14:50 27/12/2014

Sức khỏe kinh tế Việt Nam 2014 trong mắt nhà thống kê

Nguyên Thảo

Trò chuyện với ông Bùi Trinh, một chuyên gia trong lĩnh vực thống kê của Việt Nam về sức khỏe nền kinh tế năm nay

"Đóng góp nhiều nhất vào GDP lại chính là thành phần kinh tế cá thể, với trên dưới 32% từ 2007 - 2013. Cấu trúc này không hề thay đổi trong suốt 7 - 8 năm nay".<br>
"Đóng góp nhiều nhất vào GDP lại chính là thành phần kinh tế cá thể, với trên dưới 32% từ 2007 - 2013. Cấu trúc này không hề thay đổi trong suốt 7 - 8 năm nay".<br>
Không còn là dự đoán và dự báo nữa, nhiều con số quan trọng của kinh tế 2014 đã có thể khẳng định.

GDP chắc chắn cao hơn 5,9%, thu ngân sách vượt dự toán 6,2% và CPI chỉ tăng 1,84%, thấp nhất trong 13 năm qua.

Dù còn nhiều tranh cãi thì đây vẫn là những con số minh chứng cho nhận định nền kinh tế 2014 có chuyển biến tích cực, theo nhận xét của cơ quan điều hành.

Nhưng với các góc nhìn khác thì sao? VnEconomy đã có cuộc trò chuyện với ông Bùi Trinh, một chuyên gia trong lĩnh vực thống kê của Việt Nam.

Đóng góp nhiều nhất vào GDP chính là... cá thể

Một năm trước, trong bài viết “GDP chạy đi đâu?” trên VnEconomy, với phân tích riêng của mình ông đã đặt vấn đề rằng tăng trưởng GDP dường như không còn ý nghĩa với người dân. Còn năm nay, con số mới nhất về GDP từ Bộ Kế hoạch và Đầu tư là 5,93%, cao hơn mức 5,8% đã được Quốc hội quyết định cho năm 2014, theo ông có ý nghĩa như thế nào?

Với những con số đã công bố thì mọi chuyện tranh cãi là vô nghĩa. Nhìn vào cách thức người dân đón Noel vừa qua rất tưng bừng, khác hẳn hai năm trước, có thể thấy tinh thần, thu nhập của người dân được cải thiện khá rõ.

Nhưng với cá nhân tôi thì con số tăng trưởng 5,93% thực ra cũng không nói lên nhiều điều, vì cơ quan chức năng vẫn chưa công bố có được con số ấn tượng này là do yếu tố nào của phía cầu cuối cùng: bao gồm tiêu dùng cuối cùng của dân cư, tiêu dùng Chính phủ, đầu tư và chênh lệch xuất nhập khẩu.

Nhìn vào dữ liệu từ website của Tổng cục Thống kê từ tháng 11 trở về trước tôi cảm thấy tăng trưởng này là do tiêu dùng cuối cùng của dân cư và xuất khẩu. Tiêu dùng cuối cùng của dân cư tăng có thể do yếu tố thu nhập từ sản xuất tăng, do thu nhập ngoài sản xuất tăng, do tín dụng được nới lỏng?

Còn nhìn sâu vào cơ cấu GDP theo thành phần kinh tế thì thấy doang nghiệp tư nhân chỉ đóng góp chỉ khoảng trên dưới 10% và không thay đổi trong suốt từ năm 2005 - 2013.

Đóng góp nhiều nhất vào GDP lại chính là thành phần kinh tế cá thể với trên dưới 32% từ 2007 - 2013. Cấu trúc này không hề thay đổi trong suốt 7 - 8 năm nay.

Điều này phần nào cho thấy nền kinh tế khá manh mún và chuyện tăng hay giảm tổng cầu cuối cùng (GDP) chỉ là vấn đề luồng tiền ra vào nhiều hay ít mà thôi, và tăng trưởng GDP của ta có được phần nào nhờ vào chính sách của Ngân hàng Nhà nước.

Về xuất khẩu, trong khi khu vực FDI chiếm tỷ trọng 68% trong tổng giá trị xuất khẩu nhưng đóng góp của khu vực này vào GDP chưa tới 20%, cho thấy hàm lượng giá trị gia tăng trong giá trị xuất khẩu của khu vực này là rất thấp.

