15:47 14/01/2013

Sửa nghị định về tập đoàn: Khi thực tế đổi thay

Anh Minh

Chính sách liên quan đến các tập đoàn, tổng công ty nhà nước đã thay đổi khá nhiều trong năm 2012

Vào tháng 9/2012, Bộ trưởng - Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Vũ Đức Đam 
cho biết trong thời gian tới "định hướng sẽ giữ lại 5 - 7 tập đoàn".
Vào tháng 9/2012, Bộ trưởng - Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Vũ Đức Đam cho biết trong thời gian tới "định hướng sẽ giữ lại 5 - 7 tập đoàn".
Tiến trình hoàn thiện khung pháp lý về kinh doanh đôi khi không theo kịp diễn biến của nền kinh tế, như trong trường hợp mà VnEconomy đề cập dưới đây.

Dự thảo nghị định quản lý, giám sát tập đoàn kinh tế, tổng công ty nhà nước đặc biệt quan trọng thay thế Nghị định số 101/2009/NĐ-CP vừa chính thức được công bố trên website của Bộ Kế hoạch và Đầu tư để lấy ý kiến các bên liên quan.

Thế nhưng, trong khi dự thảo này được xây dựng, chính sách liên quan đến các tập đoàn, tổng công ty nhà nước đã thay đổi khá nhiều trong năm 2012.
 
Theo chương trình công tác năm 2012 của Chính phủ, Bộ Kế hoạch và Đầu tư được giao chủ trì, phối hợp với các cơ quan có liên quan xây dựng nghị định này. Ngày 23/3/2012, Văn phòng Chính phủ thông báo ý kiến chỉ đạo của Phó thủ tướng Vũ Văn Ninh đồng ý bổ sung nhiệm vụ “Sửa đổi, bổ sung quy định về thí điểm thành lập, tổ chức quản lý và hoạt động của các tập đoàn kinh tế nhà nước” tại Chỉ thị 03/CT-TTg ngày 17/1/2012 của Thủ tướng Chính phủ vào nhiệm vụ xây dựng “Nghị định quản lý, giám sát tập đoàn kinh tế, tổng công ty nhà nước đặc biệt quan trọng thay thế Nghị định số 101/2009/NĐ-CP”.

Thực hiện nhiệm vụ này, ngày 20/4/2012, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã ban hành Quyết định số 489/QĐ-BKHĐT về việc thành lập ban soạn thảo và tổ biên tập xây dựng nghị định về quản lý, giám sát tập đoàn kinh tế, tổng công ty đặc biệt quan trọng. Ban soạn thảo đã có các cuộc họp trao đổi về nội dung dự thảo nghị định và ngày 19/10/2012, Vụ Đổi mới doanh nghiệp thuộc Văn phòng Chính phủ đã góp ý và trao đổi trực tiếp với ban soạn thảo về nội dung dự thảo nghị định.
 
Tuy nhiên, trong khi ban soạn thảo xây dựng dự thảo, vào tháng 9/2012, Bộ trưởng - Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Vũ Đức Đam cho biết trong thời gian tới "định hướng sẽ giữ lại 5 - 7 tập đoàn".

Trong một quyết định quyết liệt hơn sau đó, vào tháng 10/2012, Chính phủ đã quyết định “dừng thí điểm” hai tập đoàn ngành xây dựng là HUD và Sông Đà.
 
Đối với những tổng công ty trước đó đang “ấp ủ” giấc mơ tập đoàn, các quyết định chính sách này đã gián tiếp khẳng định rằng sẽ không có tập đoàn nào được thành lập mới trong thời gian tới. Tuy nhiên, Nghị định 101 và dự thảo nghị định sửa đổi vẫn có nội dung về “điều kiện thành lập tập đoàn”, và từ đây đưa tới những ý kiến khác nhau.

Bộ Kế hoạch và Đầu tư thừa nhận, hiện nay có một số ý kiến cho rằng không nên ban hành nghị định mới vì trong thời gian tới sẽ chỉ còn 5-7 tập đoàn kinh tế nhà nước, và mỗi tập đoàn kinh tế nhà nước đã có một điều lệ tổ chức và hoạt động của công ty mẹ quy định đầy đủ tổ chức, hoạt động, quan hệ nội bộ tập đoàn kinh tế.

Trong khi đó, các tổng công ty nhà nước đã có Nghị định số 111/2007/NĐ-CP điều chỉnh; việc thực hiện quyền và nghĩa vụ của chủ sở hữu nhà nước đã có Nghị định số 99/2012/NĐ-CP ngày 15/11/2012 của Chính phủ về phân công, phân cấp thực hiện các quyền hạn, trách nhiệm, nghĩa vụ của chủ sở hữu nhà nước đối với doanh nghiệp nhà nước và vốn nhà nước đầu tư vào doanh nghiệp. Do đó, việc ban hành nghị định này sẽ không cần thiết.

Về số cấp doanh nghiệp trong tập đoàn kinh tế, tổng công ty, có  ý kiến cho rằng không nên hạn chế số cấp doanh nghiệp cũng như quan hệ liên kết giữa các doanh nghiệp trong trong tập đoàn kinh tế, tổng công ty mà để tập đoàn kinh tế, tổng công ty tự phát triển theo quy luật thị trường.

Có ý kiến lại cho rằng cần hạn chế số cấp doanh nghiệp trong tập đoàn kinh tế ở 4 cấp và tổng công ty nhà nước ở 3 cấp.

Nhưng nhiều ý kiến cho rằng cần hạn chế số cấp doanh nghiệp trong tập đoàn kinh tế, tổng công ty ở 3 cấp. Các cấp phải có mối liên quan chặt chẽ về ngành, lĩnh vực kinh doanh; không cho phép đầu tư ngược và đầu tư chéo giữa các công ty trong tập đoàn kinh tế, tổng công ty.

Bộ Kế hoạch và Đầu tư cũng cho rằng cần hạn chế số cấp doanh nghiệp (cấp đầu tư) trong tập đoàn kinh tế, tổng công ty ở 3 cấp vì như vậy thì Nhà nước với tư cách là chủ sở hữu mới thực hiện quản lý, giám sát được và với năng lực quản lý của công ty mẹ thì hạn chế ở 3 cấp là hợp lý. Thực tế, việc đầu tư thành lập quá nhiều cấp doanh nghiệp trong tập đoàn kinh tế, tổng công ty trong thời gian qua đang là một vấn đề phải giải quyết hiện nay.

Một nội dung cũng gây băn khoăn không kém là quy định điều kiện thành lập mới tập đoàn kinh tế, tổng công ty nhà nước, có ý kiến cho rằng không cần quy định điều kiện thành lập mới tập đoàn kinh tế, tổng công ty vì việc thành lập tập đoàn kinh tế, tổng công ty do Thủ tướng Chính phủ quyết định hoặc phê duyệt chủ trương theo đề nghị của bộ quản lý ngành hoặc UBND cấp tỉnh.

Tuy nhiên, cũng có ý kiến cho rằng cần phải quy định điều kiện để tránh tình trạng các bộ quản lý ngành và UBND cấp tỉnh đề nghị thành lập mới các doanh nghiệp nhà nước một cách tràn lan!