01:23 11/02/2009

Mỹ công bố kế hoạch 2.000 tỷ USD cứu ngành tài chính

Kiều Oanh

Kế hoạch Ổn định và Phục hồi tài chính mà Bộ trưởng Bộ Tài chính Mỹ Timothy Geithner vừa đưa ra bao gồm ba điểm chính

Bộ trưởng Bộ Tài chính Mỹ Timothy Geithner.
Bộ trưởng Bộ Tài chính Mỹ Timothy Geithner.
Bộ trưởng Bộ Tài chính Mỹ Timothy Geithner vừa tuyên bố, Chính phủ nước này sẽ tung số tiền lên tới 2.000 tỷ USD để khơi thông dòng chảy tín dụng và giải quyết vấn đề tài sản độc hại trong các ngân hàng.

Kế hoạch khổng lồ này được công bố lúc hơn 11h sáng ngày 10/2 theo giờ Washington, tức hơn 11h đêm cùng ngày giờ Việt Nam.


Kế hoạch mang tên Kế hoạch Ổn định và Phục hồi tài chính mà ông Geithner đưa ra bao gồm ba điểm chính rất rõ ràng:

Thứ nhất, Bộ Tài chính Mỹ  sẽ cùng với Cục Dự trữ Liên bang (FED) thành lập một Quỹ Đầu tư công-tư, với quy mô ban đầu là 500 tỷ USD và có thể tăng lên mức 1.000 tỷ USD, để cung cấp nguồn vốn cho các nhà đầu tư tư nhân mua vào các loại chứng khoán đang bị mất thanh khoản nghiêm trọng trên thị trường.

Đây chính là “bad bank” mà giới quan sát đã trông đợi từ lâu, và cũng là mục tiêu ban đầu chưa thành hiện thực của kế hoạch 700 tỷ USD dưới thời Tổng thống Bush.

Thứ hai, Bộ Tài chính Mỹ sẽ hợp tác với FED để cung cấp những khoản cho vay với tổng trị giá lên tới 1.000 tỷ USD dành cho người tiêu dùng và các doanh nghiệp. Sáng kiến Cho vay tiêu dùng và doanh nghiệp mới này là sự mở rộng một chương trình được FED đưa ra từ tháng 11/2008 với trị giá 200 tỷ USD nhằm vào việc cung cấp nguồn vốn cho các khoản vay cho sinh viên, vay mua xe và thẻ tín dụng.

Một chương trình riêng biệt trị giá 50 tỷ USD sẽ được thực hiện để ngăn chặn những vụ tịch biên nhà mới có thể xảy ra. Theo đó, những ngân hàng được cấp vốn liên bang sẽ phải tham gia vào việc điều chỉnh nợ vay cho khách hàng. Tập đoàn Bảo hiểm tiền gửi Liên bang Mỹ (FDIC) và FED sẽ là hai cơ quan chịu trách nhiệm giám sát chính chương trình này.

Thứ ba, Chính phủ Mỹ sẽ tiếp tục bơm vốn trực tiếp vào các ngân hàng của nước này, và tiền để bơm sẽ lấy ra từ phần 350 tỷ USD còn lại của kế hoạch 700 tỷ USD - “đứa con” của người tiền nhiệm ông Geithner là ông Henry Paulson.

Trong phần này, Bộ Tài chính sẽ tiến hành đánh giá tình trạng của hệ thống ngân hàng Mỹ hiện nay và các khoản đầu tư dưới dạng cổ phiếu ưu đãi có thể chuyển đổi này sẽ do một đơn vị mang tên Cơ quan Ổn định tài chính quản lý. Để đánh giá sức khỏe của hệ thống, Bộ Tài chính sẽ kiểm tra tình hình của các tổ chức ngân hàng có tài sản từ 100 tỷ USD trở lên.