Nhìn lại số liệu từ 2005 - 2013 cho thấy GDP theo giá hiện hành năm 2013 tăng gấp 3,9 lần so với năm 2005 và bình quân hàng năm tăng 18,6%, trong khi đó chi trả sở hữu ra nước ngoài thuần cũng trong giai đoạn này tăng 9 lần và bình quân cả giai đoạn tăng 32%.

GDP đã loại trừ yếu tố giá năm 2013 tăng so với 2005 là 1,6 lần và bình quân hàng năm tăng 6%, trong khi đó chi trả sở hữu ra nước ngoài thuần theo giá so sánh 2010 cũng trong giai đoạn này tăng 3,7 lần và bình quân hàng năm tăng 18%.

Mặt khác, tăng trưởng GDP là quan điểm tăng trưởng mang tính ngắn hạn do Keynes đưa ra, ông này cho rằng khi tổng cầu tăng sẽ kích thích phía cung từ đó làm tăng thu nhập từ sản xuất.

Ngoài những lý luận do một số tác giả đưa ra khi cho rằng can thiệp vào phía cầu không làm tăng sản lượng và thu nhập từ sản xuất nhiều mà chỉ kích thích nhập khẩu và tiềm ẩn rủi ro lạm phát, việc tăng trưởng trong ngắn hạn còn làm bộc lộ những bất ổn khác mang tính căn bản hơn.

Chẳng hạn khi tiết kiệm của nền kinh tế = GDP + thu nhập từ sở hữu thuần + chuyển nhượng hiện hành thuần + thuế trực thu - tiêu dùng cuối cùng của dân cư - chi tiêu dùng của Chính phủ.

Từ công thức này cho thấy chi tiêu dùng của Chính phủ có thể làm tăng GDP trong ngắn hạn, nhưng lại làm nhỏ đi nguồn lực của nền kinh tế, do tiết kiệm là nguồn lực chủ yếu nhằm mục đích đầu tư trong tương lai.

Trong giai đoạn 2005 - 2013 GDP tính theo USD thì GDP tăng xấp xỉ 3 lần, GNI tăng 2,8 lần, tiết kiệm chỉ tăng 2,7 lần và luồng tiền chi trả sở hữu ra nước ngoài tăng xấp xỉ 9 lần. Tỷ trọng tiết kiệm/GDP giảm từ 33% trong năm 2007 xuống 27% trong năm 2013.

Qua đó có thể thấy Nhà nước cần có chính sách phù hợp hướng tới duy trì nguồn lực chứ không chỉ tập trung tuyệt đối vào GDP. Trong nhiều trường hợp thì GDP càng tăng trưởng thì nguồn lực càng mất đi.

Không nên chỉ nhìn vào tăng trưởng GDP

Việc chỉ số giá tiêu dùng (CPI) chỉ tăng chưa đến 2%, theo ông có phải là bất ngờ lớn nhất của điều hành kinh tế 2014 hay không?

Theo tính toán của tôi từ mô hình cân bằng tổng thể từ việc giá xăng dầu giảm từ 20 - 30% thì nhẽ ra chỉ số giá này còn giảm nữa, nhưng giá hàng hóa và nhất là giá cước vận tải không chịu giảm tương xứng.

Đến hôm nay hầu như vân tải hành khách vẫn không hề giảm giá. Giá vận tải không giảm thì sẽ không lan tỏa đến các loại hàng hóa khác.
 
Vậy dưới góc nhìn của người làm thống kê, theo ông, nền kinh tế Việt Nam đang ở đâu?

Nhìn nền kinh tế thì không nên chỉ nhìn vào tăng trưởng GDP.

Bởi GDP hoặc các nhân tố của phía cầu cuối cùng tăng sẽ chỉ có ý nghĩa khi nó lan tỏa đến phía cung làm tăng thu nhập, nhưng tăng phía cầu mà không lan tỏa đến phía cung thì ngoài việc làm tăng thâm hụt thương mại còn trực tiếp làm để dành của nền kinh tế giảm đi.

Về dài hạn thì để dành của nền kinh tế là nguồn lực cơ bản để tái đầu tư, nếu để dành thấp sẽ khiến vay mượn tăng cao.

Từ 2000 đến 2013 phần chênh lệch giữa tổng thu nhập quốc gia (GNI) và tổng sản phẩm trong nước (GDP) - phần chi trả sở hữu thuần ra nước ngoài - luôn luôn là một số âm và như trên đã nói số âm này ngày một lớn. Điều này phản ánh sức khỏe nền kinh tế là đáng lo ngại.