đương tăng 0,14%, đạt 37.710,1 điểm - mức cao kỷ lục mới. Chỉ số Nasdaq giảm 0,03%, còn 15.095,14 điểm.
“Những gì chúng ta đang chứng kiến là thị trường thể hiện một trạng thái cực kỳ vững vàng” cho dù có một số chỉ báo kỹ thuật phản ánh tình trạng mua quá nhiều (overbought) - CEO Adam Sarhan của quỹ đầu tư 50 Park Investments nhận định với hãng tin CNBC. “Thị trường có nhiều lý do để giảm, nhưng vẫn chưa giảm. Điều này cho thấy các nhà đầu cơ giá lên vẫn đang nắm quyền kiểm soát rõ rệt”.
Năm 2023 chỉ còn một phiên giao dịch cuối cùng vào ngày thứ Sáu, và cả ba chỉ số chứng khoán Mỹ đều đang trên đà hoàn tất năm với mức tăng ấn tượng. Dow Jones và S&P 500 đã tưang tương ứng 13,8% và 24,6% từ đầu năm, trong khi Nasdaq đã tăng 44,2%.
Đây sẽ là năm tăng mạnh nhất của Nasdaq kể từ năm 2003. Kết quả này có được là nhờ cơn sốt cổ phiếu trí tuệ nhân tạo (AI) và sự khởi sắc của các cổ phiếu công nghệ vốn hoá lớn sau cuộc bán tháo trong năm 2022.
Ba chỉ số cũng đang trên đà hoàn tất tuần tăng thứ 9 liên tiếp, khẳng định sự vững chắc của đợt tăng cuối năm nay sau khi thị trường giảm điểm mạnh trong quý 3. Trong quý 4 này, S&P 500 đã tăng 11,6%, tiến tới hoàn tất quý tăng tốt nhất trong 3 năm.
Theo ông Sarhan, phạm vi biến động và các mô hình kỹ thuật giá lên đang hình thành của cả ba chỉ số có thể dẫn tới một “cơn bão hoàn hảo” cho thị trường trong năm 2024, khi giới đầu tư đặt cược quá nhiều việc Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) cắt giảm lãi suất và xu hướng xuống thang của lạm phát. “Rủi ro lớn nhất là một cuộc suy thoái kinh tế có thể xảy đến”, ông nhấn mạnh.
Một số chuyên gia tỏ ra lạc quan hơn. “Đây là một trong những đợt tăng điểm cuối năm tốt nhất mà chúng tôi từng chứng kiến, và phần lớn sự tăng điểm đó đã diễn ra trước khi Fed phát tín hiệu xoay trục vào giữa tháng 12. Đó là một lời nhắc nhở tuyệt vời về việc chúng ta đã được bao xa đi từ đáy sâu của thị trường giá xuống vào năm ngoái… Việc thiết lập những đỉnh cao mới sau 2 năm có thể là một dấu hiệu cho thấy niềm tin vào sự khởi sắc kinh tế trong năm 2024”, chiến lược gia Ryan Detrick của công ty Carson Group nói với hãng tin Reuters.
Trên thị trường năng lượng, giá dầu thô Brent giao tháng 3 tại London giảm 2,24 USD/thùng, tương đương giảm hơn 2,8%, chốt ở mức 77,3 USD/thùng. Giá dầu WTI giao sau tại New York giảm 2,34 USD/thùng, tương đương giảm 3,16%, còn 71,77 USD/thùng.
Giá dầu giảm mạnh sau khi có thêm các công ty vận tải biển cho biết đã sẵn sàng nối lại các chuyến tàu đi qua Biển Đỏ - khu vực thời gian qua thường xuyên xảy ra các cuộc tấn công của lực lượng Houthi nhằm vào tàu bè. Vào hôm thứ Tư, giá dầu đã giảm gần 2% khi một số hãng vận tải biển lớn tuyên bố lập lại hải trình qua tuyến đường biển này.
“Cảm giác trên thị trường bây giờ là tuyến Biển Đỏ đang mở cửa trở lại và sẽ đưa nguồn cung dầu ra thị trường nhanh hơn vài tuần so với việc đi vòng qua đường khác”, nhà phân tích Phil Flynn của Price Futures Group phát biểu.
Giá dầu có thể giảm sâu hơn trong phiên này nếu không có sự hỗ trợ từ số liệu hàng tuần của Cơ quan Thông tin năng lượng Mỹ (EIA) cho thấy lượng dầu tồn kho của Mỹ giảm mạnh hơn dự báo. Theo đó, kho dầu thương mại của nước này giảm 7,1 triệu thùng trong tuần kết thúc vào ngày 22/12, so với mức dự báo giảm 2,7 triệu thùng mà các nhà phân tích đưa ra trong một cuộc khảo sát của Reuters.
Ngoài ra, giới đầu tư cũng kỳ vọng rằng việc Mỹ và châu Âu giảm lãi suất trong năm 2024 sẽ kích thích nhu cầu tiêu thụ dầu. Tuy nhiên, triển vọng tăng trưởng yếu của kinh tế toàn cầu, nhất là kinh tế Trung Quốc, vẫn là một nguồn áp lực mất giá đối với “vàng đen”.