Các ngân hàng muốn được rót vốn phải tuân thủ một số điều kiện như hạn chế cổ tức, giảm các hoạt động vận động hành lang; hạn chế mua lại cổ phiếu và hoạt động mua bán, sáp nhập doanh nghiệp; cắt giảm thù lao cho lãnh đạo, cũng như những gói bồi thường thôi việc khổng lồ cho lãnh đạo; phải công khai những khoản chi tiêu xa xỉ… Như đã công bố từ trước, mức lương thưởng tiền mặt tối đa cho một số lãnh đạo cao cấp của các ngân hàng được giải cứu sẽ là 500.000 USD/năm.

Như vậy, tổng số tiền mới phải chi thêm của kế hoạch này, ngoài khoản 350 tỷ USD của kế hoạch cũ, có thể lên tới con số 2.000 tỷ USD.

Bài phát biểu công bố Kế hoạch Ổn định tài chính của ông Geithner cũng chỉ rõ những thách thức lớn mà nước Mỹ đang phải đối mặt. Trong đó có việc người Mỹ “mất niềm tin” vào những nỗ lực đã có của Chính phủ trong việc dùng tiền thuế của dân để giải cứu hệ thống ngân hàng - đối tượng bị xem là nguồn cơn của khủng hoảng - và sự đóng băng của thị trường tín dụng.

Thời gian qua, các ngân hàng Mỹ đã thắt chặt cho vay, tăng găm giữ tiền mặt, bất chấp những nỗ lực bơm vốn của Chính phủ. Thống kê cho thấy, lượng dự trữ dư thừa của các ngân hàng thương mại Mỹ tại FED hiện đã lên tới con số 793 tỷ USD.

“Thay vì đóng vai trò là chất xúc tác cho sự phục hồi tăng trưởng, hệ thống tài chính đang ngăn cản sự phục hồi này. Trong khi đó, suy thoái lại đang gây áp lực lớn đối với các ngân hàng. Đây là một tình trạng nguy hiểm mà chúng ta cần hãm lại”, ông Geithner nói.

Bên cạnh đó, ông Geithner khẳng định quyết tâm tăng cường tính minh bạch của kế hoạch mới. Theo vị tân Bộ trưởng Bộ Tài chính này, những thông tin về tiền thuế của dân được sử dụng để hỗ trợ ngành ngân hàng ra sao sẽ được đưa lên mạng Internet.

Một nét đáng chú ý của kế hoạch giải cứu mới này là mặc dù khuyến khích các ngân hàng cho vay, nhưng không can thiệp quá sâu vào hoạt động của ngân hàng được cứu trợ như chỉ đạo các ngân hàng phải sử dụng vốn của Chính phủ như thế nào.

Có nguồn tin cho hay, ông Geithner đã nhận thức được bài học từ các quốc gia bị chính phủ buộc tăng cường cho vay hoặc chịu cho ngân hàng khác sáp nhập - những biện pháp can thiệp thái quá. Ông Geithner cho rằng, những cách làm này rốt cục sẽ dẫn tới những chi phí cao hơn và làm suy giảm niềm tin vào chính phủ. Ông kết luận, sẽ là khôn ngoan hơn nếu dùng các biện pháp khuyến khích kinh tế để thúc đẩy hoạt động tín dụng.

Nhà Trắng hy vọng, kế hoạch mới này sẽ được nhìn nhận như một nỗ lực giải cứu toàn diện hơn so với kế hoạch 700 tỷ USD trước đây, cũng như một kế hoạch có quy mô khổng lồ và độ phủ rộng cao có khả năng phục hồi niềm tin cho thị trường, đồng thời khuyến khích sự tham gia của các nhà đầu tư tư nhân vào hoạt động vực dậy nền kinh tế.

Tuy nhiên, thị trường chứng khoán Mỹ lại có phản ứng khá trái ngược với mong đợi này. Ngay sau khi kế hoạch được công bố, các chỉ số chính gồm Dow Jones, Nasdaq và S&P 500 đồng loạt giảm trên dưới 4%. Theo giới quan sát, thị trường tỏ ra thất vọng trước việc ông Geithner chưa đưa ra chi tiết cụ thể nào về Quỹ Đầu tư công-tư và hồ nghi về khả năng đem lại kết quả như mong muốn của bản kế hoạch.

(Theo New York Times, Bloomberg, CNN)