09:57 26/09/2019

Sửa Bộ luật Lao động: Vấn đề chưa có tiền lệ được xử lý thế nào?

Nguyễn Lê

Qua nhiều vòng thảo luận, Uỷ ban Thường vụ Quốc hội vẫn khẳng định quy định “tổ chức của người lao động tại doanh nghiệp” là vấn đề mới và khó

Người lao động trong doanh nghiệp có quyền thành lập, gia nhập tổ chức của người lao động tại doanh nghiệp, theo dự thảo Bộ luật Lao động (sửa đổi)
Người lao động trong doanh nghiệp có quyền thành lập, gia nhập tổ chức của người lao động tại doanh nghiệp, theo dự thảo Bộ luật Lao động (sửa đổi)

Chính phủ nói quy định về tổ chức đại diện người lao động tại cơ sở là vấn đề mới, chưa có tiền lệ ở Việt Nam.

Qua nhiều vòng thảo luận, Uỷ ban Thường vụ Quốc hội vẫn khẳng định đây là vấn đề mới và khó.

Uỷ ban Thường vụ Quốc hội vừa gửi xin ý kiến các đoàn đại biểu Quốc hội dự thảo báo cáo tiếp thu, giải trình và chỉnh lý dự thảo Bộ luật Lao động (sửa đổi).

Dự thảo bộ luật Chính phủ trình Quốc hội tại kỳ họp thứ 7 quy định: tổ chức đại diện người lao động tại cơ sở bao gồm công đoàn cơ sở được thành lập theo quy định của Luật Công đoàn và tổ chức của người lao động được thành lập theo quy định của bộ luật này.

Lý do bổ sung nội dung trên được Chính phủ cho biết là nhằm nội luật hóa tiêu chuẩn lao động quốc tế và thực hiện các cam kết về lao động trong các Hiệp định thương mại tự do mà Việt Nam tham gia.

Qua thảo luận, một số vị đại biểu Quốc hội đề nghị cần bổ sung quy định làm rõ hơn vai trò của tổ chức công đoàn nhằm khẳng định vị trí chính trị của Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam đã được Hiến pháp và Luật Công đoàn ghi nhận, đồng thời tránh nhầm lẫn giữa tổ chức công đoàn với tổ chức của người lao động tại doanh nghiệp nằm ngoài hệ thống tổ chức của Công đoàn Việt Nam.

Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho biết, tiếp thu ý kiến trên, đã chỉ đạo chỉnh lý tên gọi của tổ chức đại diện người lao động dự kiến sẽ được thành lập mới (không thuộc hệ thống tổ chức Công đoàn Việt Nam) theo đúng tinh thần nghị quyết số 06-NQ/TW là: "Tổ chức của người lao động tại doanh nghiệp" và quy định cụ thể "Tổ chức đại diện người lao động tại cơ sở bao gồm: Công đoàn cơ sở (thuộc tổ chức Công đoàn Việt Nam) và tổ chức của người lao động tại doanh nghiệp". Dự thảo cũng bổ sung điều 171 quy định về "công đoàn cơ sở thuộc tổ chức Công đoàn Việt Nam".

Đồng thời, một số quy định tại chương XIII về "Tổ chức đại diện người lao động tại cơ sở" đã được chỉnh lý, bổ sung để tương thích với các Công ước của ILO, phân biệt rõ công đoàn cơ sở với tổ chức của người lao động tại doanh nghiệp và các quy định áp dụng chung cho cả hai loại tổ chức này nhưng mang tính nguyên tắc và giao Chính phủ quy định chi tiết.

Theo Ủy ban Thường vụ Quốc hội, quy định "tổ chức của người lao động tại doanh nghiệp" là vấn đề mới và khó, chưa có thực tiễn nên mức độ quy định như dự thảo là phù hợp.

Dự thảo báo cáo của Uỷ ban Thường vụ Quốc hội cũng nêu một số nội dung đề nghị Chính phủ quan tâm, thận trọng và làm rõ trong văn bản quy định chi tiết, hướng dẫn thi hành như: nguyên tắc về quản lý tài chính, thu phí thành viên, xử lý mối quan hệ về kinh phí công đoàn theo quy định của Luật Công đoàn. 

Việc người lao động được quyền tham gia một hay nhiều tổ chức đại diện cho mình, xác định mức độ đại diện của tổ chức người lao động tại doanh nghiệp, giải quyết khiếu nại, tranh chấp giữa các tổ chức của người lao động liên quan đến quyền thương lượng tập thể, cơ chế thực hiện các quy định về tham vấn, lấy ý kiến các tổ chức đại diện người lao động tại cơ sở nếu ở đó có hơn một tổ chức của người lao động khi ban hành nội quy, mức lao động, thang lương, bảng lương... cũng là những vấn đề Chính phủ cần làm rõ.

Đồng thời, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cũng đề nghị Tổng liên đoàn Lao động Việt Nam khẩn trương sửa đổi Luật Công đoàn đáp ứng với yêu cầu của tình hình mới và đòi hỏi của người lao động trong bối cảnh hội nhập quốc tế. Chính phủ, các cơ quan có liên quan, cấp ủy đảng và chính quyền địa phương các cấp thực hiện tốt các cơ chế, thiết chế hỗ trợ phát triển Công đoàn Việt Nam nhằm bảo đảm sự lãnh đạo của Đảng, quản lý của Nhà nước, giữ vững ổn định chính trị, an ninh và an toàn, trật tự xã hội góp phần thúc đẩy phát triển quan hệ lao động tiến bộ, hài hòa, ổn địn

Điều 172: Thành lập, gia nhập tổ chức của người lao động tại doanh nghiệp

1. Tổ chức của người lao động tại doanh nghiệp thành lập và hoạt động hợp pháp sau khi được cơ quan nhà nước có thẩm quyền cấp đăng ký.

2. Tổ chức của người lao động tại doanh nghiệp bị thu hồi đăng ký khi vi phạm về tôn chỉ, mục đích của tổ chức quy định theo Điều 174 Bộ luật này hoặc doanh nghiệp sử dụng lao động giải thể, phá sản hoặc tổ chức của người lao động tại doanh nghiệp chấm dứt sự tồn tại trong các trường hợp hợp nhất, sáp nhập, chia, tách, giải thể tổ chức của người lao động tại doanh nghiệp.

3. Trường hợp tổ chức của người lao động tại doanh nghiệp gia nhập hệ thống Tổng Liên đoàn lao động Việt Nam thì thực hiện theo quy định của Luật Công đoàn.

4. Chính phủ quy định về hồ sơ, thủ tục đăng ký; thẩm quyền, thủ tục cấp đăng ký, thu hồi đăng ký; quản lý nhà nước đối với vấn đề tài chính, tài sản của tổ chức của người lao động tại doanh nghiệp; hợp nhất, sáp nhập, chia, tách, giải thể, quyền liên kết của tổ chức của người lao động tại doanh nghiệp.

(Nguồn: Dự thảo Bộ luật Lao động (sửa đổi) gửi các đoàn đại biểu Quốc hội)