18:14 11/01/2013

Đã có dự thảo khung pháp lý mới cho tập đoàn nhà nước

Hoài Ngân

Dự thảo nghị định về tập đoàn, tổng công ty nhà nước đã được hoàn tất và trình lên Chính phủ

Theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, việc ban hành nghị định mới là để hướng dẫn 
việc thành lập, tổ chức quản lý tập đoàn kinh tế nhà nước, tổng công ty 
nhà nước cho phù hợp với quy định của Luật Doanh nghiệp.
Theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, việc ban hành nghị định mới là để hướng dẫn việc thành lập, tổ chức quản lý tập đoàn kinh tế nhà nước, tổng công ty nhà nước cho phù hợp với quy định của Luật Doanh nghiệp.
Dự thảo nghị định về tập đoàn kinh tế nhà nước, tổng công ty nhà nước thay thế Nghị định số 101/2009/NĐ-CP vừa chính thức được Bộ Kế hoạch và Đầu tư công bố lấy ý kiến các bên liên quan.

Theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, việc ban hành nghị định mới là để hướng dẫn việc thành lập, tổ chức quản lý tập đoàn kinh tế nhà nước, tổng công ty nhà nước cho phù hợp với quy định của Luật Doanh nghiệp.

Hiện nay, nội dung của Nghị định 101/2009/NĐ-CP dựa trên cơ sở Luật Doanh nghiệp Nhà nước 2003 và Luật Doanh nghiệp 2005. Tuy nhiên đến nay, Luật Doanh nghiệp Nhà nước 2003 đã được thay thế bởi Luật Doanh nghiệp 2005 dẫn đến cần xem xét sửa đổi, bổ sung một số quy định tại Nghị định 101/2009/NĐ-CP cho tương thích, nhất quán với những quy định mới của luật này.

Hiện nay, tất cả các công ty mẹ của tập đoàn kinh tế, tổng công ty nhà nước đều đã chuyển sang hình thức công ty cổ phần, công ty trách nhiệm hữu hạn. Trong khi đó, Nghị định số 101/2009/NĐ-CP chỉ quy định đối với công ty mẹ hoạt động dưới hình thức công ty nhà nước. Vì vậy, cần ban hành các quy định về công ty mẹ dưới hình thức công ty cổ phần, công ty trách nhiệm hữu hạn thay thế quy định về công ty mẹ hoạt động dưới hình thức công ty nhà nước.

Việc sửa đổi bổ sung một số quy định của Nghị định số 101/2009/NĐ-CP cũng nhằm đảm bảo sự đồng bộ và phù hợp với các quy định mới được ban hành. Thời gian qua, Chính phủ đã ban hành một số văn bản pháp quy có liên quan như Nghị định số 99/2012/NĐ-CP ngày 15/11/2012 về phân công, phân cấp thực hiện các quyền, trách nhiệm, nghĩa vụ của chủ sở hữu nhà nước đối với doanh nghiệp nhà nước và vốn nhà nước đầu tư vào doanh nghiệp; cũng như đang chỉ đạo các bộ, ngành soạn thảo các văn bản pháp quy liên quan đến thành lập, tổ chức quản lý, cơ chế quản lý tài chính, quản lý lao động, tiền lương, tiền thưởng trong doanh nghiệp nhà nước; về đầu tư vốn nhà nước vào doanh nghiệp…

Bên cạnh đó, một số đề án có liên quan cũng đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt hoặc đã được trình các cấp có thẩm quyền như đề án tái cơ cấu doanh nghiệp nhà nước, trọng tâm là các tập đoàn kinh tế, tổng công ty nhà nước; đề án tiếp tục đổi mới, nâng cao hiệu quả hoạt động của doanh nghiệp nhà nước; đề án đổi mới quản trị doanh nghiệp theo thông lệ kinh tế thị trường; đề án tách chức năng chủ sở hữu nhà nước với chức năng quản lý của các cơ quan nhà nước đối với doanh nghiệp nhà nước…

Vì vậy, theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, cần sửa đổi, bổ sung một số quy định tại Nghị định số 101/2009/NĐ-CP cho phù hợp, đảm bảo sự đồng bộ với các quy định mới được ban hành; đồng thời cũng cần bổ sung các định hướng, giải pháp mới nêu tại các đề án.

Nghị định cũng sẽ giúp tháo gỡ một số vướng mắc phát sinh được phát hiện trong quá trình thực hiện Nghị định 101 trước đây. Báo cáo tổng kết về việc thí điểm tập đoàn kinh tế nhà nước tại hội nghị sơ kết thí điểm về thí điểm tập đoàn kinh tế nhà nước năm 2011 cho thấy, bên cạnh những mặt tích cực, đã có một số tồn tại, bất cập nhất định phát sinh cần được tháo gỡ, như sửa đổi về trình tự, thủ tục thành lập để rút ngắn thời gian thành lập; tổ chức quản lý, cơ chế vận hành mô hình tập đoàn kinh tế, tổng công ty; mối quan hệ công ty mẹ - công ty con; quản lý, giám sát tập đoàn kinh tế, tổng công ty,... cần tháo gỡ tạo điều kiện thuận lợi cho hoạt động của tập đoàn kinh tế, tổng công ty cũng như việc quản lý, giám sát của chủ sở hữu nhà nước đối với tập đoàn kinh tế, tổng công ty.  

Về điều kiện thành lập, dự thảo nghị định quy định Nhà nước hạn chế thành lập mới tập đoàn kinh tế, tổng công ty và chỉ xem xét thành lập khi đáp ứng đầy đủ các điều kiện. Trong đó, đối tượng được lựa chọn làm nòng cốt hình thành tập đoàn kinh tế là các tổng công ty đáp ứng đầy đủ các điều kiện về hiệu quả kinh doanh, tình trạng tài chính, nguồn nhân lực, trang thiết bị, quản lý và phạm vi hoạt động. Đồng thời, phải đáp ứng được các điều kiện thành lập tập đoàn kinh tế: gồm các điều kiện về ngành, lĩnh vực kinh doanh; các điều kiện đối với công ty mẹ trong tập đoàn kinh tế và các điều kiện về cơ cấu công ty con.

Thủ tướng Chính phủ quyết định các tổng công ty, công ty mẹ trong nhóm công ty mẹ - công ty con được phép xây dựng đề án thành lập tập đoàn kinh tế, tổng công ty trong từng thời kỳ trên cơ sở đề nghị của bộ trưởng bộ quản lý ngành, chủ tịch UBND cấp tỉnh và ý kiến của Bộ Kế hoạch và Đầu tư.

Hội đồng thành viên tổng công ty, công ty mẹ trong nhóm công ty mẹ - công ty con có trách nhiệm xây dựng đề án thành lập tập đoàn kinh tế, tổng công ty trình bộ quản lý ngành, UBND cấp tỉnh xem xét, cho ý kiến để hoàn chỉnh dự thảo đề án.

Đối với việc thành lập tập đoàn kinh tế, Bộ Kế hoạch và Đầu tư chủ trì việc lấy ý kiến thẩm định đề án; đối với việc thành lập tổng công ty, bộ quản lý ngành (đối với tổng công ty thuộc bộ) hoặc UBND cấp tỉnh (đối với tổng công ty thuộc UBND cấp tỉnh) chủ trì việc lấy ý kiến thẩm định đề án. Trên cơ sở kết quả thẩm định, Thủ tướng Chính phủ sẽ phê duyệt đề án thành lập tập đoàn kinh tế và chủ trương thành lập tổng công ty thuộc bộ, UBND cấp tỉnh.