00:13 19/09/2019

Sửa Bộ Luật lao động: "Xin đừng nhìn chủ - thợ trong mối quan hệ xung đột"

KIỀU LINH

Chưa vội nói đến những sửa đổi cụ thể trong Dự thảo Bộ Luật Lao động sửa đổi, cả chuyên gia và giới sử dụng lao động cho rằng điều quan trọng đầu tiên là xin đừng tư duy chủ - thợ trong mối quan hệ xung đột để soạn luật

Ảnh minh hoạ.
Ảnh minh hoạ.

Tại hội thảo "Dự thảo Bộ Luật lao động sửa đổi: Những tác động bất lợi và kiến nghị" sáng 18/9, Tiến sĩ Vũ Thành Tự Anh nhận xét: Bộ luật này có tư duy tương đối lạc hậu và nhiều điểm là bước lùi so với Bộ Luật lao động 2012.

Một cách chi tiết hơn, theo Tiến sĩ Vũ Thành Tự Anh, các nhà soạn luật đã nhìn nhận lạc hậu khi cho rằng mối quan hệ giữa người sử dụng lao động và người lao động là mối quan hệ xung đột chủ - thợ. Mà đáng ra phải nhìn từ góc độ tổng thể của nền kinh tế. Một bộ luật ra đời có giúp năng lực cạnh tranh của nền kinh tế cao hơn không? Có tạo thị trường hiệu quả không? Có tạo động lực cho người lao động có thể làm tốt hơn? Chứ đừng nói đến mâu thuẫn đối kháng, có tính chất một mất một còn giữa chủ sử dụng lao động và người lao động.

"Cách nhìn đó quá cũ kỹ, lạc hậu nên bỏ đi, dù vẫn phải đảm bảo hài hoà lợi ích", ông Vũ Thành Tự Anh nói.

Mục tiêu của Luật lao động là gì? Ta đang đi xin công nhận là kinh tế thị trường. Mà lao động là một trong những nhân tố đầu vào cơ bản của mọi nền kinh tế nhưng với Luật này ta đang can thiệp sâu, chi tiết vào quan hệ lao động. Cái này sai về tư duy, không có tính thị trường, thậm chí đi ngược lại chủ trương so với Luật Lao động 2012.

Về mặt kinh tế thị trường, nguyên tắc là ta chỉ can thiệp khi có thất bại của thị trường nhưng dường như các nhà soạn luật đứng ở góc độ nhà nước phụ mẫu, sợ người lao động làm quá nhiều thời gian, sợ giới chủ bóc lột người lao động… 

"Có nhiều cái mà tư duy đằng sau thể hiện một cách rõ nét nhà nước là phụ mẫu, không tôn trọng quyền tự quyết của người lao đông, chủ lao động khi đã có hợp đồng khế ước lao động. Cái quan trọng là làm sao cho hợp đồng lao động được thực thi chứ không phải lo thay cho người lao động. Điều này là đi ngược lại kinh tế thị trường", TS Vũ Thành Tự Anh nói. 

Nhìn rộng hơn, ông Tự Anh chỉ ra nền kinh tế của Việt Nam hiện vẫn đang phụ thuộc vào lợi thế lao động giá rẻ, quy mô lớn. Nếu dự thảo Bộ luật Lao động được thông qua, Việt Nam không thể toàn dụng lao động được. Việc giới hạn thời gian làm thêm, tiền lương… sẽ khiến Việt Nam thiểu dụng lao động và tạo ra thất nghiệp có tính cơ cấu.

Chưa kể là các hiệu ứng ngược mà các quy định gây nên. Ví dụ như việc quy định tính tiền lương lũy tiến sẽ tạo ra khả năng người lao động làm kém năng suất trong các giờ đầu để chờ các giờ sau có lương cao hơn. "Ta tưởng ta lo cho người lao động nhưng thực tế lại khiến người lao động lười biếng hơn, trong khi đó ta lại tạo gánh nặng chi phí cho chủ sử dụng lao động, dẫn đến hệ quả là tình trạng sa thải lao động tăng lên".

"Điều cuối cùng tôi muốn nói là thị trường lao động phải linh hoạt, nghĩa là nó tạo ra không gian để cho người sử dụng lao động có thể sử dụng lao động một cách hiệu quả nhất.

Vì sao nhà nước lại lo người lao động kiệt sức, trong khi họ có thể nghỉ ngơi ban ngày. Một bộ luật quá lạc hậu tư duy, không đi kịp nền kinh tế như vậy tôi cam đoan chỉ vài năm sau lại sửa tiếp", ông Tự Anh bình luận.

Nói về tư duy của nhà soạn luật, TS. Nguyễn Đình Cung - Viện trưởng Viện Nghiên cứu và quản lý kinh tế trung ương (CIEM) nhấn mạnh cách tư duy ở dự thảo Bộ luật Lao động đang làm cho môi trường kinh doanh ngày càng xấu đi. Vì môi trường kinh doanh chỉ có 2 điểm: Chi phí thấp và rủi ro thấp.

"Ta làm bộ luật này tạo chi phí cao, rủi ro cao mà người hưởng lợi nhiều nhất là thanh tra lao động, vì kiểu gì doanh nghiệp cũng vi phạm và thanh tra lao động phát hiện ra ngay".

Ở góc độ người sử dụng lao động, ông Bùi Đức Thịnh, Chủ tịch Hội đồng Quản trị Công ty Cổ phần May Sông Hồng, nói: Ở đây không có kẻ thắng người thua, hay bên này mạnh, bên kia yếu. Quan hệ giữa giới chủ và với công nhân hiện nay là mối quan hệ hữu cơ, không thể đối lập hay tách rời. Nhiều cuộc tranh luận dường như đang muốn hình thành và thúc đẩy thành một cuộc đấu tranh mang tính đối kháng giữa hai chủ thể.

Nếu chỉ cần để người chủ và đại diên nguời lao động hay tất cả người lao động trong doanh nghiệp trao đổi thẳng thắn, cởi mở với nhau thì mọi việc trở lên rất nhanh chóng và nhẹ nhàng.