Sửa Luật Giáo dục: Dồn hết chi phí cho dân có hợp lý không?
Ngân sách nhà nước đầu tư cho giáo dục là tiền thuế của dân, luật lại dồn hết các khoản chi phí tiền lương, chi phí quản lý và các chi phí khác vào học phí
Ngân sách nhà nước đầu tư cho giáo dục là tiền thuế của dân, luật lại dồn hết các khoản chi phí tiền lương, chi phí quản lý và các chi phí khác vào học phí tức là tiền túi của người dân thì có hợp lý không?
Đại biểu Trần Thị Hiền (Hà Nam) đã đặt câu hỏi này trong phiên thảo luận sáng 15/11 của Quốc hội về dự án Luật Giáo dục (sửa đổi).
Học phí phải phù hợp với điều kiện kinh tế
Khoản 1 điều 97 dự thảo luật quy định mức thu học phí được xác định theo lộ trình, tính đúng, tính đủ, chi phí dịch vụ giáo dục đào tạo do Chính phủ quy định. Đồng thời tại khoản 3 điều này xác định chi phí của dịch vụ đào tạo bao gồm toàn bộ chi phí tiền lương, chi phí trực tiếp, chi phí quản lý, chi phí khấu hao tài sản cố định, phục vụ trực tiếp và gián tiếp hoạt động giáo dục đào tạo theo chương trình giáo dục đào tạo.
Như vậy, có thể hiểu học phí là giá của dịch vụ đào tạo, đại biểu Hiền nhấn mạnh và cho biết là rất băn khoăn về việc hoàn thiện chính sách học phí theo hướng này khi đặt cạnh đường lối chỉ đạo của Nghị quyết 29: Nhà nước giữ vai trò chủ đạo trong đầu tư phát triển giáo dục và đào tạo, ngân sách nhà nước chi cho giáo dục đào tạo tối thiểu ở mức 20% tổng chi ngân sách
Ngân sách nhà nước đầu tư cho giáo dục là tiền thuế của nhân dân đóng góp, theo lộ trình dồn hết các khoản chi phí tiền lương, chi phí quản lý và các chi phí khác vào học phí tức là tiền túi của người dân thì có hợp lý không. Nhất là tình trạng lạm thu trong một số nhà trường còn rất phổ biến, bà Hiền đặt vấn đề.
Theo đại biểu thì với đa số các bậc phụ huynh, khái niệm học phí ngày càng không còn ý nghĩa bởi sự tồn tại của một khái niệm rất ám ảnh, đó là tiền trường cùng với vô vàn biến tướng về các khoản thu nép trong danh nghĩa tự nguyện, phí bổ trợ, phí nâng cao, nâng cấp cơ sở vật chất...
"Đa số cha mẹ học sinh luôn vào thế cực chẳng đã, gồng mình lo tiền trường. Do vậy, để có sự cân bằng, hợp lý, đại biểu đề nghị luật hóa thêm một số nguyên tắc xác định học phí. Đó là, mức thu học phí phải phù hợp với điều kiện kinh tế của từng địa bàn dân cư và khả năng đóng góp thực tế của người dân. Như vậy, cử tri cũng sẽ yên tâm hơn về khuôn khổ của lộ trình tính đúng, tính đủ học phí và Chính phủ cũng có cơ sở quy định chi tiết", đại biểu Hiền góp ý
Băn khoăn tín dụng sư phạm
Vấn đề khác cũng khiến một số đại biểu băn khoăn là chính sách tín dụng cho sinh viên sư phạm.
Đại biểu Ka H'Hoa (Đắk Nông) nói, khoản 3 điều 83 dự thảo luật quy định "học sinh, sinh viên sư phạm được vay tín dụng sư phạm để đóng học phí và chi trả sinh hoạt phí cho toàn khóa học. Sau khi tốt nghiệp nếu công tác trong ngành giáo dục đủ thời gian theo quy định sẽ không phải trả khoản vay tín dụng sư phạm. Trường hợp học sinh, sinh viên sư phạm không có nhu cầu sử dụng tín dụng sư phạm nhưng ra trường vẫn làm trong ngành giáo dục đủ thời gian theo quy định sẽ được hưởng khoản tín dụng sư phạm mà học sinh, sinh viên sư phạm được hưởng".
Đồng ý với chính sách này nhưng để khả thi, đại biểu đề nghị làm rõ sau khi tốt nghiệp và công tác trong ngành giáo dục trong thời gian bao lâu thì được hưởng tín dụng sư phạm như trên.
Băn khoăn của đại biểu còn ở chỗ, quy định trên chỉ áp dụng cho học sinh, sinh viên học các trường đại học, cao đẳng, sư phạm và ra trường công tác trong ngành giáo dục đủ thời gian theo quy định thì được hưởng khoản vay tín dụng sư phạm. Còn đối với học sinh, sinh viên tốt nghiệp các trường cao đẳng, đại học khác và có chứng chỉ bồi dưỡng nghiệp vụ sư phạm, công tác trong ngành giáo dục thì có được hưởng khoản vay tín dụng sư phạm này không?
Đề nghị của đại biểu là cần xem xét và mở rộng chính sách tín dụng đối với học sinh, sinh viên các trường khác và công tác trong ngành giáo dục đủ thời gian quy định.
Cũng ủng hộ việc thay thế chính sách miễn học phí đối với sinh viên ngành sư phạm bằng chính sách tín dụng sư phạm, song đại biểu Cao Thi Xuân (Thanh Hoá) cho rằng tín dụng sư phạm chỉ áp dụng riêng đối với đối tượng là người học ngành sư phạm, nên đặt thành quy định riêng để có sự phân biệt rõ với chính sách tín dụng giáo dục.
Đồng thời, chính sách tín dụng giáo dục mới chỉ quy định ngắn gọn, mang tính nguyên tắc, cần ủy quyền giao cho Chính phủ quy định chi tiết thì mới có thể thực hiện được, đại biểu Xuân góp ý.